Vào tháng 3.2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mua 4 cá thể bọ biển khổng lồ từ Quy Nhơn và gửi 2 trong số đó cho Giáo sư Peter Ng thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian (thuộc Đại học Quốc gia Singapore) để xác định danh tính.
Trong số đó có một loài siêu khổng lồ thuộc Bộ chân đều mà các nhà khoa học chưa biết đến vào thời điểm đó. Cùng với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - chuyên gia nghiên cứu động vật không xương sống tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm của Ng và chuyên gia Conni M. Sidabalok từ Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia đã nghiên cứu các mẫu vật và phát hiện ra đây là một loài chưa được mô tả vào đầu năm 2023. Giáo sư Peter Ng và các đồng nghiệp vừa chính thức công bố một báo cáo khoa học mô tả loài bọ biển mới này.
Chân dung loài mới được phát hiện ở Việt Nam
Vì phần đầu của mai của loài vật này giống với chiếc mũ bảo hiểm khoa học viễn tưởng mang tính biểu tượng mà nhân vật Darth Vader trong Star Wars hay đội, các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loài “chân đều” khổng lồ này là Bathynomus vaderi.
Bộ chân đều gồm những loài giáp xác có cơ thể tương đối nhỏ với 7 cặp chân giống nhau về kích thước và hình dạng. Nhưng riêng Bathynomus vaderi được mua ở Quy Nhơn lại có kích thước khoảng 50 cm. Mặc dù kích thước khá lớn và có vẻ ngoài hung dữ, Bathynomus vaderi cũng như các loài thuộc bộ Chân đều sống ở biển sâu vô hại với con người, chúng ăn vật chất phân hủy giống họ hàng trên cạn như Armadillidiidae
Nặng hơn một kg, các loài thuộc bộ Chân đều khổng lồ như Bathynomus vaderi là một ví dụ về hiện tượng tăng trưởng kích thước dưới biển sâu. Đây là xu hướng của các loài động vật sống ở vùng nước sâu phát triển lớn hơn so với họ hàng ở vùng nước nông của chúng.
Sự tiến hóa tăng trưởng kích thước này có thể là do nhu cầu dự trữ thức ăn trong môi trường khan hiếm hoặc do áp lực từ nhiệt độ thấp hơn. Chúng ta có thể thấy bằng chứng cho điều này là những loài khổng lồ sống gần các vùng băng hà của Trái đất.
Các cá thể Bathynomus vaderi mà Ng và nhóm nghiên cứu đã kiểm tra được kéo lưới từ vùng nước sâu ngoài khơi Việt Nam gần quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Chúng khác với các loài đã biết trước đó như Bathynomus jamesi, loài mà các nhà nghiên cứu đã sử dụng để so sánh trong bài báo của họ.
Bên trái là Bathynomus vader và bên phải là Bathynomus jamesi
Những điểm khác biệt gồm các vạt 'đuôi' của Bathynomus vaderi không giống như ở Bathynomus jamesi (so sánh hình G và C). Các cạnh của phần cuối của Bathynomus vaderi cũng có nhiều gai hơn với các sợi lông cứng giữa các gai lớn hơn.
Nhóm bọ biển này được biết đến là đã được đánh bắt có chủ đích ở Việt Nam kể từ năm 2017. Chúng được cho là có vị tương tự như tôm hùm và hiện có giá khoảng 40 USD một kg.
Các nhà nghiên cứu giải thích: "Ngày nay, một số chợ hải sản ở Hà Nội, TP.HCM và Thành phố Đà Nẵng nuôi tới 30 cá thể trong các bể nước lạnh để khách hàng mua. Tuy nhiên, giá của những loài động vật này thay đổi khá nhiều do cung và cầu, và có thể đắt hơn nhiều nếu là hải sản ở các nhà hàng cao cấp".
Không rõ liệu Bathynomus vaderi có thường xuyên xuất hiện trên đĩa ăn các nhà hàng sang trọng hay không. Cho đến nay, loài bộ biển khổng lồ được nhìn thấy trong các nhà hàng được xác định là Bathynomus jamesi, dường như được đánh bắt từ cùng một khu vực với loài mới được xác định này.
Ng và nhóm nghiên cứu suy đoán: "Có thể Bathynomus vaderi có môi trường sống, phạm vi độ sâu hoặc phân bố hơi khác so với Bathynomus jamesi và những gì đánh bắt được phụ thuộc vào nơi từng thuyền đánh cá kéo lưới", đồng thời nhấn mạnh rằng chúng ta biết rất ít về những loài sống xa xôi này.
Trong bối cảnh con người tăng cường khai thác môi trường này để đánh bắt, khai thác dầu khí và khoáng sản, việc hiểu rõ hơn về đa dạng sinh học biển sâu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các nhà khoa học khuyến nghị cần phải tìm hiểu rõ hơn về những loài khổng lồ thuộc bộ Chân đều để đảm bảo chúng được khai thác một cách bền vững.
Anh Tú