Thứ trưởng Bộ Công an: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân

Thứ trưởng Bộ Công an: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân
5 giờ trướcBài gốc
Nội dung trên được Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an nêu tại buổi thảo luận tổ về dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chiều nay (12/5), trong khuôn khổ Kỳ họp 9, Quốc hội XV.
Ông Tỏ cho hay, theo tính toán sơ bộ của Bộ Công an, hiện trong hệ thống pháp luật của nước ta có khoảng 68 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Quá trình thực hiện các luật này bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi cần điều chỉnh, sửa đổi.
Đáng chú ý, hiện chưa có chế tài hình sự về điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, như mua bán dữ liệu cá nhân. Đồng thời, chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: TTXVN)
Thực tế thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân của tổ chức, cá nhân và đối tượng xấu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đã xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh, hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai, hoặc sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật như lừa đảo, đánh bạc, vu khống, hạ nhục người khác.
Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh về xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số với sự tham gia ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của dữ liệu số.
Trong bối cảnh này, dữ liệu cá nhân trở thành nguyên liệu chính cho các hoạt động của các ngành nghề, dịch vụ và ngày càng chiếm những vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực, tạo ra những giá trị lợi nhuận trong kinh tế quốc dân.
Do đó, việc thống nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân tại dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải quyết hạn chế, thiếu thống nhất rải rác trong các quy định hiện hành.
Đồng thời, phạm vi điều chỉnh của luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở cả môi trường truyền thống (giấy tờ, hồ sơ, tài liệu,…) và môi trường điện tử là cần thiết, phù hợp với thực tế và nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu.
"Nếu chỉ quy định môi trường điện tử sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân", Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nêu.
Thứ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định các trường hợp chuyển dữ liệu xuyên biên giới, bảo đảm phù hợp, thống nhất, tương thích với quốc tế và đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng, không tạo ra rào cản về thủ tục hành chính.
Ngoài ra, để bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, huy động được các nguồn lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, gắn trách nhiệm bảo vệ phù hợp với vai trò của từng lực lượng, giảm gánh nặng cho cơ quan nhà nước, tăng tính chủ động và tăng hiệu lực, hiệu quả về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự luật quy định cơ quan chuyên trách, lực lượng chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, phù hợp.
Đại biểu Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cũng lo ngại khi dữ liệu cá nhân bị rò rỉ không chỉ ở người dân mà cả với lãnh đạo cấp cao và các cơ quan trọng yếu.
Nguyên nhân chính là do nhiều quy định lỏng lẻo khiến dữ liệu dễ bị lộ như người dân phải cung cấp số điện thoại khi đi siêu thị, mua vé máy bay; nhiều người vừa hạ cánh đã có người gọi mời đi taxi, hay lướt mạng xem quảng cáo bất động sản, ngay lập tức nhận hàng chục cuộc gọi tiếp thị.
"Đó là dấu hiệu rõ ràng của việc dữ liệu cá nhân đang bị khai thác tràn lan", ông Cường cảnh báo và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chính sách ngăn chặn.
Hà Cường
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/thu-truong-bo-cong-an-nhieu-to-chuc-doanh-nghiep-thu-thap-thua-du-lieu-ca-nhan-ar942853.html