Các bộ, ngành hiến kế giải pháp mang tính 'đòn bẩy - điểm tựa' để đạt mục tiêu tăng trưởng

Các bộ, ngành hiến kế giải pháp mang tính 'đòn bẩy - điểm tựa' để đạt mục tiêu tăng trưởng
20 giờ trướcBài gốc
Năm 2025, ngành vận tải, xây dựng phải tăng trưởng từ 13,5% - 18%
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế diễn ra sáng 21/2 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh khẳng định, giao thông luôn giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, xóa bỏ khoảng cách địa lý, mở ra thị trường và không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước, là công cụ tạo động lực tăng trưởng, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp dịch vụ, du lịch phát triển...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Với những nỗ lực của ngành, năm 2024, ngành xây dựng, vận tải và kho bãi ghi nhận đóng góp 12,5% GDP cả nước; trong đó ngành xây dựng là 6,6%, ngành vận tải là 5,9%; đóng góp 1,13 điểm % vào mức tăng trưởng 7,09% GDP cả nước.
Tháng 1/2025, ngành đã thử nghiệm kiểm tra ở các lĩnh vực như: Hàng không đạt được là 14,7%; đường thủy nội địa là 11,4%; vận tải đường bộ là 10,7; đường sắt thấp nhất là 1,27%.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, năm 2025 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng; là năm tăng tốc, bứt phá về đích; là năm cuối để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; là năm chuẩn bị để củng cố những yếu tố nền tảng làm tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, thực hiện Nghị quyết số 25... do đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện mục tiêu đạt tăng trưởng cả nước là 8% trở lên.
Cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra, Bộ Xây dựng đã đề ra các giải pháp:
Thứ nhất, về hoạt động xây dựng các công trình giao thông: Để đạt được tăng trưởng GDP 8% cả nước, GDP của ngành xây dựng phải đạt được 8,95%, trong đó đóng góp khoảng 0,59 điểm % vào mức tăng trưởng 8% GDP của nền kinh tế cả nước.
Theo thống kê những năm qua, GDP lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông chiếm khoảng 10%-15% GDP của ngành xây dựng. Để đạt được mục tiêu đề ra, tăng trưởng GDP của lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông ở mức 18% so với năm 2024, tương đương khoảng 110.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các tuyến đường mới trong năm 2025 dự kiến giải ngân đạt khoảng 128.000 tỷ đồng; bảo đảm đóng góp vào tăng trưởng của cả nước từ 0,6 điểm % trong tổng số 8% GDP của cả nước.
Thứ hai, về hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng hải, để đạt được tăng trưởng GDP của cả nước là 8% thì giá trị GDP vận tải, kho bãi phải đạt được tối thiểu 13,5% so với năm 2024 và đóng góp 0,8 điểm % vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Cũng tại Hội nghị, đề xuất các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất:
Một là, về thể chế, hiện nay còn Luật Đường sắt sắp tới sẽ được xem xét thông qua, chúng tôi tiếp tục tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về môi trường để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực; tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án để giải phóng nguồn lực.
Hai là, về giải ngân vốn, mục tiêu là giải ngân 100%. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư, gắn rõ trách nhiệm với người đứng đầu.
Ba là, triển khai các dự án đầu tư làm sao để hoàn thành các mục tiêu như trên 3.000 km đường bộ, 1.000 km đường biển, hoàn thành cơ bản Cảng Hàng không Long Thành.
Bốn là, về hoạt động vận tải: Tập trung vào lĩnh vực hàng hải, đường thủy, đường bộ, đường không, đẩy mạnh đường sắt.
Năm là, đồng hành cùng các doanh nghiệp để xác định các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ đó hỗ trợ tháo gỡ.
Doanh nghiệp có thể đầu tư nghiên cứu phát triển đến 20 lần
Cùng phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, yêu cầu đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững có chất lượng, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước trên 50%.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV bế mạc ngày 19/2.
Để làm được điều này, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các địa phương đưa mục tiêu TFP đóng góp vào tăng trưởng GRDP chiếm 50-55%, từ đó, có kế hoạch cụ thể kinh phí đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, đưa các cơ chế, chính sách mới đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt trong đó có nội dung, cho phép tính các chi tiêu nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được từ vào chi phí tính thuế thay vì trước đây chỉ cho doanh nghiệp trích quỹ tối đa 10% lợi nhuận sau thuế (con số này nhỏ hơn nhiều tổng doanh thu của doanh nghiệp).
Với cơ chế mới này, doanh nghiệp có thể đầu tư nghiên cứu phát triển 10 thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này, hỗ trợ tốt khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng công nghệ doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng mong các địa phương cần quan tâm đến bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII), đây là chỉ tiêu mà trong 2 năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công bố giúp các địa phương đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tỉnh” - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin.
Triển khai các gói tín dụng lớn
Cũng tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về các giải pháp của ngành ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng:
Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Thứ hai, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đối với nội dung lãi suất và tỷ giá, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thách thức. Và những biến số này sẽ tác động đến câu chuyện thị trường trong nước và dòng vốn vào ra của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến, thậm chí là diễn biến hàng ngày để có sự chủ động trong điều tiết.
Đối với lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có thể tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, kết hợp tổng thể các giải pháp điều hành về vấn đề tỷ giá.
Các nhiệm vụ trọng tâm khác như thúc đẩy đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, mạng lưới xử lý nợ xấu và các nhiệm vụ khác cũng được đơn vị quyết liệt triển khai.
Đối với khai thác tối đa cầu của nền kinh tế, chúng tôi thấy cần khai thác tối đa về hàng hóa xuất khẩu thông qua xúc tiến thương mại. Thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân rất quan trọng, chúng ta có khai thác thì rất thuận lợi, và khai thác cầu trong nước với 100 triệu dân.
Kiến nghị từ góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng đề xuất, để tín dụng có thể tăng trưởng như chỉ tiêu đề ra và có thể điều chỉnh, thì tất cả các giải pháp như hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn cần phải thúc đẩy hiệu quả hơn.
Dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay 3,48 triệu tỷ đồng nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, sẽ lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.
Do vậy, trong Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý, hiến kế các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính "đòn bẩy - điểm tựa" để làm có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả tốt; coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công.
Hoàng Giang
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/cac-bo-nganh-hien-ke-giai-phap-mang-tinh-don-bay-diem-tua-de-dat-muc-tieu-tang-truong-375004.html