Hải quân Mỹ đang trang bị cho các tàu chiến của nước này hai loại vũ khí đánh chặn máy bay không người lái (UAV), nhằm đối phó với các mối đe dọa từ trên không với chi phí rẻ hơn nhiều so với tên lửa truyền thống, theo trang Business Insider.
Hai hệ thống này là UAV đánh chặn Roadrunner-M của hãng Anduril (Mỹ) và UAV Coyote Block 2 của Raytheon (Mỹ). Những loại UAV này sẽ được phóng từ các tàu khu trục lớp Arleigh Burke, đi cùng siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford trong chuyến triển khai đến Trung Đông vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh mối đe dọa từ trên không ngày càng gia tăng từ nhóm vũ trang Houthis (Yemen), Roadrunner-M và Coyote Block 2 được thiết kế như những thiết bị đánh chặn tự động, có thể tiêu hao, dùng để tiêu diệt UAV. Các hệ thống này có thể có thể được phóng lên trước và bay lơ lửng gần tàu khi tàu đi vào khu vực nguy hiểm.
Những hệ thống tự động này nằm trong nỗ lực của Hải quân Mỹ nhằm giải quyết “bài toán chi phí” – tức là việc phải chi quá nhiều tiền để bảo vệ hạm đội trước các cuộc tấn công mà đối phương chỉ mất rất ít chi phí để thực hiện. Dù các UAV này vẫn đắt hơn phần lớn vũ khí của Houthis, nhưng vẫn giúp Hải quân Mỹ tiết kiệm đáng kể chi phí phòng thủ.
Một UAV Coyote Block 2. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Tăng cường phòng thủ cho tàu sân bay
Đầu năm nay, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford rời cảng Norfolk (bang Virginia) để tham gia huấn luyện định kỳ, chuẩn bị cho khả năng được triển khai đến Hạm đội 5 của Mỹ.
Đợt huấn luyện lần này được điều chỉnh để mô phỏng tình huống thực tế mà lực lượng Mỹ có thể đối mặt ở Biển Đỏ, đó là chống lại các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Houthis. Các loại vũ khí đánh chặn UAV mới cũng được đưa vào thử nghiệm thực tế.
Đại tá David Dartez - chỉ huy Không đoàn tàu sân bay số 8 - cho biết một điểm nổi bật trong lần huấn luyện này là số lượng lớn UAV được sử dụng trong các bài tập để giúp phi công và hệ thống phòng thủ làm quen với tình huống bị tấn công từ trên không.
Các thiết bị đánh chặn này hoạt động giống như đạn cảm tử tầm ngắn, có thể bay lượn quanh tàu và chờ lệnh tấn công khi phát hiện mục tiêu. Chúng đủ khả năng tiêu diệt các UAV trong phạm vi gần 16 km.
Coyote Block 2: “sát thủ diệt UAV” cỡ nhỏ
Coyote Block 2 là một loại UAV nhỏ, dùng một lần, chuyên được thiết kế để chống lại các thiết bị bay không người lái. Ngoài nhiệm vụ đánh chặn, nó còn có thể làm nhiệm vụ trinh sát, gây nhiễu điện tử hoặc tấn công chính xác.
Coyote Block 2, được trang bị đầu đạn và thiết bị tìm kiếm tiên tiến, có thể xác định và tiêu diệt các UAV của đối phương. Ảnh: RAYTHEON
UAV tốc độ cao này có giá khoảng 125.000 USD/chiếc. Khi sử dụng, nó được phóng ra từ một ống nhỏ, sau đó bung cánh để bay. Thời gian hoạt động tối đa là khoảng một giờ và có thể mang theo nhiều loại đầu đạn hoặc thiết bị khác nhau tùy mục đích.
Coyote Block 2 được đẩy bằng động cơ tăng tốc kết hợp với động cơ tuabin, giúp chịu được lực gia tốc lớn ngay khi vừa phóng - một yếu tố quan trọng đối với các thiết bị được phóng từ ống.
Hãng Raytheon nhấn mạnh đây là điểm then chốt để Coyote Block 2 phù hợp với mọi tình huống chiến đấu cần triển khai nhanh.
Roadrunner-M: “UAV tự động có thể tái sử dụng”
Ông Palmer Luckey - người sáng lập hãng Anduril - mô tả Roadrunner-M như “một loại vũ khí lai giữa tên lửa tái sử dụng và UAV tự hành cỡ lớn”.
Một UAV Roadrunner-M. Ảnh: ANDURIL
Roadrunner-M có giá khoảng 500.000 USD mỗi chiếc, là phiên bản có mang đầu đạn của dòng UAV tự động và tái sử dụng mà Anduril phát triển. Roadrunner-M được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt các mối đe dọa từ trên không.
Thiết bị này có hai động cơ phản lực, có thể cất cánh thẳng đứng và bay với tốc độ cao để đánh chặn mục tiêu. Nếu chưa phát hiện được mối đe dọa, nó có thể tiếp tục bay lượn để chờ lệnh. Trong trường hợp không cần chiến đấu, Roadrunner-M sẽ tự quay về và hạ cánh xuống tàu để được sử dụng lại sau đó.
Quân đội Mỹ đã mua các loại UAV Roadrunner-M và Coyote Block 2 trong khuôn khổ kế hoạch phát triển khả năng phòng không mặt đất ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Lầu Năm Góc.
Vào tháng 10-2024, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng trị giá gần 250 triệu USD với Anduril để mua hơn 500 chiếc Roadrunner-M. Quân đội Mỹ cũng đã tích hợp UAV Coyote Block 2 vào chiến lược chống các thiết bị bay không người lái.
“Cả hai hệ thống này ban đầu được thiết kế để sử dụng trên đất liền. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm và trình diễn chúng trong môi trường biển” - đại úy Ronald Flanders, phát ngôn viên của phòng nghiên cứu và thu mua của Hải quân Mỹ, chia sẻ với trang Military.com.
Giải bài toán chi phí
Với mức giá từ 125.000 đến 500.000 USD/chiếc, Roadrunner-M và Coyote Block 2 có giá rẻ hơn rất nhiều so với những loại tên lửa đánh chặn có tầm bắn tương tự đang được Hải quân Mỹ sử dụng.
Roadrunner-M có giá chỉ bằng hơn một nửa so với tên lửa tầm ngắn Rolling Airframe Missile. Những loại tên lửa có tầm bắn trung và dài hơn còn đắt hơn nhiều. Cụ thể, tên lửa đánh chặn tầm trung Evolved Sea Sparrow Block 2 có giá khoảng 1,5 triệu USD/quả, tên lửa SM-2 tầm xa khoảng 2 triệu USD/quả, còn SM-6 có giá trên 4 triệu USD/quả.
Hải quân Mỹ cho biết từ tháng 10-2023 đến nay, gần 400 quả đạn, bao gồm hơn 100 quả tên lửa SM-2, 80 quả SM-6 và 20 quả ESSM và SM-3, đã được phóng để đối phó các cuộc tấn công của lực lượng Houthis.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sử dụng các tên lửa nhỏ hơn để đối phó với các mối đe dọa nhỏ hơn như UAV có thể chỉ là một phần trong giải pháp tương lai. Quân đội Anh đang triển khai một loại vũ khí laser mới trên bốn tàu của họ.
Dù vũ khí laser vẫn gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật khi hoạt động trên biển, nhưng nó mang lại khả năng tiêu diệt vô số mục tiêu mà không giới hạn về số lượng.
THẢO VY