Biên niên sử bốn thập kỷ xung đột giữa Israel và Hezbollah

Biên niên sử bốn thập kỷ xung đột giữa Israel và Hezbollah
6 giờ trướcBài gốc
1982: Khởi nguồn của các cuộc xung đột Israel - Hezbollah
Cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah đã kéo dài gần nửa thế kỷ, khởi đầu từ năm 1982 khi Israel tấn công Liban với mục tiêu đáp trả các hành động quân sự của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) từ phía Nam Liban.
Tại thời điểm đó, Liban đang chìm trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm, và Israel đã chiếm đóng phía Nam nước này, tiến đến tận Tây Beirut, nơi đặt trụ sở của PLO. Sau một thỏa thuận, PLO đã rút khỏi Liban, nhưng quân đội Israel vẫn tiếp tục hiện diện và hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm địa phương, góp phần vào vụ thảm sát Sabra và Shatila – nơi từ 2.000 đến 3.500 người tị nạn Palestine và dân thường Liban bị giết hại.
Hezbollah ra đời từ phong trào chống lại sự xâm lược của Israel, với sự hỗ trợ được cho là đến từ Iran. Tổ chức này thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng người Hồi giáo Shia bị thiệt thòi tại các khu vực thung lũng Bekaa và ngoại ô phía Nam Beirut, nhanh chóng trở thành một lực lượng quân sự và chính trị mạnh mẽ tại Liban.
Một người tị nạn Palestine bộ hành qua thị trấn Sabra, ở Tây Beirut, vào ngày 2 tháng 8 năm 1982, giữa cảnh hoang tàn do cuộc pháo kích kéo dài 14 giờ của lực lượng Israel vào ngày hôm trước. Ảnh: AP
1983 – 1992: Xung đột mở rộng
Từ năm 1983, Hezbollah và những nhóm liên minh đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng quân sự nước ngoài ở Liban. Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất là vụ đánh bom vào ngày 23 tháng 10 năm 1983, khi một loạt các doanh trại ở Beirut bị tấn công, khiến hơn 300 binh sĩ Pháp và Mỹ thiệt mạng. Vụ việc được cho là do nhóm Thánh chiến Hồi giáo – một mặt trận của Hezbollah thực hiện.
Đến năm 1985, Hezbollah cùng các đồng minh đã phát triển sức mạnh đến mức đủ để buộc Israel phải rút quân về khu vực sông Litani ở phía Nam Liban, và tuyên bố thiết lập một “vùng an ninh” dọc theo biên giới. Tại khu vực này, lực lượng dân quân quân đội Liban phía Nam (SLA), do Israel hỗ trợ, tiếp tục duy trì sự kiểm soát cho đến khi Israel rút quân hoàn toàn vào năm 2000.
Sau khi cuộc nội chiến Liban kết thúc vào năm 1992, Hezbollah bước vào chính trường và giành được 8 ghế trong Quốc hội. Số lượng ghế của Hezbollah không ngừng tăng lên theo thời gian và hiện nay, tổ chức này cùng các đồng minh kiểm soát 62 ghế trong Quốc hội. Ngoài vai trò chính trị, Hezbollah còn điều hành nhiều chương trình xã hội lớn tại những khu vực có đông đảo người ủng hộ, từ đó mở rộng ảnh hưởng của mình trong cộng đồng.
1993 - 2006: Xung đột leo thang
Các cuộc tấn công giữa Hezbollah và Israel tiếp tục leo thang qua nhiều giai đoạn, với những sự kiện đáng chú ý như ‘Chiến tranh Bảy ngày’ vào năm 1993, khi Israel tấn công Liban nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Hezbollah vào miền Bắc Israel.
Đến năm 1996, Israel tiếp tục mở một chiến dịch kéo dài 17 ngày, được gọi là "Operation Grapes of Wrath," nhằm đẩy Hezbollah ra khỏi tầm tấn công vào các mục tiêu của Israel. Một trong những sự kiện đẫm máu nhất xảy ra vào ngày 18 tháng 4 năm 1996, khi Israel bắn phá một căn cứ của Liên hợp quốc ở làng Qana, khiến 106 dân thường thiệt mạng, bao gồm 37 trẻ em.
