Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế diễn ra ngày 21/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu cấp bách duy trì tăng trưởng cao, bền vững từ nay đến năm 2045 để vượt bẫy thu nhập trung bình và thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Trong năm 2025, Việt Nam phải tiếp tục tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương; thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Bình luận về mục tiêu này, tại diễn đàn "Trái phiếu và tín nhiệm Việt Nam" do Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, thực sự Việt Nam muốn vươn mình cần phải có những mục tiêu đầy tham vọng như vậy.
Theo ông Tú Anh, năm 2025 có nhiều động lực để thúc đẩy nền kinh tế từ cả tổng cung và tổng cầu. Trong đó, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, thu hút vốn FDI khả quan với các dự án lớn ngay từ đầu năm. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 1/2025, Bắc Ninh đã thu hút hơn 1,48 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam có nhiều cú hích quan trọng để tăng trưởng bứt phá.
Bên cạnh đó, chương trình tinh gọn bộ máy Nhà nước theo Nghị quyết 18 không chỉ giúp giảm chi phí hành chính và đẩy nhanh quá trình ra quyết định mà còn giảm ma sát trong các hoạt động kinh tế. Nhờ đó nâng cao tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp.
Cũng theo ông Tú Anh, năm 2025, Việt Nam sẽ chứng kiến sự hoàn thiện của 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, hơn 270 dự án lưới điện cùng hàng trăm dự án trọng điểm khác. Việc cải thiện hạ tầng sẽ tạo động lực mạnh mẽ không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà còn giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, hàng loạt cải cách pháp lý quan trọng được triển khai, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Chứng khoán.
Theo ông Nguyễn Đình Duy - Chuyên gia phân tích cấp cao tại Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá, việc sửa đổi các luật này giúp tháo gỡ nút thắt trong đầu tư công, nâng cao tính minh bạch và cải thiện môi trường kinh doanh.
Với lĩnh vực bất động sản, ông Dương Đức Hiếu - Giám đốc, Chuyên gia phân tích cấp cao của VIS Rating nhìn nhận, việc sửa đổi 3 luật bất động sản chính: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã tạo ra tác độc tích cực rất lớn và mang tính bao trùm lên không chỉ ngành bất động sản mà còn các ngành khác có liên quan.
"Chúng tôi thấy rằng việc xây dựng khuôn khổ pháp lý ngành bất động sản một cách nhanh chóng kịp thời và đồng bộ cùng với việc triển khai quy hoạch một cách kịp thời sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, hoạt động phát triển dự án và cải thiện tâm lý thị trường, từ đó giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi của ngành bất động sản cũng như nền kinh tế nói chung", chuyên gia nêu.
Ngoài các yếu tố truyền thống, chuyển đổi số được xem là một động lực then chốt giúp nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý nhà nước. Cuối tháng 11/2024, Quốc hội đã ban hành Luật Dữ liệu để làm cơ sở cho quá trình chuyển đổi số, quá trình xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia, làm cơ sở để nâng cấp các hạ tầng số. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Quyết định 1132 về xây dựng hạ tầng số với những mục tiêu rất lớn.
"Hi vọng trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có một nền tảng hạ tầng số phát triển, tạo ra cơ sở vững chắc cho công nghiệp số như chúng ta sẽ phát triển được các trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu cho AI, trung tâm dữ liệu để hỗ trợ cho không chỉ Nhà nước mà doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Tú Anh nêu.
Theo chuyên gia, quá trình tinh gọn bộ máy đi đôi với chuyển đổi số sẽ giúp đẩy nhanh ra quyết định, giảm thủ tục hành chính, từ đó tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Nguyệt Minh