Bình Phước muốn triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh để thu hút đầu tư

Bình Phước muốn triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh để thu hút đầu tư
2 giờ trướcBài gốc
Hồ suối Cam tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn về triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUY HOẠCH GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ
UBND tỉnh Bình Phước muốn nâng cao hiệu quả, bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành và địa phương, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg (ngày 24/11/2023).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thường xuyên đăng tải các nội dung quy hoạch tỉnh trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm cung cấp kịp thời những thông tin về quy hoạch, giới thiệu quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển của tỉnh.
Qua đó, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch tỉnh, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định và hàng năm có báo cáo tình hình thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/10 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, bộ, ngành trung ương.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực… để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ…
Rà soát các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch; các mâu thuẫn hoặc chưa chính xác, chưa phù hợp và các vướng mắc, bất cập khác với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan… báo cáo, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch giữa kỳ theo quy định.
Đặc biệt, khi đề xuất triển khai thực hiện các dự án, các cơ quan, địa phương có trách nhiệm rà soát sự phù hợp của dự án với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng… có liên quan khi tham mưu UBND tỉnh xem xét chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Đối với các dự án có liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng… nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có vướng mắc thì các cơ quan, địa phương có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến bằng văn bản của cơ quan tổ chức lập quy hoạch, bộ quản lý ngành trước khi tham mưu UBND tỉnh xem xét chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án…
THÀNH LẬP 7 ĐÔ THỊ MỚI
Theo quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ), giai đoạn 2021-2025, Bình Phước có 12 đô thị, bao gồm 05 đô thị hiện hữu, trong đó có 01 đô thị loại 3 là: TP. Đồng Xoài; 03 đô thị loại 4 gồm: thị xã Phước Long, thị xã Bình Long và thị xã Chơn Thành; 01 đô thị loại 5 là đô thị Tân Khai, huyện Hớn Quản.
Thành lập 07 đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại 5 gồm: Đức Liễu (huyện Bù Đăng); Bù Nho (huyện Phú Riềng); Đồng Nơ (huyện Hớn Quản); Tân Lập và Tân Hòa (huyện Đồng Phú); Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh); Thiện Hưng (huyện Bù Đốp).
Giai đoạn 2026-2030, Bình Phước tiếp tục đầu tư phát triển đô thị Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại 2; phát triển 03 đô thị: Bình Long, Phước Long, Chơn Thành hướng đến là đô thị loại 3; phát triển đô thị Tân Khai thuộc huyện Hớn Quản và đô thị Đồng Phú hướng đến là đô thị loại 4…
Việc phát triển các đô thị được gắn với phương án tổ chức không gian theo vùng phát triển và các trục động lực, được liên kết bằng hệ thống giao thông.
Cụ thể, các vùng phát triển, vùng phía Nam bao gồm: TP. Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú. Đây là trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ và là tam giác phát triển của tỉnh.
Vùng phía Tây bao gồm: thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh với trung tâm phát triển là thị xã Bình Long.
Vùng phía Đông Bắc bao gồm: thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập, huyện Bù Đốp, huyện Phú Riềng, huyện Bù Đăng với trung tâm phát triển là thị xã Phước Long.
Các trục động lực, trục phía Đông (Chơn Thành - Bù Đăng) trọng tâm: Quốc lộ 14, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đường phía Đông Nam Quốc lộ 14.
Trục phía Tây (Chơn Thành - Lộc Ninh) phát triển công nghiệp gắn với Quốc lộ 13 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, kết nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.
Trục trung tâm (Đồng Phú - Phước Long) phát triển kinh tế gắn với ĐT 741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với Quốc lộ 14 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Ban Mai
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/binh-phuoc-muon-trien-khai-hieu-qua-quy-hoach-tinh-de-thu-hut-dau-tu.htm