Bước chuyển cho tương lai số

Bước chuyển cho tương lai số
13 giờ trướcBài gốc
Người dân khu 7, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba được tuyên truyền về chủ trương tắt sóng mạng 2G của Nhà nước.
Thay thói quen, đổi cách dùng
Đã nhiều năm nay, bà Lê Thị Hiền (56 tuổi) ở khu 7, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba giữ thói quen sử dụng điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G Only - điện thoại phím bấm với chức năng chủ yếu là nghe và gọi thoại) hay còn được gọi vui là điện thoại “cục gạch”. Chiếc điện thoại “cục gạch” dễ sử dụng, pin khỏe, sóng khỏe, vậy nên khi hay tin sóng 2G sắp bị “khai tử”, bà Hiền rất tiếc nuối chiếc điện thoại cũ.
Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền chủ trương về tắt sóng mạng 2G, chính sách hỗ trợ chuyển đổi điện thoại, chuyển đổi sim 4G của các nhà mạng, bà Hiền đã mua một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) với nhiều tính năng ưu việt. “Khi chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh, tôi thấy thuận lợi hơn. Tôi có thể kết nối mạng xã hội, cập nhật được nhiều thông tin, liên lạc với người thân dễ hơn và đã biết giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mà lúc trước luôn phải nhờ con cháu mới có thể làm được” - bà Hiền phấn khởi cho biết.
Khu 7, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba hiện có 116 hộ dân với 425 nhân khẩu, ông Nguyễn Hồng Kỳ - Trưởng khu 7, xã Khải Xuân thông tin: “Khu 7 hiện có 80-90% người dân sử dụng điện thoại thông minh, số còn lại vẫn đang sử dụng điện thoại “cục gạch”, một phần do thói quen, một phần cũng do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người sử dụng điện thoại “cục gạch” đa phần là người cao tuổi nên việc tiếp cận, chuyển đổi sim và điện thoại vẫn còn chậm. Để người dân nắm bắt được chủ trương tắt sóng mạng 2G của Nhà nước, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền đến người dân trên hệ thống loa truyền thanh, thông qua các cuộc họp khu hoặc khi người dân có thắc mắc cần được giải đáp, chúng tôi sẽ đến tận nhà để hướng dẫn”.
Ngay sau khi chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh và được hàng xóm hướng dẫn, ông Nguyễn Xuân Bào (80 tuổi) ở khu 7, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa đã thành thạo truy cập Internet để đọc báo và sử dụng các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội để gọi điện cho con, cháu đang đi làm, đi học xa nhà.
Ông Bào chia sẻ: “Khi mới dùng điện thoại thông minh, chỉ khi nào con cháu gọi thì tôi bấm nút nghe. Sau khi được các con hướng dẫn, bây giờ tôi đã biết chủ động gọi cho con cháu khi cần và sử dụng nhiều tiện ích khác. Tôi đã được tiếp cận với nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe, thể thao, dinh dưỡng...”.
Còn tại làng Ngọc Tân (khu 13), xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng có trên 98% đồng bào người dân tộc Cao Lan sinh sống, hiện 100% người dân trong khu đã sử dụng và trải nghiệm nhiều tiện ích thiết thực từ smartphone. Từ việc liên lạc, giải trí, học tập cho đến tiếp cận thông tin, đặc biệt trong việc chung tay giữ gìn và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Cao Lan như: Tiếng nói, chữ viết, các điệu hát Sình ca, múa xúc tép, chim gâu...
Bà Tạ Thị Toán - Bí thư Chi bộ khu 13, làng Ngọc Tân, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng cho biết: Việc sử dụng smartphone để tìm kiếm, học hỏi và tập luyện những lời ca, điệu múa truyền thống của người Cao Lan rất hữu ích và hiệu quả. Chúng tôi đã lập các nhóm trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook... để duy trì và đẩy mạnh các hoạt động của câu lạc bộ Sình ca. Những lời ca, điệu múa được chúng tôi chia sẻ qua mạng xã hội rồi định kỳ đến ngày sinh hoạt câu lạc bộ sẽ cùng nhau biểu diễn. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên đăng tải các bài viết, video clip, hình ảnh về văn hóa người Cao Lan lên các trang mạng xã hội để được lưu giữ và phát triển trong cộng đồng.
Có thể thấy, không chỉ góp phần hiện đại hóa hạ tầng, tắt sóng 2G còn được xem là “cuộc cách mạng” đưa người dân đến với các dịch vụ số tiện ích, góp phần thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... tại địa phương. Để chuẩn bị cho “bước chuyển” quan trọng này, tỉnh đã có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa nhất là về hạ tầng viễn thông, đáp ứng xu thế tất yếu của thời đại.
Viettel Phú Thọ triển khai lắp đặt, phát sóng trạm BTS 5G trên địa bàn TP Việt Trì và trung tâm các huyện Cẩm Khê, Lâm Thao, TX Phú Thọ.
Tiên phong trong công cuộc chuyển đổi
Xác định hạ tầng số phải đi trước một bước, tỉnh đã tập trung rà soát, thống kê hiện trạng hạ tầng mạng Internet băng rộng đến tận cấp thôn/bản/khu dân cư, qua đó xây dựng kế hoạch, tổ chức giao nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông tập trung đầu tư nâng cấp trên 3.800 trạm BTS; phủ sóng 4G với trên 1.600 trạm. Cáp quang băng rộng được cung cấp đến 100% cơ quan nhà nước và gần 80% hộ gia đình; trên 87% dân số sử dụng điện thoại thông minh...
