Mỹ đã huy động tiêm kích hạm F/A-18F mang bom GBU-53/B tập kích mục tiêu Houthi tại Yemen. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bom StormBreaker đã bắt đầu thực chiến.
Hình ảnh đăng trên mạng xã hội hồi tuần trước cho thấy một quả bom dẫn đường GBU-53/B StormBreaker, đang nằm trên mặt đất ở khu vực nghi là tỉnh Shabwah, đông nam Yemen. Dường như quả bom gặp sự cố kỹ thuật và rơi xuống đất, lớp cát dày giảm lực va chạm và khiến nó còn khá nguyên vẹn.
GBU-53/B StormBreaker là một trong những loại bom dẫn đường hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay, được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí quan trọng và được Mỹ triển khai rộng rãi nhất trong tương lai.
Quả bom rơi ở ngoài vùng kiểm soát của Houthi, nhưng giới chuyên gia quân sự Mỹ không loại trừ khả năng nhóm vũ trang Yemen đã thu được nó
"Sự việc cho thấy vấn đề nghiêm trọng là những khí tài tiên tiến có thể rơi vào tay đối thủ của Mỹ. Iran nổi tiếng với năng lực sao chép vũ khí nước ngoài bằng kỹ thuật đảo ngược để tạo ra sản phẩm nội địa", Trevor Ball, cựu chuyên gia rà phá bom mìn lục quân Mỹ nói.
"Họ sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ nếu nắm giữ những khí tài hiện đại như GBU-53/B StormBreaker", Trevor Ball cảnh báo.
Iran từng sao chép thành công hàng loạt khí tài hiện đại của Mỹ và đồng minh, trong đó có máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-9 Reaper và phi cơ tàng hình RQ-170 Sentinel, tên lửa phòng không SM-2 và tên lửa chống tăng dẫn đường Spike.
Những công nghệ tối tân trên bom GBU-53/B StormBreaker khiến nó trở thành "mỏ vàng dữ liệu tình báo" nếu rơi vào tay các đối thủ của Mỹ.
"Không loại trừ khả năng Houthi sẽ bàn giao quả bom cho Iran để mổ xẻ, trước khi các bộ phận hoặc dữ liệu được chuyển đến Nga và Trung Quốc", bình luận viên Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định.
Dự án bom dẫn đường StormBreaker được tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ triển khai từ năm 2006 và đưa vào biên chế năm 2020. Mỗi quả đạn có chiều dài gần 2 m, đường kính thân 0,2 m và nặng gần 100 kg.
Kích thước nhỏ gọn cho phép mỗi tiêm kích mang được lượng lớn bom và tấn công nhiều mục tiêu trong mỗi lần xuất phát.
Ưu điểm của GBU-53/B StormBreaker là hệ thống dẫn đường nhiều chế độ.
Việc tìm kiếm bằng ba chế độ cung cấp một loạt các tùy chọn hướng dẫn và nhắm mục tiêu thường không được sử dụng cùng lúc trong một hệ thống.
Radar sóng milimet cung cấp cho bom khả năng điều hướng trong thời tiết bất lợi, điều kiện mà các hệ thống dẫn đường khác có thể gặp phải trong vấn đề tiếp cận hoặc xác định mục tiêu. Hướng dẫn bằng ảnh hồng ngoại cho phép vũ khí theo dõi và tinh chỉnh theo dấu hiệu nhiệt, như nhiệt độ động cơ, của xe địch.
Với công nghệ laser bán chủ động, vũ khí có thể được dẫn đến một điểm chính xác bằng cách sử dụng thiết bị laser hoặc đèn chiếu laser chiếu từ trên không hoặc mặt đất.
Trong giai đoạn đầu, radar sóng milimet được bật lên; sau đó, liên kết dữ liệu cung cấp cho nó một gợi ý và cho đầu tìm biết khu vực để mở và sục tìm; tiếp theo, vũ khí có thể bật hồng ngoại IR, sử dụng công nghệ tầm nhiệt để tấn công mục tiêu.
GBU-53/B StormBreaker cũng được trang bị đường truyền dữ liệu hai chiều Link 16, cho phép nó liên tục kết nối với máy bay phóng để cập nhật thông tin và hiệu chỉnh đường bay, phục vụ đòn tấn công nhằm vào mục tiêu di động.
Không quân Mỹ từng tiết lộ GBU-53/B StormBreaker có thể đánh trúng mục tiêu cố định và di động ở khoảng cách lần lượt 110 km và 70 km.
"Hệ thống dẫn đường đa chế độ, đường truyền dữ liệu hai chiều và bộ điều khiển sẽ được đặc biệt quan tâm. Quả bom còn chứa nhiều thành phần công nghệ cao như linh kiện điện tử, đầu đạn nhỏ gọn với sức công phá lớn và cả vật liệu chế tạo thân vỏ. Tiếp cận được những công nghệ này sẽ giúp Iran, Nga, Trung Quốc học hỏi và áp dụng vào vũ khí nội địa", chuyên gia Ball cảnh báo.
Đây cũng là cơ hội để Houthi và đồng minh nghiên cứu điểm yếu của GBU-53/B. Họ có thể xây dựng phương án gây nhiễu hệ thống dẫn đường vệ tinh, cũng như các biện pháp đánh lừa cảm biến hồng ngoại và radar trên quả bom.
Thân bom còn nguyên vẹn cũng cho phép xác định diện tích và đặc tính phản xạ radar, bổ sung vào cơ sở dữ liệu của các hệ thống phòng không.
"Nó được thiết kế để xuyên phá lưới phòng không và tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Phân tích được chính xác năng lực và thành tựu công nghệ trên quả bom sẽ là bước tiến quan trọng", Newdick nêu quan điểm.
Nhiều vũ khí của Mỹ đã rơi vào tay đối phương trong những cuộc xung đột gần đây, nhưng không loại nào mới và chứa hàm lượng công nghệ cao như GBU-53/B.
Mẫu bom GBU-53/B được cho là đứng gần đầu danh sách các vũ khí mà Nga, Trung Quốc muốn thu giữ.
Theo Newdick, quân đội Mỹ chắc chắn phải tính đến nguy cơ rò rỉ công nghệ khi triển khai bom GBU-53/B trong chiến dịch không kích Houthi, do mọi vũ khí đều có tỷ lệ hỏng hóc nhất định.
Tuy nhiên, không rõ Washington có áp dụng biện pháp nào để hạn chế mức độ rò rỉ công nghệ trên Stormbreaker hay không.
"Dù thế nào đi nữa, để quả bom tối tân rơi vào tay đối phương trong tình trạng nguyên vẹn như vậy chắc chắn là tình huống mà Lầu Năm Góc không mong muốn", chuyên gia Newdick của Mỹ nhận xét.
Việt Hùng
Theo Business Insider, TWZ