Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu loạt giải pháp, dư địa để khối doanh nghiệp 'tăng tốc'

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu loạt giải pháp, dư địa để khối doanh nghiệp 'tăng tốc'
16 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp cần chú trọng khai thác các động lực tăng trưởng mới
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, sáng ngày 10/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vai trò, vị trí, tầm quan trọng cũng như nỗ lực và đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân; đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và hạn chế các doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải.
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thời gian tới, để tiếp tục khai thác, phát huy những tiềm năng to lớn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% năm 2025, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình chính trị, kinh tế thế giới để nắm bắt cơ hội hiếm có và những yêu cầu trong nước để có sự điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình; tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tích cực tham gia thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đầu tư, kích hoạt tiêu dùng và tăng trưởng xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng khai thác các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển các lĩnh vực mới nổi, như chíp, bán dẫn, công nghệ AI… để tăng tốc, bứt phá phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh, bền vững.
Thứ ba, cần chủ động nghiên cứu các nguồn vốn, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh để tích cực tham gia thực hiện các dự án đầu tư quốc gia, nhất là các dự án về giao thông, năng lượng; các dự án nằm trong nhóm khuyến khích đầu tư đã được quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.
Riêng ngành Công Thương có 4 quy hoạch ngành gồm: Quy hoạch năng lượng, quy hoạch về điện, quy hoạch hạ tầng dự trữ, xăng dầu, cung ứng khí đốt quốc gia và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản. Theo Bộ trưởng, có khoảng hơn 50.000 dự án và tổng mức đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng. “Đây là dư địa rất lớn để các doanh nghiệp khai thác, vừa tăng dư địa phát triển cho đất nước, vừa tạo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu"- Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc, phát huy thế mạnh để vươn lên trở thành các tư sản dân tộc, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, tham gia tích cực, chủ động vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời cùng với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo dựng hệ sinh thái của doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Thứ tư, chú trọng khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, nhất là phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, và các mô hình phân phối hiện đại, dịch vụ logicstic để kết nối, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Chú trọng xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, nhất là các mặt hàng truyền thống, hàng nông sản, hàng tiêu dùng. Chủ động tìm kiếm giải pháp để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn kinh tế lớn.
Thứ năm, đề nghị doanh nghiệp chủ động, tích cực nghiên cứu, tham gia xây dựng và phản biện chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước trên tinh thần xây dựng khẩn trương, cho phép vừa chạy vừa xếp hàng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại một cách cởi mở
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối thị trường, hỗ trợ trong quá trình tiếp cận các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách hiện hành, thực thi các nội dung hành chính một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Đồng thời, Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại một cách cởi mở để tiếp thu có chọn lọc, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi để các doanh nghiệp có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Về một số ý kiến của các doanh nghiệp nêu tại hội nghị, trong đó về ý kiến đối với lĩnh vực điện, Bộ trưởng cho biết, tháng 5/2023, Chính phủ đã công bố Quy hoạch điện VIII, và ngay sau đó 8 tháng thì công bố kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo đó, đến năm 2030 chúng ta phải phát triển 150.424 MW, tức là gấp 2 lần công suất hiện nay theo hướng tăng năng lượng tái tạo, phát triển hợp lý điện khí, phát triển tối đa thủy điện, điện sinh khối, trong đó có điện rác để tạo nguồn điện nền cho nguồn cung ứng điện đất nước.
