Bứt phá giảm nghèo nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất ở Quảng Ngãi

Bứt phá giảm nghèo nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất ở Quảng Ngãi
7 giờ trướcBài gốc
Sơn Tây là một trong hai huyện nghèo của Quảng Ngãi. Huyện được thụ hưởng 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia quan trọng: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, và Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, Sơn Tây đã tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất, giúp bà con tiếp cận các chính sách ưu đãi, nguồn vốn, thị trường và giải quyết việc làm, từ đó nâng cao thu nhập một cách bền vững.
Chuyện ở thôn Nước Vương
Thôn Nước Vương, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, từng là một vùng đất heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn. Thế nhưng, giờ đây, "ngôi làng số" này đã trở thành biểu tượng của sự đổi thay mạnh mẽ. Người Ca Dong chân chất, vốn quen với lối canh tác truyền thống, giờ đây đã thành thạo công nghệ số. Họ biết livestream bán hàng, sử dụng điện thoại thông minh để lựa chọn giống cây trồng phù hợp, và tự hào gọi thôn mình bằng cái tên đầy ý nghĩa: “ngôi làng số”.
Hằng ngày, dưới tán cây xanh mướt của núi rừng, những thanh niên Ca Dong – những người con của núi rừng – ăn vận giản dị nhưng tác phong làm việc vô cùng chuyên nghiệp. Họ livestream giới thiệu sản phẩm, chốt đơn, xử lý thanh toán và sắp xếp giao hàng đến tận tay khách hàng.
Nổi bật trong số đó là anh Đinh Văn Đen, người tiên phong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản của làng. Mỗi mùa vụ, từ khi làm đất đến lúc thu hoạch, anh Đen đều quay video, phát trực tiếp toàn bộ quá trình chăm sóc cây trái. Những hình ảnh sống động, chân thực, cùng nụ cười rạng rỡ của người nông dân đã lan tỏa năng lượng tích cực, tạo nên sự tin tưởng vững chắc từ phía người tiêu dùng.
Sản phẩm nông nghiệp của Sơn Tây ngày càng được nhiều người biết đến do cách bán hàng, quảng bá mới của người dân.
Khi vào vụ, những buổi phát trực tiếp tại vườn bưởi da xanh, dừa xiêm, ổi Soli… luôn thu hút lượng người xem lớn. Nhờ sự tin tưởng vào sản phẩm “sạch, rõ nguồn gốc” và hình ảnh chân thực, nhiều đơn hàng được chốt ngay khi đang phát sóng. Hình thức thanh toán hiện đại qua chuyển khoản cũng đang dần thay thế tiền mặt – một điều từng xa lạ với người vùng cao, giờ đây đã trở nên quen thuộc.
Không chỉ livestream, người dân Nước Vương còn chủ động tham gia HTX Nông nghiệp và Dịch vụSơn Liên. Đây là nơi đã sớm tiếp cận công nghệ số trong canh tác và tiêu thụ. Từ Facebook đến Zalo, các sản phẩm đặc trưng như ổi, bưởi, gà, dừa… được giới thiệu rộng rãi đến thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã có việc làm ổn định, thu nhập được cải thiện rõ rệt, mang đến một cuộc sống sung túc hơn cho bà con nơi đây.
Thị trường rộng mở nhờ nông sản sạch
Thành lập vào cuối năm 2019 với 18 thành viên ban đầu đều là đồng bào DTTS, đến nay, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã phát triển lên gần 50 thành viên. Doanh thu trung bình những năm gần đây đạt mức ấn tượng 6 tỷ đồng. Thành công này đến từ định hướng phát triển nông nghiệp sạch, bền vững và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã phối hợp chặt chẽ với người dân địa phương để xây dựng các tổ, nhóm sản xuất. HTX triển khai mô hình trồng bưởi da xanh theo chuỗi liên kết với diện tích 17 ha. Đây là dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, từng bước giúp người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhờ vậy, sản phẩm bưởi da xanh của HTX không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn được tiêu thụ ổn định, đạt năng suất bình quân 6 tấn/ha/năm.
Song song đó, dự án trồng và tiêu thụ ổi Soli cũng ghi dấu ấn với diện tích 5ha, cho thu hoạch khoảng 5 tấn/tháng, mang lại tổng thu nhập hàng triệu đồng/tháng. Mỗi hộ tham gia dự án có thêm 6 triệu đồng thu nhập/tháng, góp phần nâng cao đời sống.
