Theo ông Lương Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo đến năm 2030 là phát triển tỷ lệ dữ liệu số đạt 90%. Có 70% hoạt động kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các đơn vị trực thuộc, các đơn vị liên quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị. Tỷ trọng kinh tế số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt tối thiểu 20%. Tỷ lệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động giáo dục sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 90%. Cùng với đó, tỷ lệ công chức, viên chức, người lao động, sinh viên có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%. Tỷ lệ công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 80%. Tỷ lệ công chức, viên chức, người lao động, sinh viên dùng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%. Tỷ lệ công chức, viên chức, người lao động, sinh viên dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 50%.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Để hoàn thành các mục tiêu của đề án đề ra, từ nay đến năm 2030 ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phải xây dựng, phát triển và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; thực hiện số hóa toàn bộ dữ liệu của ngành, đảm bảo liên thông, tích hợp với Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; triển khai hệ sinh thái dữ liệu số ngành Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo khả năng kết nối với các hệ thống đô thị thông minh của tỉnh. Hoàn thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng số cho giáo dục để nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình, đảm bảo chất lượng kết nối tại tất cả các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và vùng khó khăn; đầu tư thêm thiết bị công nghệ như máy tính, máy chiếu và mạng internet tốc độ cao cho các phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Cùng với đó, phát triển hệ thống phần mềm quản lý giáo dục thông minh nhằm tích hợp các chức năng như quản lý học sinh, giáo viên, học bạ số và cơ sở vật chất vào một hệ thống quản lý tập trung. Phát triển kho học liệu số trực tuyến phong phú, kết hợp với ngân hàng câu hỏi, thi trắc nghiệm và các nền tảng phân tích dữ liệu để đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra. Nâng cao chất lượng giáo dục thông qua tích hợp công nghệ, như áp dụng các mô hình giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, nghệ thuật, kinh doanh vào các chương trình ngoại khóa và lồng ghép trong các môn học phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của địa phương. Thúc đẩy phương pháp giảng dạy kết hợp giữa học trên lớp và học trực tuyến, tập trung vào trải nghiệm thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là khối trung học phổ thông.
Song song đó, sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu giáo dục để hỗ trợ quản lý, đổi mới nội dung giảng dạy và hoạch định chính sách giáo dục; tích hợp dữ liệu từ các trường học vào hệ thống phân tích điều hành giáo dục trong IOC của tỉnh, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và dự báo nhu cầu. Tổ chức các chương trình tập huấn về sử dụng công nghệ, hệ thống phần mềm quản lý và các nền tảng giảng dạy trực tuyến; trang bị kỹ năng cần thiết để giáo viên chủ động khai thác công nghệ và đổi mới phương pháp dạy học. Xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các trường học gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để triển khai các giải pháp giáo dục thông minh, tăng cường cơ hội tiếp cận công nghệ số cho học sinh và giáo viên.
Kinh phí thực hiện kế hoạch từ ngân sách nhà nước bao gồm chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách và chi đầu tư phát triển của địa phương theo quy định, kinh phí tự cân đối, nguồn vốn đầu tư và huy động hợp pháp khác của các đơn vị. Khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng cường sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.
THANH THỦY