Bồi dưỡng kỹ năng số cho nhà giáo: Giáo viên Ngữ văn không thể ngoài cuộc

Bồi dưỡng kỹ năng số cho nhà giáo: Giáo viên Ngữ văn không thể ngoài cuộc
3 ngày trướcBài gốc
Cô và trò Trường THPT Tức Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên) trao đổi về cách ứng dụng AI vào học môn Ngữ văn.
Những tiện ích mà AI mang lại phủ sóng đến cả lĩnh vực đặc thù như môn Ngữ văn. Nhưng vấn đề đặt ra, ứng dụng AI thế nào cho phù hợp và hiệu quả với môn học này.
Tiện ích và nguy cơ
Cô Lê Thị Thảo - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Cao Ngạn, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) từng khá thờ ơ với AI vì nghĩ Ngữ văn là môn học đặc thù thiên về cảm xúc từng chủ thể nên trí tuệ nhân tạo không phù hợp. Tuy nhiên, khi xảy ra tình huống thực tế trong quá trình giảng dạy, cô đã bất ngờ về AI, từ đó tìm hiểu, làm quen và ứng dụng vào tiết dạy.
“Sau khi ra yêu cầu làm một bài thơ 8 chữ về đề tài thiên nhiên, lúc kiểm tra vở bài tập, tôi ngạc nhiên thấy học sinh làm được bài thơ hay, đúng đề tài và đảm bảo hình thức. Tôi hỏi học sinh về nguồn cảm hứng thực tế, rồi những thuận lợi, khó khăn khi làm bài thì em không chia sẻ được. Tôi ngạc nhiên hơn khi một số em trong lớp cũng làm như vậy”, cô Thảo chia sẻ.
Qua tình huống thực tế, cô Thảo bắt đầu tìm hiểu về một số phần mềm AI có thể sử dụng trong dạy và tự học như ChatGPT, Gauth, Gemini, Gamma… Nhận ra AI chính là “Big bang” trong giáo dục, cô đã đánh giá một cách nghiêm túc để đi đến những thay đổi cơ bản trong hoạt động giảng dạy.
Là giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Tức Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên), cô Đào Thị Thuận cho rằng: Với giáo viên, AI hỗ trợ việc thiết kế bài giảng, video, tìm nguồn tư liệu, tạo các trò chơi sinh động. Còn với học sinh, AI hỗ trợ tra cứu nguồn tài liệu nhanh chóng, tìm kiếm ý tưởng, hình thành đoạn văn, bài văn dễ dàng.
“Chúng tôi lo ngại các em lạm dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để viết văn, bởi bài viết do AI mang lại vượt xa khả năng học sinh thông thường. Một số em không biết chắt lọc và tham khảo nên có thể dựa dẫm và dần mất đi kỹ năng phân tích đề, lập dàn ý, khả năng tư duy, vốn từ dần bị hạn chế. Chưa kể một số kiến thức trên ChatGPT có thể bị sai sót”, cô Thuận nêu quan điểm.
Về vấn đề này, cô Thân Thị Minh Trang - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Định Hóa (Định Hóa, Thái Nguyên) nhận định: Người dạy cần đối diện với AI, quan trọng là không dừng lại ở sử dụng một cách thụ động mà cần ứng dụng chủ động, sao cho phù hợp với ngôn ngữ, văn chương.
“Hiện ChatGPT được nhiều học sinh tìm hiểu, sử dụng vì có ưu điểm như tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, mở rộng kiến thức và thông tin, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, cá nhân hóa lộ trình học tập, nâng cao các kỹ năng mềm trong học tập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ChatGPT cũng có nhiều nguy cơ làm giảm tư duy phản biện và sáng tạo, hạn chế khả năng tương tác giữa con người với nhau, phụ thuộc và lạm dụng công nghệ, vi phạm quyền tác giả”, cô Trang phân tích.
Yêu thích môn Ngữ văn, Nguyễn Ngọc Xuân Mai - lớp 6A8, Trường THCS Nha Trang, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) thấy AI có nhiều lợi ích trong hỗ trợ học tập như giúp tăng vốn từ, có thêm kiến thức, cách làm bài văn hay hơn. “Sử dụng AI đúng cách giúp việc học Ngữ văn trở nên tốt hơn, nhưng không nên lạm dụng vì có thể khiến cá nhân thiếu đi khả năng tư duy, sáng tạo”, Xuân Mai tự nhủ.
