Liên tiếp các vụ việc shipper bị hành hung
Chân dung Nguyễn Minh Thu và Tống Anh Tuấn, hai người bị xử lý hình sự vì đánh shipper. Ảnh: Công an cung cấp
Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ
Ngày 30/3, Cơ quan Cơ quan điều tra CA tỉnh Bình Dương khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Thu (SN 1984, trú tại Ấp 1, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi cố ý gây thương tích. Theo điều tra, khoảng 13h45 ngày 20/3, anh T (SN 1999, quê ở Đắk Lắk, là nhân viên giao hàng) có đơn giao hàng đến đường ĐT746, Ấp 1, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên. Quá trình giao hàng giữa anh T và người phụ nữ nhận hàng có xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát nên anh T cầm đơn hàng lên xe bỏ đi.
Sau khi nghe vợ kể lại sự việc, đối tượng Nguyễn Minh Thu điều khiển ô tô đi tìm anh T để đánh. Khi tìm thấy anh T, Thu xuống xe, cầm theo một con dao dài khoảng 30cm đi đến chém một nhát vào đầu anh T gây thương tích rồi bỏ về. Sau đó, anh T được người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên sơ cứu, đến ngày 26/3 thì được xuất viện về nhà. CA tỉnh Bình Dương đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Trước đó, ngày 10/2, tại trước cửa nhà số 41B ngách 50/310 Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội đã xảy ra vụ lái xe ô tô du lịch đánh 1 nam shipper. Hình ảnh sự việc lan truyền trên mạng xã hội, khiến dư luận bất bình. Ngay sau khi nhận được thông tin, qua điều tra, CA quận Tây Hồ xác định đối tượng điều khiển ô tô, có hành vi đánh nam shipper là Tống Anh Tuấn. Cơ quan CA đã triệu tập người này lên làm việc. Tại đây, lái xe khai nhận hành vi vi phạm của bản thân. Qua đấu tranh, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, nguyên nhân chỉ vì xuất phát từ va chạm giao thông nhỏ nhưng đã phát sinh mâu thuẫn và dẫn đến việc đối tượng Tuấn đánh nam shipper bằng chân, tay, mũ bảo hiểm gây thương tích cho nạn nhân.
Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA quận Tây Hồ đã ra Quyết định khởi tố vụ án và ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Tống Anh Tuấn về hành vi cố ý gây thương tích để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Quy định của pháp luật
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi hành hung shipper không chỉ xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác mà còn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Do vậy, cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.
Các đối tượng hành hung, đánh đập shipper sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”. Theo đó, tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp gây thương tích nặng, người vi phạm sẽ đối diện mức án từ 6 tháng đến 20 năm tù, thậm chí chung thân nếu hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm, đánh vào vùng trọng yếu trên có thể của shipper, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì còn có thể xử lý về tội “Giết người” theo Điều 123, Bộ luật Hình sự. “Ngoài ra, trong các vụ việc trên, hoàn toàn đủ căn cứ khởi tố các đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Khung hình phạt được quy định ở khoản 2 Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015, với tình tiết tăng nặng là dùng hung khí nguy hiểm tấn công các nạn nhân” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.
Liên quan đến những vụ việc người giao hàng bị hành hung, thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, những hành động tưởng chừng chỉ là xung đột cá nhân đã khiến không ít người giật mình về xu hướng gia tăng bạo lực trong đời sống hiện đại. Đây không còn là những sự việc đơn lẻ mà đã trở thành dấu hiệu cảnh báo về cách ứng xử đầy bạo lực trong xã hội.
Nhìn lại hai vụ tấn công người giao hàng, có thể thấy rằng các hành vi bạo lực không còn là phản ứng tức thời mà đang dần trở thành “một cách giải quyết mâu thuẫn”. Những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong giao tiếp, thay vì được giải quyết bằng đối thoại, lại nhanh chóng leo thang thành xung đột nghiêm trọng.
Các vụ tấn công này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nạn nhân mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý đối với những người lao động trong ngành giao hàng. Đây là công việc vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, lừa đảo, nhưng giờ đây họ phải đối mặt với nỗi lo bị hành hung bất cứ lúc nào. Không chỉ giới hạn trong ngành giao hàng, những vụ việc này còn gây hoang mang trong cộng đồng, đặc biệt là khi các hành vi bạo lực ngày càng xảy ra ở nơi công cộng mà không có sự can thiệp kịp thời từ xung quanh.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai, theo thượng tá Đào Trung Hiếu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, DN, cộng đồng và chính bản thân những người làm nghề giao hàng. “Chính quyền và cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, đồng thời đẩy mạnh giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức ứng xử văn minh cho người dân. DN vận chuyển hàng hóa trang bị các công cụ hỗ trợ cho nhân viên giao hàng, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và xây dựng hệ thống phản ứng nhanh khi có sự cố.
Cần có chính sách bảo hiểm và hỗ trợ pháp lý để bảo vệ người lao động là người làm công việc giao hàng. Bản thân người làm nghề giao hàng cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống; không gây sự hoặc có hành động dẫn đến bức xúc cho những người liên quan” - thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Thái An