Đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
4 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh phiên thảo luận.
Ngày 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với mục tiêu của dự án Luật này là nhằm sửa đổi cơ bản và hợp lý các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Qua đó, cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương, định hướng trong Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.
Tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương (trái) phát biểu tại Phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, cần nghiên cứu thêm vấn đề phân quyền cho chính quyền địa phương tại Điều 13, phân cấp cho chính quyền địa phương tại Điều 14 của dự thảo Luật.
“Đúng ra Điều 13 phải là nguyên tắc phân quyền, địa phương tự chủ, chịu trách nhiệm, cơ quan Nhà nước cấp trên chịu trách nhiệm thẩm tra, kiểm tra, giám sát những vấn đề mình phân quyền; còn Điều 14 không phải phân cấp mà là nội dung phân quyền”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, còn có những điều ủy quyền nằm trong nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương lại không đưa vào Điều 15 quy định về ủy quyền cho chính quyền địa phương. Do đó, cần nghiên cứu lại nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải xác định thật rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền”. Đồng thời, phải lấy kết quả, tính mục đích làm cơ sở để thiết kế các quy định này.
Trong khi đó, đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Đại biểu đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu việc ủy quyền của Hội đồng nhân dân (HĐND) cho Thường trực HĐND để giải quyết một số vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND; và Thường trực HĐND cũng là một cấp gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Trưởng Ban HĐND, Chánh Văn phòng HĐND.
Vân Huyền
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-chinh-quyen-dia-phuong-theo-huong-day-manh-phan-cap-phan-quyen-post719386.html