Đỉnh điểm của xung đột diễn ra vào năm 2006, khi Hezbollah tiến hành một chiến dịch tại lãnh thổ Israel, giết chết 3 binh sĩ Israel và bắt giữ hai binh sĩ khác. Cuộc chiến tháng 7 kéo dài 34 ngày sau đó đã khiến hơn 1.200 người Liban thiệt mạng và khoảng 4.400 người bị thương, phần lớn là dân thường.
Ngày 18 tháng 4 năm 1996: Thi thể của những người tị nạn được phủ chăn tại trụ sở của tiểu đoàn Fijian thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tại Qana, Lebanon. Israel đã pháo kích vào khu phức hợp của Liên hợp quốc, giết chết 106 thường dân trong số hàng trăm người đang tạm cư để trốn tránh đạn bom của cuộc giao tranh giữa Hezbollah và Israel.
2012 - 2024: Xung đột mở rộng với quy mô khu vực
Hezbollah không chỉ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột với Israel mà còn mở rộng ảnh hưởng sang các cuộc đụng độ trong khu vực.
Từ năm 2012, tổ chức này đã can thiệp vào cuộc nội chiến Syria để ủng hộ chính quyền Damascus, một động thái bị chỉ trích rộng rãi bởi các đồng minh Ả Rập trước đây. Tuy nhiên, sự can thiệp này đã giúp Hezbollah thu thập kinh nghiệm chiến trường quý giá và ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm cực đoan như ISIL vào Liban.
Vào tháng 10 năm 2023, Hezbollah đã phát động chiến dịch phóng tên lửa vào Israel nhằm ủng hộ lực lượng Hamas, khiến 1.139 người Israel thiệt mạng. Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích, và Hezbollah tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công dọc biên giới, leo thang căng thẳng khu vực. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và ám sát đã dẫn đến cái chết của nhiều lãnh đạo cấp cao của Hezbollah và Hamas trong năm 2024, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Tháng 9/2024: Cột mốc leo thang căng thẳng
Vụ kích nổ hàng loạt thiết bị truyền tin cầm tay của các thành viên Hezbollah vào ngày 17/9/2024 là một trong những sự kiện đáng chú ý trong chuỗi xung đột giữa Hezbollah và Israel. Đến nay, ít nhất 11 người đã thiệt mạng, trong đó có 3 dân thường, và khoảng 2.750 người bị thương. Hezbollah cáo buộc Israel chịu trách nhiệm về vụ việc và tuyên bố sẽ đáp trả.
Ngày 22/9, hàng trăm tên lửa đã được phóng vào lãnh thổ Israel từ miền Nam Liban – một cuộc tấn công trả đũa do Hezbollah phát động.
Ngày 23/9, Israel phát lệnh tấn công ồ ạt vào lực lượng Hezbollah tại miền Nam Liban 492 người chết và hơn 1.600 người bị thương - con số đẫm máu kỷ lục trong một ngày không kích của Israel vào Liban, kể từ năm 2006.
Khi cuộc không kích nổ ra liên tiếp, hàng nghìn người dân buộc phải di tản dọc tuyến đường ven biển phía Nam Liban để tránh bom đạn từ phía Israel. Sự kiện “Ngày thứ Hai đẫm máu” này khiến một loạt tờ báo phương Tây vốn ủng hộ Israel buộc phải lên án mạnh mẽ hành động khiêu khích cũng như chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào dân thường – hành động gây hấn có thể đẩy khu vực đối diện với nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn diện.
Cuộc tấn công được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng leo thang quá giới hạn, đến mức điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Liban Jeanine Hennis-Plasschaert cảnh báo rằng, khu vực Trung Đông đang "ở bên miệng hố của một thảm họa sắp xảy ra".
Dương Minh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/bien-nien-su-bon-thap-ky-xung-dot-giua-israel-va-hezbollah-267812.htm