Cô Lê Thị Thảo - Trường THCS Cao Ngạn (TP Thái Nguyên, Thái Nguyên) hướng dẫn học trò tìm hiểu, tham khảo các công cụ AI.
Sử dụng phù hợp
Ngữ văn là bộ môn có tính đặc thù cao, với những yêu cầu về tư duy nghệ thuật, tính sáng tạo cá nhân. Việc ứng dụng những tiện ích của trí tuệ nhân tạo vào dạy học Ngữ văn phải đáp ứng phù hợp với đặc thù này.
Từ thực tế giảng dạy, nhiều giáo viên cho rằng, cả người dạy và học không nên lạm dụng, chỉ coi AI như một công cụ hỗ trợ chứ không thể phụ thuộc; giáo viên phải có cách thức kiểm tra thường xuyên hơn tại lớp học để đánh giá thực chất năng lực của học sinh thông qua các hoạt động học.
Ý thức rõ về việc tìm hiểu những tính năng, công dụng của AI, cô Lê Thị Thảo - giáo viên Trường THCS Cao Ngạn, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) thường lựa chọn kỹ lưỡng yêu cầu về nhà cho học sinh. Khi ra đề, cô kiểm tra trước trên AI, từ đó ưu tiên xây dựng đề mới, chưa có nhiều cập nhật trên phần mềm để kích thích sự chủ động, sáng tạo của học sinh. Cô cũng nhiều lần đối sánh chi tiết bài của AI và bài học sinh để các em thấy những ưu, nhược điểm sử dụng trí tuệ nhân tạo khi học Ngữ văn.
“Khi AI làm một bài Nghị luận xã hội thì chỉ đưa ra các ý cơ bản chứ chưa tạo được tính liên kết, liền mạch giữa các ý. Có những ý không cần thiết với yêu cầu của đề, nếu các em làm sẽ không đảm bảo về dung lượng và thời gian. Học sinh chỉ nên tham khảo nội dung phù hợp”, cô Lê Thị Thảo rút ra nhận định.
Trong quá trình thiết kế kế hoạch dạy học, tư liệu, tài liệu dạy học cũng như giảng dạy, cô Thảo cùng đồng nghiệp đã tận dụng sự hỗ trợ từ công nghệ như dùng Napkin AI để vẽ sơ đồ tư duy, Gamma để soạn bài trình chiếu, dùng Invideo AI để xây dựng các video hướng dẫn.
“Chúng tôi nhận thức rõ đây chỉ là những công cụ hỗ trợ đắc lực để công việc giảng dạy trở nên thuận lợi, tiết học sinh động, hấp dẫn, hiệu quả hơn. Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của tiết học vẫn là giáo viên với vai trò định hướng, dẫn dắt và tổ chức các hoạt động học tập của học trò”, cô Thảo nhấn mạnh.
Từ góc độ đào tạo sư phạm, TS Ngô Thu Thủy - Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên) trao đổi: AI mang đến cơ hội tuyệt vời cho việc giảng dạy Ngữ văn, giúp giáo viên thiết kế bài giảng sinh động dựa trên tài nguyên số đa dạng, tạo dựng không gian sáng tạo.
Thường xuyên sử dụng AI trong quá trình làm việc như Chat GPT, AI tạo bài giảng PowerPoint tự động, tạo ảnh, video, nhạc, sơ đồ tư duy, phiếu học tập, sách điện tử… TS Ngô Thu Thủy cho rằng những công cụ này giúp người dạy làm việc hiệu quả và người học cũng hứng thú hơn rất nhiều.
“Tuy nhiên, văn chương là câu chuyện của cảm xúc, sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân. Giáo viên phải khai thác AI như công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế tư duy và cảm xúc của mình. Văn chương chỉ thực sự chạm đến trái tim khi người học được truyền cảm hứng từ chính giáo viên”, TS Ngô Thu Thủy phân tích.
“Để sử dụng AI hiệu quả, học sinh cần biết cách kết hợp giữa công nghệ và tư duy cá nhân. Hãy coi AI là người bạn, hỗ trợ tìm tài liệu, gợi mở ý tưởng… từ đó cảm nhận, đọc, viết bằng sự sáng tạo của mình. Đồng thời, học sinh cần có tư duy phản biện, tự kiểm chứng thông tin. Giáo viên cần giữ vai trò định hướng, giúp học trò biết cách khai thác, sử dụng AI hiệu quả”, TS Thủy tư vấn.
Phạm Vũ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/boi-duong-ky-nang-so-cho-nha-giao-giao-vien-ngu-van-khong-the-ngoai-cuoc-post724031.html