Bổ sung nhiều chế độ, chính sách cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Bổ sung nhiều chế độ, chính sách cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
2 giờ trướcBài gốc
Sáng 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. (Ảnh: DUY LINH)
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bỏ quy định dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa phạm vi điều chỉnh với nội dung trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: DUY LINH)
Về trách nhiệm Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, dự thảo luật đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Về quy định kinh doanh dịch vụ Phòng cháy chữa cháy, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các ý kiến trên là cần phải thực hiện chủ trương của Đảng về việc "đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy", tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Quang cảnh phiên họp sáng 1/11. (Ảnh: DUY LINH)
Do vậy, để tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội và tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ quy định kinh doanh dịch vụ Phòng cháy chữa cháy là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật này, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 nhằm bỏ quy định này tại mục số 11 Phụ lục IV của Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung các quy định về nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về Phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành…
Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường nguồn lực trong công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, quan tâm hơn nữa về chính sách cho đội ngũ, lực lượng trực tiếp làm công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đề nghị quy định Nhà nước bố trí nguồn ngân sách riêng cho việc mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị hằng năm.
Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định chi cho các nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện tại Điều 50 dự thảo luật và bổ sung chế độ, chính sách cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực tiếp thực hiện các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại khoản 2 Điều 47 dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cần có sự phân công trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ cơ bản đồng tình với các nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Quan tâm đến nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đại biểu cho biết, Điều 7 của dự thảo Luật đang quy định người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thành lập, duy trì hoạt động Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ cơ bản đồng tình với các nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH)
Trong khi đó, tại Điều 22 quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với cơ sở cũng yêu cầu phải thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cơ sở chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Đồng thời tại khoản 4, Điều 37 quy định Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.
Theo đại biểu, giữa các quy định của dự thảo Luật chưa có sự thống nhất, chưa rõ ràng trường hợp nào thì cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cũng nạn, cứu hộ mà không cần thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cũng nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cũng nạn, cứu hộ chuyên ngành. Do đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý các quy định này để bảo đảm tính thống nhất…
Về ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 50), đại biểu cho biết, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 38 của Luật Ngân sách nhà nước, lĩnh vực "quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội" là một trong những nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương. Công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng là một trong các nội dung thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Do đó, đại biểu cho rằng, không cần thiết phải quy định "trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hằng năm của Ủy ban nhân dân các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ" tại khoản 1 Điều 50 của dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định này.
Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ nhất trí với nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bên cạnh đó, Đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình.
Đại biểu cho biết, Điều 7 dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, điều luật này cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều này nội dung: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình. (Ảnh: DUY LINH)
Điều 23 của dự thảo Luật có quy định về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện, tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa nêu rõ hệ thống thiết bị an toàn trong việc sử dụng điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, mới chỉ nêu chung chung các điều kiện an toàn phòng cháy. Đại biểu cho rằng, cần nêu rõ hơn trong mỗi thiết bị sử dụng điện phải có hệ thống cầu chì, để khi xảy ra cháy, cầu chì sẽ tự ngắt nguồn điện, không gây cháy các phương tiện, thiết bị khác. Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 23 một khoản với nội dung: Khi lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phải có thiết bị bảo đảm tự ngắt nguồn điện.
Điều 49 và Điều 50 của dự thảo Luật có đề cập đến nguồn tài chính bảo đảm cho việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Đại biểu cho rằng, cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân.
Theo đó, các chủ thể này trong các quan hệ phòng cháy, chữa cháy nên chịu một phần kinh phí cho công tác chữa cháy. Đại biểu cho rằng, sau khi hoàn thành công tác chữa cháy, cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân cần chịu một phần kinh phí theo một tỷ lệ nhất định.
SƠN BÁCH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bo-sung-nhieu-che-do-chinh-sach-cho-luc-luong-canh-sat-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-post842539.html