Các nước châu Á phát triển kinh tế tư nhân thế nào?

Các nước châu Á phát triển kinh tế tư nhân thế nào?
một ngày trướcBài gốc
Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp to lớn vào những thành tựu gần 40 năm Đổi mới của Việt Nam.
Với hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, bao gồm khoảng 940.000 doanh nghiệp và trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân đang là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, khẳng định vai trò then chốt của khu vực này trong chiến lược phát triển quốc gia.
Không riêng Việt Nam, kinh tế tư nhân cũng đang là động lực phát triển của nhiều quốc gia.
Trung Quốc: Từ kiểm soát sang kiến tạo
Tại Trung Quốc, khu vực kinh tế tư nhân đang được chính quyền Bắc Kinh định vị lại như một “trụ cột của sức cạnh tranh quốc gia” trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị đối mặt với nhiều thách thức, ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Morgan Stanley, nhận định trên Reuters.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng Bắc Kinh đã có sự chuyển đổi 180 độ trong tư duy quản lý khu vực này.
“Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận, từ kiểm soát chặt chẽ sang kiến tạo có kiểm soát đối với kinh tế tư nhân”, ông nhận định.
Minh chứng rõ nét là vào giữa tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trực tiếp tham dự một hội nghị cấp cao với các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu. Sự kiện quy tụ những tên tuổi lớn như Jack Ma (Alibaba), Lôi Quân (Xiaomi), Mã Hóa Đằng (Tencent), Vương Truyền Phúc (BYD) và Nhậm Chính Phi (Huawei)...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân tại hội nghị ngày 17/2. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tại hội nghị, ông Tập khẳng định kinh tế tư nhân có “triển vọng rộng lớn” trong việc tạo ra của cải và cơ hội, nhấn mạnh đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào đổi mới công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% tổng thu ngân sách quốc gia, chiếm 60% GDP, 70% đổi mới công nghệ và tạo ra 80% việc làm tại các đô thị Trung Quốc. Tính đến năm 2024, nước này có hơn 55 triệu doanh nghiệp tư nhân, chiếm 92,3% tổng số doanh nghiệp đăng ký, theo China Daily.
Thực tế, đây từng là điều không tưởng ở Trung Quốc cách đây hơn 40 năm. Doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc chỉ thật sự bắt đầu được "cởi trói" vào giữa thập niên 1980.
Đây là bước ngoặt thay đổi tư duy, giúp Trung Quốc vươn lên từ một nước thu nhập thấp thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ đã tạo nên những “gã khổng lồ” như Alibaba, Tencent hay Huawei.
Sau vài năm siết quản lý do "sự khuếch trương tư bản vô trật tự" khiến doanh nghiệp tăng trưởng chậm, đầu tư giảm sút và tăng tỷ lệ thất nghiệp, Bắc Kinh lại đang quyết liệt lôi kéo các doanh nhân và mong muốn khu vực tư nhân thúc đẩy tăng trưởng trở lại.
Từ năm 2023, hàng loạt biện pháp được triển khai, bao gồm văn bản 31 điểm thúc đẩy kinh tế tư nhân. Ngoài ra, Trung Quốc còn thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm do Nhà nước dẫn dắt (GGF) để hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Sự thay đổi của thành phố Thâm Quyến - một trong 4 đặc khu kinh tế (SEZ) đầu tiên và được mệnh danh là "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Sau cuộc gặp tháng 2 của ông Tập, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đã chuẩn bị cho việc ban hành và thực hiện Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân trong đó bổ sung các điều khoản mới cấm các khoản phí và tiền phạt tùy tiện đối với các doanh nghiệp tư nhân, Tân Hoa Xã cho biết.
Báo cáo ngày 5/3 của NDRC cũng nêu rõ các nhà hoạch định chính sách có kế hoạch "mở rộng dự án cho vốn tư nhân trên cơ sở liên tục, bao gồm nhiều dự án lớn". Các lĩnh vực theo truyền thống có nhiều vốn đầu tư nhà nước hơn sẽ mở rộng cho tư nhân tham gia, bao gồm đường sắt, điện hạt nhân, bảo tồn nước, bảo vệ môi trường, kho bãi và hậu cần, các loại cơ sở hạ tầng mới và dịch vụ công.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cam kết cải thiện kênh huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu và vay ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhật Bản: Chú trọng nền tảng tài chính và tín dụng
Zaibatsu - các tập đoàn kinh tế gia đình đa ngành như Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo - là động lực chính giúp Nhật Bản vươn lên từ đống tro tàn sau Thế chiến thứ hai để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thập niên 1970.
Theo Japan Times, Zaibatsu hình thành từ thời Minh Trị (1868-1912), khi chính phủ Nhật Bản xây dựng các nhà máy quốc doanh trong ngành thép, đóng tàu, sau đó chuyển giao cho tư nhân với giá thấp, kèm vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Nhà máy Tsutsumi của Toyota Motor Corp tại thành phố Toyota, tỉnh Aichi (Nhật Bản) năm 2023. Ảnh: Reuters.