Bà Phạm Thị Trầm, Giám đốc HTX, chia sẻ: "Không chỉ dừng lại ở sản xuất, HTX còn chủ động kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường. Tháng 6/2023, cửa hàng “Son Tay Mart” được khai trương tại TP. Quảng Ngãi, trở thành điểm giới thiệu hơn 50 sản phẩm nông nghiệp sạch của các HTX và tổ hợp tác vùng cao. Từ đặc sản như thịt dê sấy, sâm đương quy ngâm mật ong, gạo lúa rẫy đến nông sản tươi sống như cá tầm, chuối rừng, rau rừng… Son Tay Mart còn phân phối các sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh như tỏi Lý Sơn, mạch nha Thy Thảo…".
Ngoài hoạt động trồng trọt và tiêu thụ nông sản địa phương, HTX Sơn Liên còn cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, thu gom rác thải, xây dựng và sửa chữa các công trình nhỏ. Trong thời gian tới, HTX định hướng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như ổi ép khuôn, bưởi trồng kiểng, nước ép trái cây...
Các tổ chức cùng đồng hành, hỗ trợ
Bên cạnh HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi còn có nhiều doanh nghiệp, HTX khác đang tích cực đồng hành cùng người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế bền vững. Tiêu biểu phải kể đến HTX Nông nghiệp Sơn Trà (Trà Bồng) và HTX Sơn Long (Sơn Tây) đã liên kết với doanh nghiệp triển khai mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng sẻ (gừng gió) theo chuỗi giá trị.
Gừng sẻ – loại cây dược liệu bản địa có giá trị cao – được trồng theo hướng hữu cơ tại các xã Sơn Trà (Trà Bồng), Sơn Long và Sơn Tinh (Sơn Tây), với nhiều mô hình canh tác đa dạng như trồng thuần, trồng xen lúa rẫy, bắp, cây ăn quả. Các mô hình này không chỉ cho năng suất vượt kỳ vọng mà còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.
Mô hình trồng gừng xẻ đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân (ảnh báo Quảng Ngãi).
Dự án đã hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp – HTX – nông dân. Trong đó, Công ty Hoàng Linh Biotech đảm nhiệm việc bao tiêu toàn bộ gừng nguyên liệu theo tiêu chuẩn với giá ổn định. Các HTX đóng vai trò quy vùng sản xuất, canh tác gừng, thu hoạch, sơ chế…
Đồng hành cùng các HTX, những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các HTX tại tỉnh Quảng Ngãi. Điển hình là chương trình hỗ trợ giống cây: Trao tặng 4.500 cây giống Mắc ca gồm 03 loại: Giống ghép A38, OC và QN1 cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên; hỗ trợ 15.000 cây sâm Ba kích tím cho HTX Sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua...
Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cũng không ngừng nỗ lực trong việc hỗ trợ các HTX. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn “Kỹ năng đọc và lập báo cáo tài chính hằng năm của HTX”, giúp nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị. Hỗ trợ các HTX lập hồ sơ vay vốn 1,25 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để phục vụ hoạt động kinh doanh. Gần đây nhất, từ ngày 19/6 đến ngày 21/6, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý điều hành HTX cho 51 học viên là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và thành viên các HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh…
Từ ngày 01/07/2025, huyện Sơn Tây (cũ) sẽ có quy mô hành chính gồm 3 xã mới là: Sơn Tây Thượng (sáp nhập các xã Sơn Mùa, Sơn Liên, Sơn Bua); Sơn Tây Hạ (sáp nhập các xã Sơn Tinh, Sơn Lập, Sơn Màu); và xã Sơn Tây trên cơ sở sáp nhập các xã Sơn Long, Sơn Tân, Sơn Dung. Do đặc thù các xã đều có nhiều đồng bào DTTS, để tạo điều kiện cho người dân, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo, bên cạnh trụ sở chính của các xã mới, các địa phương chủ động bố trí cán bộ, nhân sự duy trì hoạt động tại các trụ sở UBND xã cũ trong thời gian đầu chuyển đổi. Điều này nhằm đảm bảo việc hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn... Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng này các xã mới tại huyện Sơn Tây (cũ) chắc chắn sẽ hoàn thành chuyển đổi thành công, tiếp tục đà phát triển và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân miền núi.
Thu Thảo
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/but-pha-giam-ngheo-nho-chuyen-doi-mo-hinh-san-xuat-o-quang-ngai-1107788.html