Những chiếc mão được sử dụng trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer. Ảnh: Thủy Lê
Nghề sống trong chùa, lớn lên cùng lễ hội
Truyền thống làm mặt nạ, mão của người Khmer Nam Bộ có nguồn gốc từ Phật giáo Nam tông và các nghi thức múa hát dân gian. Ngày xưa, những người thợ chế tác thường là các nghệ nhân trong chùa, họ là những người vừa am hiểu Phật pháp, vừa thành thạo thủ công mỹ nghệ. Dụng cụ đơn sơ chỉ là dao nhỏ, bút vẽ, đục, màu vẽ làm từ than tro và nhựa cây, nhưng thành quả lại là cả một thế giới nhân vật sống động từ các vở diễn thần thoại.
Mặt nạ người Khmer không đơn thuần là một đạo cụ sân khấu mà nó là một hiện thân của hồn thiêng dân tộc, là nét kết tinh của những huyền thoại được kể lại qua bao đời. Có mặt nạ thần Hanuman trắng muốt, đôi mắt to tròn đầy uy quyền; có mặt nạ nữ thần Sita đoan trang, thanh tú; có cả gương mặt rực rỡ của quỷ Ravana với nhiều đầu, nhiều mắt là biểu tượng của sự đối kháng giữa cái thiện và cái ác. Mỗi chi tiết, từ hoa văn chạm nổi, sắc màu sơn son thiếp vàng đến ánh mắt và nụ cười, tất cả đều được người thợ trau chuốt như chạm vào điều linh thiêng.
Ông Lâm Phen, năm nay đã ngoài 60 tuổi, hiện là một trong số ít những người am hiểu tường tận và có tay nghề cao về chế tác mão, mặt nạ ở xã Song Lộc, tỉnh Vĩnh Long (trước khi sáp nhập là xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho biết, trong tiếng Khmer, mão được gọi là Mkot; còn mặt nạ được gọi là Muk hoặc Rôbăng Muk. Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ gọi những chiếc mũ mang hình đầu các nhân vật hoặc linh vật trong văn hóa tín ngưỡng dân gian là mão. Đây là một dạng trang sức trang trí đội trên đầu dành riêng cho các bậc vua chúa, hoàng tộc hoặc các vị thần tiên theo quan niệm niềm tin tôn giáo Bà La Môn giáo, Phật giáo. Mão có nhiều loại với hình dạng khác nhau: cái mũ có chóp thẳng và nhọn dần về đỉnh; chóp dạng đuôi chim hong; chóp hình đầu rồng... Do vị trí của mão thường được đội trên đầu nên tượng trưng cho sự tối cao, uy quyền, thế lực và địa vị xã hội của người sử dụng. Còn mặt nạ là các sản phẩm được nghệ nhân chế tác như mặt nạ động vật, khỉ, chằn tinh, thần thánh trong câu chuyện cổ... Trong nghệ thuật biểu diễn của người Khmer, mặt nạ với vai trò là đạo cụ hóa trang nhân vật, vị trí sử dụng của mặt nạ là trùm lên toàn bộ khuôn mặt và đầu của diễn viên.
Nghề chế tác mão, mặt nạ không chỉ tồn tại để phục vụ sân khấu, mà còn gắn liền với đời sống tín ngưỡng. Trong các lễ múa Sa dăm, điệu múa nghi lễ nhằm xua đuổi tà ma và cầu an, mặt nạ quỷ, mặt nạ thần xuất hiện như lá chắn tâm linh. Mỗi chuyển động, mỗi tiếng trống là một lời khấn nguyện với trời đất. Ở những gia đình Khmer theo truyền thống, nhiều nhà vẫn treo mặt nạ thần khỉ Hanuman, thần Garuda hay nữ thần Laksmi trong gian thờ. Họ tin rằng, những gương mặt ấy có thể mang lại may mắn, bảo hộ gia đình khỏi điều xấu. Vì vậy, với người Khmer, mặt nạ không chỉ là đạo cụ diễn xướng, mà còn là bùa chú thiêng liêng, là biểu tượng giao hòa giữa con người và thần linh.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Dẫu linh thiêng và gắn bó với nghệ thuật, nhưng nghề chế tác mão, mặt nạ của người Khmer Nam Bộ đang phải đối mặt với nhiều thử thách. Sự phát triển của công nghệ sân khấu hiện đại khiến mặt nạ thủ công bị thay thế bởi sản phẩm nhựa công nghiệp. Lớp trẻ ít còn mặn mà với nghề thủ công, vốn tốn nhiều công mà thu nhập chẳng là bao.
