Công ước Ottawa, còn gọi là Hiệp ước cấm mìn sát thương là một cột mốc quan trọng trong luật nhân đạo quốc tế. Được thông qua năm 1997 và có hiệu lực từ năm 1999, hiệp ước nhằm loại bỏ hoàn toàn các mìn sát thương bộ binh – loại vũ khí có khả năng gây thương vong cho dân thường sau chiến tranh. Hiệp ước cấm các quốc gia thành viên sử dụng, sản xuất, tích trữ và chuyển giao mìn sát thương, đồng thời yêu cầu tiêu hủy kho mìn hiện có và rà phá những khu vực có liên quan.
Tổng thống Zelensky thông tin về việc khởi động quá trình rút khỏi Công ước Ottawa. Nguồn: Zuma Press
Đến nay, hơn 160 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước này, nhưng Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan không tham gia. Về phần mình, Ukraine gia nhập Công ước vào năm 2005 và trở thành thành viên đầy đủ từ năm 2006, cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hiệp ước, trong đó có việc tiêu hủy kho mìn tồn dư thời Liên Xô. Tuy nhiên, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022 tới nay đã làm thay đổi bối cảnh an ninh.
Hôm 29/6 (giờ địa phương), Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh bắt đầu tiến trình rút khỏi Công ước Ottawa. Trong một tuyên bố, Tổng thống Zelensky nêu rõ: “Tôi xin ban hành sắc lệnh để thực hiện quyết định của Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine ngày 29/6/2025 về việc Ukraine rút khỏi công ước Ottawa. Chúng tôi thực hiện bước đi chính trị này và gửi tín hiệu đến các đối tác chính trị của mình về những gì cần tập trung. Kiev ý thức được sự phức tạp của quy trình rút khỏi công ước trong thời điểm hiện nay”. Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Ukraine Roman Kostenko thông tin trên mạng xã hội về vấn đề này như sau: “Đây là một bước đi mà thực tế xung đột đã đòi hỏi từ lâu. Quyết định của Tổng thống phù hợp với bối cảnh hiện tại”.
Quyết định của Ukraine đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới quan sát. Theo các nhà phân tích, động thái này phản ánh nhu cầu cấp bách của Ukraine trong việc tăng cường năng lực phòng thủ trước các cuộc tấn công không ngừng của Nga, đặc biệt là khi đối mặt với tình hình tiền tuyến phức tạp, yêu cầu củng cố các tuyến phòng thủ và ngăn chặn các đợt tấn công bằng bộ binh quy mô lớn. Mìn sát thương, dù gây tranh cãi, được xem là công cụ phòng thủ hiệu quả và tương đối kinh tế để làm chậm bước tiến của đối phương, bảo vệ các vị trí chiến lược, hoặc tạo ra các khu vực cấm địa dọc theo biên giới và các tuyến phòng thủ sâu. Kiev từ lâu cũng đã cáo buộc Nga sử dụng mìn sát thương trong chiến dịch quân sự của mình. Được biết, việc rút lui khỏi hiệp ước vẫn cần được Quốc hội Ukraine phê chuẩn và hoàn tất các thủ tục ngoại giao cần thiết theo Điều 17 của Công ước, quy định rằng việc rút lui có hiệu lực 6 tháng sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận được thông báo. Nếu tiến trình này được hoàn tất, Ukraine sẽ chính thức không còn nghĩa vụ theo Công ước vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
Nhiều tổ chức cảnh báo, việc tái sử dụng mìn có thể gây hậu quả nặng nề về dân sự, kéo dài hàng thập kỷ sau xung đột. Mìn không biết phân biệt giữa binh lính và dân thường, đặc biệt nguy hiểm khi nằm ngoài tầm kiểm soát trong thời gian dài. Theo tờ Telegraph (Anh), năm 2023, ít nhất 2.000 người thiệt mạng do mìn trên toàn thế giới, trong đó 84% là thường dân và một phần tư là trẻ em. Các quốc gia như Angola, Afghanistan vẫn đang gánh chịu thảm họa từ mìn sau nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, một số chuyên gia luật quốc tế cho rằng việc Ukraine rút khỏi Công ước là hợp pháp và nằm trong quyền chủ quyền của một quốc gia tự vệ. Giáo sư về luật công quốc tế Marko Milanovic thuộc Đại học Reading (Anh) nhận xét: “Hiệp ước không cấm các quốc gia rút lui, và trong thời chiến, quyết định này có thể được hiểu là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thực tế”. Điều quan trọng là việc rút khỏi Công ước Ottawa không đồng nghĩa với việc từ bỏ hoàn toàn các nguyên tắc nhân đạo cơ bản. Các điều khoản cốt lõi của luật nhân đạo quốc tế, bao gồm Công ước Geneva năm 1949 và các nghị định thư bổ sung, vẫn áp dụng đối với tất cả các bên trong xung đột, yêu cầu họ phải phân biệt giữa chiến binh và dân thường, và tránh gây thương vong không cần thiết. Các chuyên gia khuyến nghị rằng nếu sử dụng mìn, Ukraine cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kiểm soát gồm giới hạn khu vực triển khai, sử dụng mìn có cơ chế tự hủy, công khai bản đồ mìn và phối hợp với các tổ chức rà phá mìn quốc tế sau chiến tranh.
Trước đó, vào năm 2024, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt việc cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là tướng Lloyd Austin cho biết, động thái này nhằm giúp Ukraine ngăn chặn bước tiến của Nga ở phía Đông khi tình hình tiền tuyến xấu đi. Bước đi của Ukraine là một tín hiệu rõ ràng về sự chuyển hướng trong cách tiếp cận an ninh quốc gia giữa thời kỳ bất ổn kéo dài. Dù được cho là phù hợp với luật pháp quốc tế, việc này đặt ra yêu cầu cao hơn về minh bạch, kiểm soát vũ khí và phối hợp với các tổ chức quốc tế để đảm bảo rằng việc bảo vệ lãnh thổ không đi kèm với rủi ro lâu dài với xã hội dân sự. Cách thức Ukraine triển khai các bước tiếp theo, từ quy định nội địa đến hợp tác quốc tế, sẽ là thước đo quan trọng trong việc cân bằng giữa quyền tự vệ và nghĩa vụ nhân đạo toàn cầu.
Được biết, trong thời gian gần đây, nhiều nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giáp biên với Nga và Belarus đã xem xét lại việc tham gia Công ước Ottawa, viện dẫn các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng. Hồi đầu năm nay, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Phần Lan đều đã bỏ phiếu rút khỏi Công ước sau khi nhận được khuyến nghị từ bộ quốc phòng nước họ. Trong đó, theo Tân Hoa Xã, ba nước Baltic đã chính thức gửi thông báo lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 27/6 về việc rút khỏi Công ước Ottawa.
Kim Khánh