Chiến đấu cơ thế hệ 6 và UAV AI: Vũ khí bí mật giúp Mỹ đối đầu ưu thế số lượng của Trung Quốc

Chiến đấu cơ thế hệ 6 và UAV AI: Vũ khí bí mật giúp Mỹ đối đầu ưu thế số lượng của Trung Quốc
6 giờ trướcBài gốc
Máy bay không người lái YFQ-42A đang được phát triển như một phần của chương trình máy bay chiến đấu hợp tác của Không quân Mỹ. Ảnh: X/David Allvin.
Máy bay chiến đấu thế hệ mới cùng các máy bay không người lái “loyal wingmen” (trợ thủ trung thành) của Mỹ có thể giúp Washington đối trọng với lợi thế số lượng máy bay của Trung Quốc và mở rộng phạm vi tác chiến trong trường hợp xung đột xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo các chuyên gia.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang bắt kịp nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ quân sự này và khoảng cách giữa hai nước đang “thu hẹp dần”.
Tướng David Allvin, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, hôm đầu tuần này đã đăng lên mạng xã hội bức ảnh đầu tiên trên thế giới về mẫu máy bay không người lái chiến đấu YFQ-42A. Đây là một phần của chương trình Collaborative Combat Aircraft (CCA) – máy bay chiến đấu hợp tác – mà theo ông Allvin, sẽ “không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn có sức sát thương đáng gờm”.
“Chắc chắn những chiến đấu cơ không người lái này sẽ khiến đối thủ của chúng ta phải dè chừng!”, ông viết.
Máy bay YFQ-42A đang được hãng General Atomics phát triển, là một trong hai thiết kế trong giai đoạn đầu của chương trình CCA, với mục tiêu chế tạo các UAV hỗ trợ máy bay chiến đấu có người lái trong nhiệm vụ không chiến.
Đầu tháng này, Không quân Mỹ cho biết đã bắt đầu thử nghiệm mặt đất với hai thiết kế CCA đầu tiên, công bố hình ảnh mẫu máy bay không người lái còn lại là YFQ-44A do công ty Anduril phát triển.
Các hệ thống động lực, điện tử hàng không, tích hợp tự động hóa và giao diện điều khiển mặt đất của hai mẫu UAV này đang được thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu suất, định hướng cải tiến thiết kế và chuẩn bị cho các bài bay thử vào cuối năm nay. Nếu mọi việc suôn sẻ, sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2026 cùng với việc phát triển các thiết kế trong giai đoạn tiếp theo.
Chuyên gia phân tích hàng không Richard Aboulafia – giám đốc điều hành hãng tư vấn AeroDynamic Advisory – cho biết hai mẫu UAV đầu tiên này chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ tấn công đơn giản hoặc mang tên lửa không đối không cơ bản.
“Các giai đoạn tiếp theo, có thể do những nhà thầu khác sản xuất, sẽ bổ sung thêm nhiều vai trò khác như tác chiến điện tử và các khả năng không chiến cao cấp hơn”, ông nói.
Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Allvin (giữa) cho biết CCA sẽ "không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn thực sự nguy hiểm". Ảnh: AFP.
Không quân Mỹ gọi chương trình CCA là “cốt lõi” trong chiến lược chuyển hướng sang các gói tác chiến có thể mở rộng và hợp tác giữa người – máy. Mục tiêu là tạo ra một “bội số lực lượng” giúp tăng tầm hoạt động, khả năng sống sót và sát thương, với chi phí thấp hơn so với các máy bay chiến đấu truyền thống.
Những máy bay có người lái mà các CCA sẽ phối hợp cùng gồm máy bay thế hệ 6 – trong chương trình Next Generation Air Dominance (NGAD). Boeing đã được trao hợp đồng sản xuất các chiến đấu cơ mà cựu Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ mang tên F-47.
Khác với thế hệ thứ năm như F-35 nhấn mạnh vào tàng hình, máy bay thế hệ 6 dự kiến tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và khả năng phối hợp chặt chẽ giữa người và máy (manned-unmanned teaming, hay MUM-T).
Theo thông tin do tướng Allvin chia sẻ, F-47 có tầm hoạt động chiến đấu hơn 1.000 hải lý (1.852 km) – gần gấp đôi so với F-22 Raptor mà nó sẽ thay thế. Không quân Mỹ đã đặt hàng hơn 185 chiếc, dự kiến được bàn giao trong thập niên 2030.
Hai mẫu UAV YFQ-42A và YFQ-44A được kỳ vọng có bán kính chiến đấu hơn 700 hải lý và khoảng 1.000 chiếc sẽ được đưa vào vận hành trước năm 2029.
Theo chuyên gia Kelly Grieco tại Trung tâm Stimson (Mỹ), các UAV CCA sẽ đảm nhiệm đa dạng nhiệm vụ hơn, với tốc độ cao và khả năng cơ động được cải thiện, giúp chúng phối hợp nhịp nhàng hơn với máy bay có người lái.