Định hướng của Nhật Bản là biến Zaibatsu thành “xương sống” kinh tế thông qua hỗ trợ tài chính và tín dụng. Sau Thế chiến, Zaibatsu được tái cấu trúc thành Keiretsu - mô hình hiện đại hơn, với sự dẫn dắt của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI). METI phối hợp với Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như ôtô, điện tử.
Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các khoản cấp tín dụng dài hạn, lãi suất thấp và bảo hộ thị trường nội địa, giúp các tập đoàn như Toyota, Sony mở rộng quy mô. Điển hình, ngành công nghiệp ôtô được ưu tiên phát triển linh kiện cấp I và II, giúp Nhật Bản vượt qua Mỹ vào năm 1967, trở thành nước xuất khẩu ôtô lớn thứ hai thế giới.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2023 cho biết khu vực tư nhân Nhật Bản đóng góp hơn 80% GDP, với 3,8 triệu doanh nghiệp, trong đó 99% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hỗ trợ mạng lưới Zaibatsu/Keiretsu.
Hàn Quốc “sát cánh” với chaebol
Tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc - từ một quốc gia nghèo khó sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), đã tạo nên “Kỳ tích sông Hán” nhờ chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, trong đó Samsung - chaebol lớn nhất - là biểu tượng tiêu biểu.
Theo Korea Herald, từ năm 1969, Samsung được chính phủ chọn làm “ngọn cờ đầu” trong kế hoạch công nghiệp hóa dưới thời Tổng thống Park Chung-hee cùng các chaebol khác như Hyundai và LG...
Học hỏi từ Zaibatsu của Nhật Bản, Samsung và các chaebol xây dựng mô hình đa ngành, từ điện tử, đóng tàu đến bảo hiểm, với công ty mẹ điều phối chiến lược.
Năm 1967, Kế hoạch Phát triển Kinh tế 5 năm đầu tiên được triển khai, đưa Hàn Quốc bước vào giai đoạn công nghiệp hóa thần tốc, tập trung phát triển các ngành chiến lược như thép, đóng tàu, hóa chất, điện tử tiêu dùng và ôtô.
Chính phủ khi đó triển khai loạt chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, chủ yếu thông qua các khoản vay ưu đãi dành cho xuất khẩu và các gói ưu đãi thuế.
Đặc biệt, việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy sự hình thành và tăng trưởng vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân.
Thành công thời kỳ đầu của các chaebol giúp người dân tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống và thúc đẩy xuất khẩu của quốc gia, New York Times cho biết.
Các lãnh đạo của 5 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc từ trái sang phải: Shin Dong-bin (Lotte), Koo Kwang-mo (LG), Euisun Chung (Hyundai), Chey Tae-won (SK) và Lee Jae-yong (Samsung). Ảnh: Yonhaps.
Hiện nay, khu vực tư nhân chiếm hơn 70% GDP Hàn Quốc, với 6,7 triệu doanh nghiệp. Trong đó, Samsung dẫn đầu, đóng góp gần 20% kim ngạch xuất khẩu. Theo Bloomberg, tính đến 5/2024, 5 chaebol lớn nhất chiếm hơn 52% doanh thu 82 tập đoàn hàng đầu của nước này.
Theo TS Trần Đình Thiên, hiện mô hình tư nhân Hàn Quốc là sự kết hợp của Nhà nước định hướng chiến lược, lấy kinh tế tư nhân làm nền tảng, các chaebol dẫn dắt tăng trưởng và sự cạnh tranh quốc tế làm động lực thúc đẩy.
Tuy nhiên, với sự ngày càng “bành trướng” của các chaebol, từ năm 2000, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) qua Quỹ Khởi đầu mới và giảm thuế để cân bằng hệ sinh thái kinh tế.
Chọn lọc theo thứ tự ưu tiên
Với Việt Nam, GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng một trong chính sách để phát triển kinh tế tư nhân là lập bản đồ cải biến các ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng đột phá, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Từ đó, Nhà nước sẽ tận dụng các doanh nghiệp tinh nhuệ để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và nâng cao giá trị gia tăng.
TS Nguyễn Quốc Việt cũng cho rằng trọng tâm của chính sách phát triển kinh tế tư nhân là sự chọn lọc. Không chỉ chọn lọc ngành, các công trình trọng điểm cũng cần ưu tiên phát triển theo giai đoạn, dựa trên nguồn lực thực tế.
Cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên mức độ đóng góp thực tế cho ngân sách, việc làm và xã hội
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
Việc đặt hàng doanh nghiệp thực hiện dự án phải minh bạch, với tiêu chí rõ ràng, ưu tiên các đơn vị có khả năng dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Đồng thời, phân loại doanh nghiệp theo quy mô để áp dụng chính sách phù hợp.
Chiến lược phát triển cần dựa trên đóng góp thực tế về ngân sách, việc làm, xã hội, đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Doanh nghiệp tư nhân phải được bảo vệ quyền tài sản, tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/cac-nuoc-chau-a-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-the-nao-post1542518.html