Với quyết tâm xóa vùng trắng sóng di động, khắc phục vùng lõm sóng di động băng rộng 4G và đưa Internet băng rộng cố định đến từng thôn, bản, khu dân cư, đến hết năm 2023, 14 thôn, bản thuộc khu vực đặc biệt khó khăn cuối cùng của tỉnh thuộc các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập được phủ sóng thông tin di động. Nhờ đó, Phú Thọ nằm trong nhóm dẫn đầu về phát triển hạ tầng số trên cả nước, góp phần làm tăng điểm xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của tỉnh.
Chiếc điện thoại 2G Only, hay còn được gọi là điện thoại “cục gạch” sắp bị “khai tử” khỏi thị trường Việt Nam.
Để chuẩn bị cho kế hoạch tắt sóng 2G, từ nhiều năm nay, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tắt các trạm 2G riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng, triển khai các bài toán 2G kết hợp với triển khai 3G, 4G. Điều này giúp giải phóng băng tần để dành cho phát triển các công nghệ mạng di động mới hơn như 4G và 5G. Đơn cử như Viettel, từ năm 2021 đến nay, nhà mạng này đã tắt trạm phủ sóng 2G ở những nơi có dưới 5% khách hàng đang sử dụng. Trong khi đó, VNPT đã thực hiện tắt 85 trạm 2G, dự kiến đến cuối năm tắt thêm khoảng 50 trạm.
Song song với đó, các nhà mạng tập trung nâng cao chất lượng mạng 4G tại Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung bằng cách liên tục đầu tư nâng cấp dung lượng và triển khai các công nghệ mới như: CA (Carrier Aggregation), 4x4 MIMO (Multiple-Input Multiple-Output), Massive MIMO, beamforming...
Công tác tối ưu hóa mạng lưới liên tục thực hiện để đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G luôn ở mức cao nhất. Các hệ thống giám sát mạng lưới hoạt động 24/7 để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo mạng lưới 4G luôn hoạt động ổn định. Đội ngũ kỹ thuật viên được tăng cường để hỗ trợ người dùng trong quá trình chuyển đổi và giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh.
Mặt khác, công nghệ 4G LTE-A (4G+) với tốc độ truy cập nhanh hơn được triển khai tại các khu vực trung tâm, đông dân cư, nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thực hiện thí điểm phát sóng thông tin di động công nghệ 5G tại 4 điểm trên địa bàn thành phố Việt Trì. Hiện nay, Viettel Phú Thọ đang triển khai lắp đặt mới các thiết bị 5G trên 50 trạm BTS trên địa bàn TP Việt Trì, TX Phú Thọ các huyện Lâm Thao và Cẩm Khê để sẵn sàng cho việc chính thức kinh doanh dịch vụ 5G vào ngày 15/10.
Cũng giống Viettel, VNPT đã có những bước chuẩn bị để có thể phủ sóng 5G tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 10/2024. Ông Đặng Việt Hải - Giám đốc VNPT Phú Thọ cho biết: “Là nhà mạng đầu tiên triển khai mạng di động 2G trong nước, đã trải qua 28 năm gắn bó với công nghệ 2G, Vinaphone đã luôn nỗ lực đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, tối ưu nhất và hiện đại nhất. Đến thời điểm hiện tại, ngay khi tắt sóng 2G theo lộ trình của Chính phủ, khách hàng của VNPT sẽ được chuyển sang sử dụng các công nghệ 3G, 4G, đặc biệt là công nghệ 5G hiện đại hơn. Tại Phú Thọ, VNPT đã lắp đặt các trạm Vinaphone 5G tại TP Việt Trì và tiếp tục đẩy mạnh triển khai lắp đặt thêm các trạm trên 12 huyện, thị còn lại trong năm 2024. Vinaphone đã, đang và sẽ luôn thể hiện vai trò tiên phong trong cung cấp các dịch vụ di động thế hệ mới tại tỉnh Phú Thọ, để mang đến cho người dân, khách hàng những trải nghiệm về một kỷ nguyên số trong tương lai”.
Đến năm 2025, Phú Thọ đặt mục tiêu, mạng di động 5G được phủ sóng đến 100% trung tâm các huyện, thành, thị, các khu công nghiệp, khu du lịch, cơ quan nhà nước và phục vụ, hỗ trợ thông minh hóa các hạ tầng đô thị, giao thông, năng lượng, y tế...; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; 100% các thôn, bản có hạ tầng Internet băng rộng cáp quang; nâng tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cáp quang đạt 85%. Tỉnh phấn đấu 100% hệ thống thông tin dùng chung kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng và liên thông 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia...
Việc tắt sóng 2G và bắt đầu triển khai mạng di động 5G trên địa bàn tỉnh không chỉ là một sự thay đổi về công nghệ, mà còn mở ra một kỷ nguyên số mới, nơi người dân, dù ở thành thị hay nông thôn, đều có thể tiếp cận và tận hưởng những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo của các nhà mạng, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, tin tưởng rằng, Phú Thọ sẽ đạt mục tiêu trở thành tỉnh có hạ tầng số thuộc nhóm dẫn đầu các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, làm cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xây dựng một xã hội số toàn diện tại tỉnh Phú Thọ.
Phương Thúy - Hà Trang
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/buoc-chuyen-cho-tuong-lai-so-220902.htm