“Điều này mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa UAV và máy bay chiến đấu. Các vai trò của CCA có thể bao gồm tác chiến điện tử, trinh sát và không chiến”, bà nói.
Nhà nghiên cứu cấp cao Timothy Heath tại RAND Corporation (Mỹ) cho biết CCA được thiết kế để phối hợp với máy bay có người lái và có mức độ tự chủ, khả năng sống sót cao hơn nhờ công nghệ tàng hình và trí tuệ nhân tạo.
“Điều này khác biệt với các thế hệ máy bay không người lái trước đây vốn chỉ điều khiển từ xa và dễ bị tiêu diệt trên chiến trường”, ông Heath nói. “Kết quả là, lực lượng không quân tương lai có thể dựa nhiều hơn vào UAV, trong khi phi công con người chủ yếu đảm nhận vai trò chỉ huy và phối hợp tác chiến”.
Ông Kostas Tigkos – Giám đốc bộ phận hệ thống nhiệm vụ và tình báo của hãng phân tích quân sự Janes – đánh giá chi phí hợp lý và tính năng tiên tiến của CCA sẽ cho phép sản xuất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc.
Ông cho rằng điều này sẽ tạo điều kiện cho chiến thuật “bão hòa không phận”, trong khi chiến đấu cơ có người lái vẫn nằm ngoài tầm tấn công của tên lửa đối phương.
Một số công nghệ then chốt được ông Tigkos nhấn mạnh là khả năng tự hành cao giúp giảm sự phụ thuộc vào trung tâm chỉ huy mặt đất – vốn có độ trễ trong liên lạc – cũng như khả năng kháng nhiễu mạnh mẽ. UAV có thể tự điều chỉnh đường bay để tối ưu cảm biến hoặc tránh bị radar phát hiện.
Hai mẫu J-36 và J-50 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: ISW.
Khi chương trình CCA của Mỹ đang dần hình thành, Trung Quốc cũng đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển máy bay thế hệ thứ 6.
Hai mẫu máy bay chiến đấu đang được phát triển bởi Tập đoàn Máy bay Thành Đô và Thẩm Dương – được gọi không chính thức là J-36 và J-50 – đã được phát hiện bay thử gần các nhà máy từ tháng 12/2024.
Mặc dù chưa có xác nhận chính thức về việc những máy bay này sẽ có “đôi cánh trung thành”, truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) năm 2022 từng phát sóng hình ảnh dựng vi tính cảnh chiến đấu cơ J-20 bay cùng ba UAV tàng hình GJ-11, cho thấy Trung Quốc cũng đang nghiên cứu công nghệ CCA.
Ông Heath nhận định cả Trung Quốc và Mỹ đều thể hiện sự quan tâm đến khái niệm CCA, và mặc dù Mỹ vẫn dẫn trước trong công nghệ hàng không quân sự – nhất là ở động cơ – “khoảng cách đang thu hẹp lại”.
Trung Quốc đạt được tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực AI, có thể giúp quân đội nước này phát triển các nền tảng CCA hiệu quả hơn.
“Theo lý thuyết, các CCA sẽ hoạt động theo đội hình gồm nhiều UAV phối hợp với số ít máy bay chỉ huy do con người điều khiển”, ông Heath nói. “Các UAV sẽ đảm nhiệm trinh sát, định vị mục tiêu, giám sát và tấn công cả trên không và mặt đất. Một cuộc xung đột có thể chứng kiến không chiến giữa các đội hình không người lái, cùng các đợt tấn công UAV nhắm vào tàu chiến và mục tiêu trên bộ”.
Chuyên gia Grieco dự đoán UAV CCA sẽ được triển khai cho các nhiệm vụ nguy hiểm nhất – bay trước đội hình có người lái để do thám, phát hiện mối đe dọa và truyền dữ liệu về. “Ví dụ, CCA có thể dùng để dụ hệ thống phòng không địch lộ diện, mở đường cho chiến đấu cơ người lái tấn công”, bà nói.
Không quân Mỹ cũng đang thử nghiệm các phương án phóng CCA mới, bao gồm từ đường băng ngắn hoặc từ máy bay ném bom tàng hình, giúp Mỹ linh hoạt hơn nếu sân bay bị tấn công.
“Nếu được triển khai với số lượng đủ lớn, CCA có thể giúp Mỹ bù đắp lợi thế về số lượng của Trung Quốc”, Grieco khẳng định.
Ông Tigkos bổ sung: “Trong bất kỳ cuộc xung đột tương lai nào, CCA sẽ góp phần giành ưu thế trên không, duy trì sức mạnh tác chiến lâu hơn và tăng số lượng vũ khí hiện diện trên chiến trường tại mọi thời điểm”.
Huyền Chi
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/chien-dau-co-the-he-6-va-uav-ai-vu-khi-bi-mat-giup-my-doi-dau-uu-the-so-luong-cua-trung-quoc-post185890.html