Bộ Y tế đề xuất siết chặt quy định về công bố sản phẩm

Bộ Y tế đề xuất siết chặt quy định về công bố sản phẩm
8 giờ trướcBài gốc
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Y tế, gần đây nhiều vụ việc vi phạm đã được cơ quan chức năng phát hiện như: sản phẩm kẹo rau củ Kera chứa sorbitol vi phạm quảng cáo; sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn, gây bức xúc dư luận.
Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm giải quyết ngay các hạn chế, bất cập liên quan đến tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm, quảng cáo, hậu kiểm, để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs trong một phiên livestream bán kẹo rau củ Kera.
Bỏ cơ chế tự công bố đối với thực phẩm bổ sung
Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm.
Theo Bộ Y tế, thực phẩm bổ sung (một phân nhóm trong thực phẩm chức năng) chưa được nêu rõ trong Nghị định 15/2018, không được quy định trong các nhóm thực phẩm phải đăng ký bản công bố. Sản phẩm này được xếp vào nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn và chỉ cần tự công bố.
Điều này dẫn đến tình trạng tổ chức, cá nhân công bố sai nhóm sản phẩm, rất nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe tự xác định thành thực phẩm bổ sung và tự công bố. Ngoài ra, do không phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan có thẩm quyền nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp phóng đại tính năng, công dụng sản phẩm.
Hiện nay, việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018.
Theo đó, đa số thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
4 nhóm này gồm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Y tế cũng đề xuất đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, cần quy định hồ sơ đăng ký bản công bố.
Quy định này nhằm kiểm soát việc phối hợp thành phần, các chỉ tiêu an toàn và chất lượng sản phẩm, tính năng, công dụng từ khi nghiên cứu phát triển sản phẩm đến khi đăng ký, trước khi lưu thông trên thị trường.
Đề xuất này được đưa ra do hiện nay Nghị định 15/2018 chỉ quy định doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố.
Do đó, thành phần hồ sơ đăng ký bản công bố đơn giản hóa nhằm nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật.
"Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để sử dụng nhiều thành phần không có tính năng, công dụng trong một sản phẩm nhằm mục đích quảng cáo sản phẩm mà chưa quan tâm đến an toàn, chất lượng, thực chất công dụng của sản phẩm", Bộ Y tế nêu.
Quy định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố, cho ý kiến khi tiếp nhận hồ sơ, đăng tải hồ sơ trên trang thông tin điện tử, xây dựng, triển khai kế hoạch hậu kiểm hồ sơ. Nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Đề xuất này được đưa ra do hiện nay tại Nghị định 15/2018 chưa có quy định cơ quan quản lý kiểm soát các hồ sơ tự công bố, dẫn đến nhiều sản phẩm doanh nghiệp tự công bố, tự xếp nhóm sản phẩm không đúng bản chất sản phẩm, tự thổi phồng công dụng sản phẩm, không tuân thủ về chất lượng sản phẩm.
Khi phát hiện thanh tra, kiểm tra thì sản phẩm đã được lưu thông, tiêu thụ.
Tháng 4-2025, Bộ Công an công bố danh sách 84 sản phẩm sữa đã thu giữ trong vụ án liên quan đường dây sản xuất sữa giả.
Về hậu kiểm an toàn thực phẩm, dự thảo Nghị định quy định cụ thể việc xây dựng kế hoạch, nội dung, tần suất, các trường hợp hậu kiểm theo kế hoạch, hậu kiểm đột xuất và vai trò của cơ quan quản lý trong việc triển khai công tác hậu kiểm.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài Chính và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính, quản lý an toàn thực phẩm, thống nhất quản lý về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương để phục vụ công tác hậu kiểm, giám sát chất lượng và thu hồi sản phẩm.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm cụ thể của một số bộ ngành liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm các Bộ: Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường; Tài Chính; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an; và UBND tỉnh.
Công khai mối quan hệ giữa người có ảnh hưởng và đơn vị tài trợ quảng cáo
Nhằm tăng cường trách nhiệm các bên tham gia quảng cáo sản phẩm, tại dự thảo Nghị định, Bộ Y tế đề xuất tăng cường giám sát quảng cáo trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo, người có ảnh hưởng thực hiện quảng cáo thực phẩm.
Cùng với đó, Bộ Y tế đề xuất xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo; công khai mối quan hệ giữa người có ảnh hưởng và đơn vị tài trợ quảng cáo.
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/bo-y-te-de-xuat-siet-chat-quy-dinh-ve-cong-bo-san-pham-post858710.html