Nghệ nhân dân gian Lâm Phen chế tác mặt nạ. Ảnh: Thủy Lê
Ngồi trên chiếc chõng tre cũ kỹ trong căn nhà treo đầy các loại mặt nạ và mão, vừa khéo léo vẽ từng đường nét lên chiếc mặt nạ quỷ Rahu, nghệ nhân Lâm Phen vừa trầm ngâm: “Sợ nhất là sau này mình mất đi, rồi tụi nhỏ không nối nghề nữa. Nghề này mà mai một thì coi như mất một phần hồn vía của người Khmer...”. Ông nói câu ấy rồi khẽ lắc đầu, bàn tay gân guốc vẫn mải miết vẽ từng đường hoa văn lên trán mặt nạ, như sợ lỡ tay sẽ làm phai mờ luôn cả một lớp ký ức tổ tiên. Sự trăn trở ấy không phải là cảm tính, mà là thực tại. Thế hệ trẻ nay ít còn mặn mà với nghề. Họ lên thành phố học nghề cơ khí, công nghệ, du lịch, tìm công việc có lương cao, ổn định. Nghề làm mặt nạ vốn dĩ phải kiên nhẫn, cầu kỳ, mất nhiều ngày mới xong một sản phẩm lại không đủ “sức hút” để giữ chân họ. Những đơn đặt hàng ngày một ít.
Những buổi diễn Rô băm, À day cũng thưa dần. Khi ánh đèn sân khấu mờ nhạt, khi tiếng trống lễ hội không còn rộn ràng vang lên mỗi dịp rằm, thì những chiếc mặt nạ thủ công cũng lặng lẽ xếp xó trong các gian nhà cũ, phủ bụi thời gian. Có lẽ, điều khiến các nghệ nhân lo lắng nhất không phải là việc mất nghề, mà là mất đi một phần bản sắc văn hóa, thứ đã hun đúc, tạo nên hồn cốt của cộng đồng Khmer suốt bao đời. Một chiếc mặt nạ được làm ra không chỉ để múa hát, mà là để kể chuyện. Nó kể về một thời cha ông gồng mình gìn giữ phong tục giữa những biến thiên lịch sử. Nó kể về niềm tin vào thần linh, về ước vọng an yên, trúng mùa. Nó là ký ức sống, là biểu tượng văn hóa gói gọn trong từng sợi vải gấm, từng nét khắc chạm tinh tế.
Giữ nghề không chỉ là giữ kỹ thuật, mà là giữ lấy một không gian văn hóa sống động. Là giữ lại tiếng nói, điệu múa, sắc màu mà là giữ lại chính mình. Và khi những khuôn mặt bằng giấy, bằng gỗ kia không còn hiện diện trên sân khấu hay trong lễ hội, cũng đồng nghĩa với việc một phần linh hồn của người Khmer dần rút khỏi đời sống cộng đồng. Những nghệ nhân như ông Phen, ông Chanh, hay bao nhiêu con người lặng lẽ khác ở Cần Thơ, Vĩnh Long... vẫn miệt mài, âm thầm gìn giữ nghề. Không ồn ào, không cầu danh. Chỉ bởi trong họ có một mối dây buộc ràng với truyền thống, thứ không thể đứt đoạn, dẫu thời gian có xoay vần. Nhưng nếu không có bàn tay của thế hệ trẻ cùng nâng đỡ, gìn giữ, thì sợi dây ấy rồi cũng mong manh như tơ trời. May thay, ở nhiều nơi, những nghệ sĩ Dù kê, Rô băm vẫn cố gắng đặt hàng nghệ nhân địa phương để giữ lại phong vị cổ truyền. Một số trường nghệ thuật ở các tỉnh thành như Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ bắt đầu đưa môn học về mặt nạ và phục trang dân gian Khmer vào giảng dạy. Những năm gần đây, các hội thi, liên hoan văn hóa Khmer Nam Bộ cũng tạo cơ hội cho mặt nạ truyền thống trở lại sân khấu lớn, để mão và mặt nạ của người Khmer không chỉ là đạo cụ mà là linh hồn biểu diễn.
Giữa vòng xoáy hiện đại hóa, ánh sáng từ những chiếc mặt nạ, mão thủ công Khmer vẫn thắp lên niềm tin rằng văn hóa, nếu được giữ bằng tình yêu và sự kiên trì, sẽ không bao giờ biến mất. Những khuôn mặt quỷ thần, vua chúa, tiên nữ hiện ra trong ánh đèn mờ ảo của sân khấu Dù kê hay trong tiếng trống rộn ràng của lễ hội không chỉ là diễn, mà là một phần hồn cốt của người Khmer. Và ở đâu đó, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông Lâm Phen, tiếng đục gõ, tiếng dao khứa lên mặt giấy vẫn vang đều. Những “khuôn mặt linh thiêng” đang dần được hình thành, không chỉ để hóa thân trên sân khấu, mà còn để nối dài một dòng chảy văn hóa bền bỉ suốt hàng trăm năm.
Thủy Lê