Hướng tới khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại phù hợp với lợi ích của hai nước
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025 liên quan đến việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài cho biết, Việt Nam hết sức quan ngại đối với thông tin này, bởi Việt Nam luôn kiên trì và nhất quán trong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với WTO đóng vai trò trung tâm nhằm thúc đẩy thương mại đầu tư, ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài thông tin về các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương và khuyến nghị đối với doanh nghiệp trước diễn biến Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam
Thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến đóng góp và xử lý hàng loạt các khó khăn, vướng mắc, phê duyệt một số dự án đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam; ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường cho 13 nhóm hàng mà Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để giảm thiểu rủi ro truyền tải bất hợp pháp; lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; giải đáp và xử lý các quan ngại của cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ nêu trong 6 hình thức cụ thể mà Hoa Kỳ quan tâm, đó là tiếp cận thị trường nông nghiệp, ngăn chặn lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, sở hữu trí tuệ, thương mại số, đầu tư và lao động.
"Với mức thuế trung bình của Việt Nam áp cho hàng hóa nhập khẩu hiện nay theo WTO tính toán là 9,4% thì việc Hoa Kỳ đánh giá là Việt Nam đang áp mức thuế 90% cho các sản phẩm của Hoa Kỳ và do đó áp thuế cho Việt Nam là 46% thì thực sự là không công bằng và không phản ánh được thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại và xây dựng mối quan hệ thương mại hài hòa, bền vững với Hoa Kỳ", ông Tạ Hoàng Linh khẳng định.
Bộ Công Thương mong muốn Hoa Kỳ sẽ thực thi thương mại công bằng, mở rộng thêm các cơ hội thảo luận, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng hướng tới một khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại đảm bảo các lợi ích về thuế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại… phù hợp với lợi ích của cả hai nước
Sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam), sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế trên để dành thời gian trao đổi, tìm ra giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Bộ Công Thương cũng đang thu xếp các cuộc điện đàm ở cấp Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian sớm nhất
Trong thời gian tới, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để duy trì, trao đổi chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp ở trong tình hình mới để phục vụ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó
Về sự chuẩn bị cho ứng phó vấn đề áp thuế của Hoa Kỳ, đây là vấn đề mà Bộ Công Thương đã có dự báo trước. Ngay từ trước khi ra tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã xây dựng một nghị trình tranh cử mà sẽ gây một tác động rất lớn đến thương mại trên thế giới, nên chúng tôi cũng đã nhận thức được và đã có sự chuẩn bị cho việc này. Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo hết sức chi tiết với lãnh đạo Chính phủ về các phương án nếu trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, cản trở các hoạt động thương mại đối với Việt Nam và kiến nghị Chính phủ có kế hoạch hành động hết sức là cụ thể và khuyến cáo các doanh nghiệp.
Trong quá trình đó, ngày 3/4/2025, Chính phủ đã lập tổ công tác để chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách thương mại Hoa Kỳ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó, các thành viên của Tổ công tác là lãnh đạo của các Bộ, ngành liên quan và Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác này.
Thời gian tới, xuất khẩu của chúng ta chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bộ, ngành cũng sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025, trong đó tập trung vào một số giải pháp:
Thứ nhất, tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương, Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban thực thi các hiệp định thương mại.
Thứ hai, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán các FTA, các thỏa thuận thương mại tại các thị trường như Trung Đông, Mỹ Latin, Nam Á, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam.
Thứ tư, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, đảm bảo thích nghi với thị trường và các xu hướng phát triển.
Thứ năm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời các nguy cơ về các vụ kiện, vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.
Thứ sáu, kiến nghị với Chính phủ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, để thông qua đó có thể cung cấp thông tin về các cơ hội kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp Việt Nam được tốt hơn.
Thứ bảy, Bộ Công Thương nhận định là mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là thời điểm tạo nên cơ hội cho chúng ta để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường sản phẩm, đa dạng hóa cho cung ứng, thúc đẩy nội địa hóa, thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện một số biện pháp sau:
Thứ nhất là chủ động theo dõi diễn biến tình hình, cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường, chính sách thương mại của các quốc gia để kịp thời điều chỉnh chính sách, chiến lược kinh doanh. Bộ Công Thương sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, cùng cả hệ thống tham tán thương mại ở nước ngoài cũng sẽ đồng hành để thường xuyên cung cấp các thông tin cập nhật cho doanh nghiệp.
Thứ hai là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, các thị trường truyền thống cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
"Chúng ta sẽ có những giải pháp rất kịp thời để làm sao hóa giải được thách thức này", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết
Thứ ba là nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường của các thị trường xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh, giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ tư là chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các FTA để tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Thứ năm là tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài thông qua việc thường xuyên cập nhật các thông tin về phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và tổ chức các lớp đào tạo để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; đồng thời, tích cực nghiên cứu mở rộng phát triển những thị trường xuất khẩu tiềm năng khác đối với các doanh nghiệp.
"Chúng ta sẽ có những giải pháp rất kịp thời để làm sao hóa giải được thách thức này. Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhìn một cách tích cực, là có những thách thức nhưng đồng thời với đó thì chúng ta tận dụng thành những cơ hội", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, cho rằng cần bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề một cách trọn vẹn, bám sát những chủ trương, đường lối của Đảng, của Chính phủ.
Thực tế cho thấy, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, có cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp, có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với nước thứ ba và không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ, ngược lại còn tạo điều kiện để người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể sử dụng được hàng hóa Việt Nam với giá hợp lý.
Thy Thảo - Tiến Thành