"Tiềm năng của chúng ta về năng lượng tái tạo là rất lớn, nhưng nếu phát triển một cách tối đa mà không căn cứ vào nhu cầu phụ tải thì hàng loạt các vùng, các địa phương phát triển xong đắp chiếu để đấy bởi vì không có nhu cầu"- Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối thị trường, hỗ trợ trong quá trình tiếp cận các quy hoạch, kế hoạch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, ngay khi ban hành Quy hoạch điện VIII cũng đã ban hành một loạt Nghị định, Thông tư và đã quy định rất rõ ràng về quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay, trừ các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Công Thương chỉ làm ba việc: Một là quy hoạch kế hoạch, hai là tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, ba là thanh tra kiểm tra, còn lại nhà đầu tư và chính quyền địa phương tự quyết định. "Chúng tôi không gây khó khăn, cản trở dự án nào trong lĩnh vực năng lượng và cả lĩnh vực khai thác khoáng sản"- Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cho phát triển tối đa năng lượng tái tạo, nhưng phải nhằm vào ba mục tiêu: Thứ nhất, làbám sát nhu cầu phụ tải của đất nước, của vùng; thứ hai, là cho các hợp đồng mua bán điện trực tiếp DPPA; thứ ba, là cho các hợp đồng xuất khẩu điện. Như vậy, cần bám sát mục tiêu này chứ không phải phát triển tối đa. Phát triển tối đa mà đắp chiếu để đấy là có tội với đất nước, có tội với nhân dân.
Cuối cùng, về cơ chế giá theo quy định của Luật Giá và Luật Điện lực, Bộ trưởng cho biết, Luật Điện lực quy định Nhà nước ban hành khung giá, việc này Bộ Công Thương đã và đang làm. Không còn loại hình nguồn điện nào là không có giá. Việc đàm phán là yêu cầu của Luật Giá, thị trường điện phải có sự cạnh tranh.
Trong khung giá đó, theo Bộ trưởng, giữa bên mua bên bán phải đàm phán với nhau, nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh đồng tình là rút ngắn thời gian lại. Nếu chỉ căn cứ vào khung giá để ký hợp đồng thì lại giống như giá FIT mà giá FIT có rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. "Giá FIT trong giai đoạn ngắn với một loại hình nguồn điện là cần thiết nhưng kéo dài và áp dụng cho tất cả các loại hình là sai vì nó không còn là thị trường nữa. Chúng ta muốn cạnh tranh lành mạnh mà giờ lại muốn Nhà nước quy định là không đúng"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đề cập khai thác mỏ sắt, Bộ trưởng cho biết, hiện nay có 2 mỏ Quý Sa của Lào Cai và Thạch Khê của Hà Tĩnh, riêng mỏ Thạch Khê đang chờ cấp có thẩm quyền quyết định. Còn mỏ Quý Sa có trữ lượng 120 triệu tấn của tỉnh Lào Cai được đã cấp phép cho Công ty thép Việt Trung từ năm 2007 và thời hạn kết thúc là năm 2020.
Theo đó, Công ty thép Việt Trung có 40% vốn của thép Việt Trung, doanh nghiệp trong nước, 10% vốn của doanh nghiệp tỉnh Lào Cai và 45% vốn của doanh nghiệp Trung Quốc. Đến năm 2020, thời điểm cuối cùng của giấy phép, doanh nghiệp này đã khai thác 20 triệu/120 triệu tấn. Hiện nay còn 100 triệu tấn nữa, theo nguyên tắc trong quy hoạch 866 thì mỏ này tiếp tục khai thác để phục vụ nhu cầu đất nước.
Nhưng theo quy định của pháp luật, mỏ này cần được làm thủ tục cấp mới chứ không phải kéo dài giấy phép từ đầu. "Được biết doanh nghiệp này có vi phạm, phải cấp mới, mà muốn cấp mới phải đóng cửa mỏ, muốn đóng cửa mỏ thì doanh nghiệp này phải hoàn tất thủ tục, nghĩa vụ tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ quyết định việc này. Sau đó Bộ Công Thương sẽ phối hợp thực hiện"- Bộ trưởng cho hay.
Sáng ngày 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhân đầu Xuân mới 2025. Tại đây, không chỉ cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành còn lắng nghe, chia sẻ, trao đổi với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như bàn các nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bảo Thoa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-neu-loat-giai-phap-du-dia-de-khoi-doanh-nghiep-tang-toc-373092.html