Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 'Làm cả ngày đêm, thậm chí xuyên Tết để sửa luật'

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 'Làm cả ngày đêm, thậm chí xuyên Tết để sửa luật'
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hai dự thảo luật có rất nhiều điểm mới, trong đó, lớn nhất là điểm mới trong tư duy xây dựng dự án luật. Hai dự thảo luật được xây dựng trong bối cảnh rất đặc biệt, cấp thiết, gắn với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, đáp ứng được yêu cầu về hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bà Trà cho biết, việc sửa luật rất cấp bách, thời gian chỉ có hai tháng, đúng với nghĩa "vừa chạy vừa xếp hàng": "Việc sửa đổi khẩn trương 2 dự án luật kịp thời đảm bảo được yêu cầu đó là nền hành chính của chúng ta hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu quả và hiệu lực. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu cho cải cách nền hành chính, nhất là trong cuộc cách mạng chúng ta đang hướng tới để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Theo Bộ trưởng, 2 dự thảo luật này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những về mặt chính trị, xã hội, pháp lý mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, trong một thời điểm lịch sử rất quan trọng của đất nước. Dự luật quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, vấn đề cơ bản, từ đó, tạo điều kiện cho việc đảm bảo được sự ổn định và giá trị sức sống bền vững của luật, đảm bảo điều hành thực tiễn của hệ thống hành chính Nhà nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, đây là hai đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước. Trong đó, Luật Tổ chức Chính phủ - giảm 18 điều, 1 chương so với luật hiện hành (Chỉ còn 30 điều), tập trung phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương, với tư cách Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
"Vấn đề nội hàm về hành chính cao nhất được thể hiện rất đầy đủ và rõ ràng trong Điều 10 của Luật Tổ chức Chính phủ. Còn đối với Chính quyền địa phương chúng tôi cũng rành mạch HĐND, UBND… Hay thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, thẩm quyền của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ và với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ được thể hiện rõ ràng, để không có sự chồng lấn, giao thoa. Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm để không đẩy lên Chính phủ", Bộ trưởng nói.
Về phân quyền, phân cấp và ủy quyền Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề mới nhất, cốt lõi nhất của hai luật này. Trong đó, đi theo hướng Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, phải đưa ra các nguyên tắc rất rạch ròi trong việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Đồng thời, luật cũng quy định điều khoản rất quan trọng đó là "Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc này để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền".
Bộ trưởng cho biết, khi rà soát có tới 177 luật quy định rất cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, có 152 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, có 141 luật quy định cụ thể về thẩm quyền của HĐND, UBND và có 92 luật quy định thẩm quyền của cả 3 cấp chính quyền địa phương.
"Rất chồng chéo, rất vướng mắc như vậy thì làm sao có thể phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" được. Cho nên, phải xử lý vấn đề này như thế nào, đây là tư duy đột phá trong việc xây dựng lập pháp của chúng ta, đó là thực hiện việc ủy quyền lập pháp. Điều này chưa có trong tiền lệ", Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng, khi thiết kế nội dung này ban soạn thảo đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các Ủy ban: "Trong quá trình làm vừa qua, chúng tôi làm cả ngày cả đêm, thậm chí làm xuyên Tết để làm rõ phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Vì đây là nội dung rất mới trong Luật Tổ chức Chính phủ và là vấn đề rất quan trọng để thực hiện phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Lê Hoàng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/bo-truong-bo-noi-vu-lam-ca-ngay-dem-tham-chi-xuyen-tet-de-sua-luat-post1154505.vov