Cả nước xây dựng hơn 36.000 phòng học, 1.300 phòng công vụ cho GV nhờ xã hội hóa

Cả nước xây dựng hơn 36.000 phòng học, 1.300 phòng công vụ cho GV nhờ xã hội hóa
4 giờ trướcBài gốc
Sáng 25/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các đơn vị Vụ/Cục trực thuộc Bộ.
Điểm cầu 63 tỉnh/thành có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành của địa phương.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn
Nhiều cách thức, mô hình phong phú, đa dạng
Báo cáo tóm tắt về công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, chính sách xã hội hóa giáo dục đã trở thành động lực to lớn, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, đồng thời khuyến khích sự tham gia đóng góp từ các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Trong giai đoạn 2013-2023, nhờ vào sự hỗ trợ từ xã hội hóa, cả nước đã xây dựng hơn 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí huy động đạt khoảng 33.000 tỷ đồng.
“Đó là sự quan tâm hết sức thiết thực của toàn xã hội đối với giáo dục và đào tạo. Khắp mọi miền của đất nước ở đâu cũng có thể gặp những công trình trường lớp học được xây dựng từ nguồn xã hội hóa từ nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, với cách thức, mô hình hết sức phong phú, đa dạng”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận xét.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu. Ảnh: Trần Hiệp
Trong những năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi của các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều trường học đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia từ nguồn xã hội hóa như Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hiếu Tự (Vĩnh Long), Trường Mầm non Pác Bó (Cao Bằng), Trường Trung học phổ thông Võ Văn Tần (Long An),...
Các doanh nghiệp như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghệ bưu chính viễn thông Quân đội - Viettel, các ngân hàng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank); các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đoàn thể và nhiều doanh nghiệp khác đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên khắp mọi miền của tổ quốc.
Các lực lượng vũ trang như Công an, Quân đội tại các tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An… đã không chỉ huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt tại các vùng biên giới, hải đảo, mà còn đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để sửa chữa và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng học kiên cố, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và ổn định cuộc sống cho người dân tại các khu vực khó khăn.
Theo Thứ trưởng, trong 10 năm qua đã có hơn 500ha của các hộ gia đình hiến đất, cả ở khu vực đô thị và miền núi. Đó là những nghĩa cử cao đẹp của các hộ gia đình, cá nhân, tiêu biểu như gia đình bác sĩ Trương Minh Tuyết và thầy Trần Đình Chiến đã tài trợ hơn 86 tỷ đồng để xây dựng Trường Trung học cơ sở Trương Minh Bạch; hộ gia đình ông Trần Văn Dần xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng và mua sắm thiết bị dạy học trường tiểu học, trung học cơ sở Việt Hưng,...
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Bài học kinh nghiệm: Minh bạch và công khai trong quản lý nguồn lực
Sau 10 năm triển khai, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu ra một số bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác xã hội hóa, kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
Thứ nhất, rất cần sự chủ động từ cấp ủy và chính quyền địa phương. Đây là yếu tố then chốt để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Việc kết nối các nguồn lực triển khai các chương trình phải được thực hiện có kế hoạch công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ hai, công tác thông tin truyền thông cần được đẩy mạnh nhằm biểu dương, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình, cách làm hay, hiệu quả, đồng thời tạo động lực và lan tỏa phong trào xã hội hóa rộng rãi trong cộng đồng.
Thứ ba, công tác quy hoạch mạng lưới trường học là nền tảng để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, đảm bảo không có sự chênh lệch quá lớn giữa các khu vực, đặc biệt ở các vùng khó khăn. Quy hoạch cần công khai để các nhà đầu tư nắm bắt rõ ràng và đóng góp hiệu quả.
Thông tin thêm, Thứ trưởng cho biết trong một thời gian rất ngắn, Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với các địa phương đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về nhu cầu đầu tư kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên cả nước. Đây là cơ sở dữ liệu giúp các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân căn cứ để chủ động để đầu tư nguồn lực tiếp tục trong thời gian tới.
Thứ tư, minh bạch và công khai trong quản lý nguồn lực. Các nguồn lực xã hội hóa cần được quản lý chặt chẽ, công khai, đảm bảo tiết kiệm, sử dụng hiệu quả và cắt giảm các thủ tục không chưa, không cần sự cần thiết để tăng cường cái hiệu suất đầu tư trong quá trình xã hội hóa.
Thứ năm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Cụ thể, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng nguồn lực từ xã hội hóa này. Điều này giúp tối ưu hóa các khoản đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình cải thiện cơ sở vật chất giáo dục.
Mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% kiên cố hóa trường lớp học
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và lan tỏa phong trào xã hội hóa rộng khắp hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Đó là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức việc kiên cố hóa trường, lớp học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, cách làm hiệu quả để đến năm 2030 đạt 100% kiên cố hóa trường lớp học. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác xã hội hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
Bên cạnh đó, tăng cường quy hoạch mạng lưới trường học: Các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp học để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo có quỹ đất để xây dựng và mở rộng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn.
Khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội.
Cuối cùng, thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm.
“Công tác xã hội hóa giáo dục trong 10 năm qua không chỉ góp phần to lớn trong việc cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Những tấm gương sáng trong công cuộc xã hội hóa chính là động lực để chúng ta tiếp tục phát huy, đưa nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kết luận.
Kon Tum: Kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trình bày tham luận trực tuyến tại hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho hay, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, trong đó có xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên và đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thị trường lao động tỉnh Kon Tum chưa phát triển, phần lớn doanh nghiệp hoạt động với qui mô vừa và nhỏ, ngành nghề kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp nên cũng gặp các khó khăn nhất định trong việc tổ chức thực; quy mô trường lớp nhỏ lẻ, dân cư phân tán nên gặp nhiều thách thức trong việc kiên cố hóa trường lớp.
Với mục tiêu, phấn đấu đến 2025, 100% phòng học kiên cố, đảm bảo nhà công vụ cho đội ngũ nhà giáo vùng khó khăn an tâm công tác, ông Nguyễn Hữu Tháp bày tỏ, thời gian tới tỉnh Kon Tum xác định, tiếp tục ưu tiên nguồn lực ưu tiên cho giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh một số nội dung:
Thứ nhất,kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đối với trường có đông học sinh dân tộc thiểu số để các địa phương chủ động đầu tư cho các cơ sở giáo dục có đông học sinh dân tộc thiểu số phù hợp. Trong đó, mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình mục tiêu miền núi nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các trường vùng dân tộc thiểu số nói chung và các trường mầm non nói riêng, đây là bậc học có tỷ lệ kiên cố hóa còn thấp, trong khi nhu cầu gửi trẻ vùng dân tộc thiểu số tăng đáng kể.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ ban hành chương trình kiên cố hóa trường lớp trong thời gian đến nhằm ưu tiên và huy động có hiệu quả nguồn lực kiên cố hóa phòng học, phòng bộ môn, nhà bán trú cho học sinh.
Thứ hai, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên kết nối các nguồn lực các nguồn viện trợ ODA, các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong đầu tư nhà công vụ, công trình vệ sinh nước sạch, sân chơi bãi tập, nhà bán trú đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thứ ba, rà soát và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Doãn Nhàn
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/ca-nuoc-xay-dung-hon-36000-phong-hoc-1300-phong-cong-vu-cho-gv-nho-xa-hoi-hoa-post246507.gd