'Cả hệ thống chính trị vào cuộc mới thay đổi được thói quen, văn hóa giao thông'

'Cả hệ thống chính trị vào cuộc mới thay đổi được thói quen, văn hóa giao thông'
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 26/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở tổ về các vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025.
Đường càng to, tốc độ càng cao mà ý thức không cao thì tai nạn càng thảm khốc
Phát biểu thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (từ Hà Nội đến TP.HCM).
Hiện có ba dự án đường sắt lớn đang triển khai gồm tuyến 3 đoạn tuyến: Lạng Sơn - Hà Nội; Hà Nội - TPHCM; TPHCM - Cần Thơ.
Với tuyến Lạng Sơn - Hà Nội hiện đang khai thác đường sắt khổ lồng (gồm khổ 1.000 mm và khổ 1.435 mm). Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục trình Quốc hội nâng cấp đoạn tuyến này.
Trong đó tuyến Lạng Sơn - Hà Nội đang được lập quy hoạch, dự kiến đề xuất khai thác khổ tiêu chuẩn vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khoảng 200 km/h.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu thảo luận.
Với tuyến TPHCM - Cần Thơ, Bộ GTVT đang chuẩn bị hoàn thành báo cáo tiền khả thi để trình Chính phủ và Quốc hội. Tuyến sẽ khai thác đường sắt khổ tiêu chuẩn với tốc độ thiết kế 200 km/h vận tải hành khách và hàng hóa khoảng 170 km/h, chiều dài 174 km, tổng mức đầu tư dự tính khoảng 9,98 tỉ USD (tương đương 220.000 tỉ đồng).
Dự án này sẽ chia 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 là đường đơn, giải phóng mặt bằng 1 lần, kinh phí khoảng 155.000 tỉ đồng, khai thác vận tải cả hành khách và hàng hóa do nhu cầu hàng rất lớn. Khi đưa vào khai thác, đi từ TPHCM đi Cần Thơ chỉ còn 1 tiếng.
Về nâng cấp tuyến cao tốc hai làn, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết vừa qua Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Theo Bộ trưởng, trước đây Quốc hội, Chính phủ quyết định triển khai hai làn là phù hợp, vì thực tế nhiều tuyến trước đây lưu lượng xe rất thấp. Sau thời gian phát triển, nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.
Bộ GTVT phối hợp với các bộ đang nâng cấp tất cả các tuyến 2 làn lên 4 làn và một số tuyến 4 làn hạn chế lên hoàn chỉnh đầy đủ, thậm chí lớn hơn. Tuy nhiên Bộ trưởng chỉ ra thực tế, khi công tác tại châu Âu, nhiều tuyến đường cao tốc của họ vẫn 4 làn nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Đáng nói, ý thức người dân rất tốt, đến đoạn đó chấp nhận đi chậm lại từ tốn…
"Điều đó cho thấy không nhất thiết phải đường to phải rộng. Thống kê nguyên nhân tai nạn, hơn 90% nguyên nhân đến từ ý thức người tham gia giao thông. Đường càng to, tốc độ càng cao mà ý thức không cao thì tai nạn càng thảm khốc!
Do vậy, cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phải có rất nhiều giải pháp, trong đó có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị mới thay đổi được thói quen, văn hóa giao thông. Chỉ có nâng được văn hóa giao thông, tai nạn giao thông mới giảm sâu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Quảng cảnh phiên thảo luận tại tổ 8.
Liên quan đến vật liệu san lấp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng cho biết theo trữ lượng và nhu cầu thực tiễn, chúng ta không thiếu cát để đẩy mạnh kết cấu hạ tầng ĐBSCL. Tuy nhiên, khi cùng lúc phải thực hiện nhiều dự án, nhu cầu cát tăng lên đột biến, sẽ dẫn đến thiếu cục bộ.
Việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Đây là nguồn vật liệu dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung.
Dự kiến cuối năm nay sẽ công bố cho phép sử dụng rộng rãi cát biển cho toàn bộ các tuyến cao tốc. Song, cần khai thác ở tốc độ vừa phải để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đến năm 2026 sẽ đánh giá Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương
Phát biểu ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chúng ta đặt việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh cực kỳ khó khăn thì mới thấy hết sự nỗ lực của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
Theo Bộ trưởng, nước ta đã đạt được kết quả rất tích cực, toàn diện về kinh tế - xã hội. Đây là một năm có sự phát triển đồng bộ, toàn diện theo các nghị quyết đề ra.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh nước ta đã kiểm soát rất tốt lạm phát khi thực hiện cải cách tiền lương. Năm 2023, nước ta đã tăng 20,8% lương cơ sở, năm 2024 từ ngày 1/7 tăng lên 30% lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công. Đồng thời, nước ta cũng điều chỉnh chế độ lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng khác.
"Có thể nói bình thường sẽ có dấu hiệu rất mạnh mẽ trong việc tăng giá, nhưng chúng ta kiềm chế được lạm phát. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị", Bộ trưởng nêu.
"Vừa qua chúng ta đã thực hiện được chính sách tiền lương. Khó khăn như vậy nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỉ đồng và đến năm 2026 là 930.000 tỉ đồng cho việc thực hiện điều chỉnh tiền lương, trợ cấp bảo hiểm, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh đây là nguồn kinh phí rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trên thực tiễn vấn đề này vẫn đang còn bất cập. Cơ quan thẩm quyền đã báo cáo Bộ Chính trị và được cho chủ trương nên tới đây sẽ rà soát một số đối tượng bất cập như nhân viên hành chính sự nghiệp, đối tượng giáo viên, nhân viên y tế.
"Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp với tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là những kết luận Bộ Chính trị đã ban hành. Trong đó với những đối tượng mang tính đặc thù phải có sự quan tâm hơn để đảm bảo đời sống của họ một cách tốt hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về tổng thể, Bộ trưởng cho rằng vừa qua đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở với mức tăng lên 50,8% - đây là con số rất lớn, thể hiện sự nỗ lực cao.
Theo Bộ trưởng, đến năm 2026 sẽ đánh giá Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện cho phù hợp.
Về vấn đề có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không, Bộ trưởng cho biết việc này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước. Trước mắt năm 2025 có thể tạm dừng lại, sau đó điều chỉnh với một số đối tượng.
Còn sang đến năm 2026, chúng ta có thể tiếp tục điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công đảm bảo tương đồng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đây là chủ trương lớn, vấn đề khó, nhạy cảm nhưng vừa qua nhiều địa phương đã rất nỗ lực thực hiện.
Trong 54 địa phương nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có 51 địa phương thực hiện. Còn 3 địa phương như Bình Phước, Điện Biên, Lai Châu do có những yếu tố không thể thực hiện được, có liên quan đến việc mở rộng địa giới hành chính của thành phố (hay còn gọi là đô thị) với một đơn vị hành chính nông thôn để tạo ra không gian phát triển mới nhưng lại không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nên phải dừng lại để tiếp tục hoàn thiện.
Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính của 38 địa phương. Còn lại 13 địa phương, trong đó 10 địa phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp nhận hồ sơ./.
Xuân Trường - Thế Công
Nguồn Tổ Quốc : https://toquoc.vn/ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-moi-thay-doi-duoc-thoi-quen-van-hoa-giao-thong-20241026163611356.htm