Thảo luận tại tổ về dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chiều nay (12/5), đại biểu Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng vô cùng khó. Kể cả những lãnh đạo cấp cao cũng bị các đối tượng sử dụng trang mạng, thậm chí các dữ liệu cá nhân cũng bị lộ lọt từ những nguồn khó xác định.
Ông dẫn chứng, khi đi siêu thị mua hàng bị yêu cầu phải đọc số điện thoại, hay khi đi máy bay trên vé cũng có số điện thoại, vừa xuống đến cửa sân bay đã có người gọi điện "anh có đi taxi về không?".
"Chỉ vô tình chạm vào một quảng cáo nào đó về mua nhà, ngay ngày hôm đó có 40 - 50 cuộc điện thoại gọi đến, giới thiệu mời chào tất cả các dự án", đại biểu Cường dẫn chứng về những hình thức lộ lọt thông tin phổ biến hiện nay. Ông đề nghị cơ quan chức năng cần làm thế nào để công dân được đảm bảo dữ liệu cá nhân.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng phát biểu tại tổ chiều nay. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn Đồng Nai) lo ngại tình trạng người dân bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để lập doanh nghiệp ma, phục vụ các hành vi trốn thuế, gian lận. Gần đây, một người chuẩn bị xuất cảnh mới phát hiện mình bị cấm do doanh nghiệp đứng tên đang nợ thuế, trong khi bản thân chưa từng kinh doanh hay mở công ty.
Theo ông Thống, nạn nhân phải chịu thiệt hại và rủi ro pháp lý, nhưng khiếu nại lại gặp khó do sự chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị quản lý định danh khác với nơi cấp đăng ký doanh nghiệp. Ông đề nghị luật cần quy định rõ trách nhiệm cơ quan liên quan, quy trình xử lý khi dữ liệu cá nhân bị sử dụng trái phép, để người dân được bảo vệ hiệu quả hơn.
Tiếp tục góp ý vào dự luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) chỉ ra bất cập về khái niệm dữ liệu cá nhân. Ông cho rằng, bất kỳ danh sách nhân viên, khách hàng nào của doanh nghiệp cũng được coi là dữ liệu cá nhân và người nắm giữ phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ.
Ông lấy ví dụ, một quán phở 3 nhân viên, chủ quán có một cuốn sổ ghi lương của 3 nhân viên, đó là dữ liệu cá nhân. Danh sách khách hàng với địa chỉ nhà, số điện thoại của cửa hàng có dịch vụ "giao tận nhà" cũng là dữ liệu cá nhân, hay một lớp học có danh sách lớp với tên tuổi, ngày sinh, số điện thoại của học sinh cũng được coi là dữ liệu cá nhân.
"Được coi là bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, chủ quán phở, chủ cửa hàng, cô giáo sẽ có các nghĩa vụ như phải được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu khi thu thập thông tin. Nếu chẳng may bị lộ lọt các thông tin này, họ phải báo cáo cơ quan chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân của Bộ Công an", ông Đồng nói. Nếu hoạt động trên 5 năm, theo ông Đồng, chủ quán phở, chủ cửa hàng gạo phải thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ông Đồng nhấn mạnh, dự thảo chỉ có duy nhất một quy định miễn trừ cho doanh nghiệp nhỏ việc phải thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân trong 5 năm đầu. Còn lại các nghĩa vụ khác như lập hồ sơ đánh giá tác động, báo cáo cơ quan Nhà nước, chịu sự kiểm tra đều phải thực hiện.
"Với hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu chủ sử dụng lao động trên cả nước thì chi phí tuân thủ nhân lên sẽ rất lớn", ông Đồng nêu quan điểm và đề nghị với trường hợp dữ liệu của 100 người trở xuống thì miễn việc lập hồ sơ đánh giá tác động, miễn thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu, nhưng vẫn phải bảo đảm không được để lộ lọt, hay sử dụng dữ liệu sai mục đích.
Trường hợp trong quan hệ lao động thì miễn nghĩa vụ lập hồ sơ đánh giá hay thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu cho danh sách người lao động từ 1.000 người trở xuống. Cơ sở giáo dục cũng miễn nghĩa vụ lập hồ sơ đánh giá tác động hay thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu với danh sách học sinh, người học.
"Với các cơ sở này, chỉ cần tập trung quy định nghĩa vụ cấm để lộ lọt dữ liệu hay sử dụng sai mục đích. Nếu vi phạm thì xử phạt nặng cũng được", ông Đồng góp ý.
Hà Cường