Vụ cháy trên giàn khoan Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico ngày 20/4/2010. Ảnh AFP
Thế nhưng, Vịnh Mexico – từng bị lãng quên – đang âm thầm trở lại cuộc chơi. Nhờ vào công nghệ hiện đại và chi phí khai thác ngày càng tối ưu trên các giàn khoan nước sâu hiện có, khu vực này đang chứng kiến một làn sóng đầu tư mới.
Gần đây nhất, Chevron chính thức đưa vào vận hành dự án Ballymore quy mô lớn vào ngày 21/4, với sản lượng dự kiến khoảng 75.000 thùng dầu/ngày – minh chứng rõ nét cho sự hồi sinh của khu vực này.
Vịnh Mỹ – tên gọi mới, vị thế mới
Sự trở lại của Vịnh Mexico còn được thúc đẩy bởi những chính sách hỗ trợ dưới thời chính quyền Trump, như tăng số lượng đợt đấu giá quyền khai thác ngoài khơi, và việc đổi tên khu vực này thành “Vịnh Mỹ” trong các tài liệu chính thức, cho thấy nỗ lực khẳng định chủ quyền năng lượng.
Dù số lượng doanh nghiệp hiện diện tại đây đã giảm, do quá trình sáp nhập và chi phí vận hành cao, những tên tuổi lớn như Chevron, Shell và BP vẫn đang mở rộng hiện diện, bên cạnh một số công ty độc lập như Murphy Oil, Talos Energy và LLOG Exploration.
“Điểm chung của các dự án hiện nay là đều hoàn thành đúng tiến độ, đúng ngân sách”, ông Bruce Niemeyer – Chủ tịch Chevron – chia sẻ với tạp chí Fortune. “Vịnh Mexico có lợi thế khai thác dầu với cường độ phát thải carbon thấp, mang lại nguồn năng lượng vừa đáng tin cậy, vừa thân thiện hơn với môi trường cho nước Mỹ”, ông nói thêm.
Hiện tại, sản lượng dầu từ Vịnh Mexico đang ở mức gần kỷ lục, khoảng 1,9 triệu thùng/ngày – chiếm khoảng 14% tổng sản lượng dầu thô toàn quốc (13,5 triệu thùng/ngày).
Thăm dò nước sâu – cuộc chơi mới của các tập đoàn lớn
Ông Jim Rogers – Phó Chủ tịch Công ty tư vấn Petrie Partners – nhận định: “Các tập đoàn dầu khí lớn đang bắt đầu mở rộng tầm nhìn toàn cầu, và quay lại với hoạt động thăm dò. Trong đó, khai thác nước siêu sâu tại Vịnh Mexico đang được xem là hướng đi mới đầy tiềm năng”.
Tuy vẫn còn những thách thức như thuế nhập khẩu thép và giá dầu không ổn định, nhưng theo ông Rogers, nhờ những tiến bộ vượt bậc về tối ưu chi phí, các dự án ngoài khơi giờ đây có thể cạnh tranh ngang ngửa với khai thác trên đất liền – dù số lượng nhà khai thác dầu nước sâu vẫn sẽ không tăng mạnh.
Dự án Ballymore – Cú hích mới của Chevron tại Vịnh Mexico
Ông Bruce Niemeyer, lãnh đạo phụ trách mảng thăm dò và khai thác khu vực châu Mỹ của Chevron, cho biết một trong những điểm ấn tượng nhất của dự án Ballymore là chỉ mất 3 năm để hoàn thành – tốc độ cực kỳ nhanh đối với một dự án dầu khí ngoài khơi phức tạp, trị giá hàng tỷ USD, lại nằm ở vùng nước sâu hơn 6.000 feet (gần 2.000 mét).
Dự án này do Chevron nắm 60% cổ phần, 40% còn lại thuộc về TotalEnergies (Pháp). Ballymore gồm 3 giếng dầu lớn được kết nối với giàn khoan Blind Faith hiện có, vốn đã được nâng cấp để xử lý thêm công suất mới tại khu vực nước sâu ở Vịnh Mexico.
Trước đó, Chevron cũng gây chú ý với dự án Anchor – dự án đầu tiên tại Vịnh Mexico được phát triển trong môi trường áp suất và nhiệt độ cực cao, đi vào vận hành vào mùa thu năm ngoái. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết bị có thể chịu được áp suất lên tới 20.000 PSI.
“Hiện nay Chevron là công ty duy nhất trên thế giới vận hành được ở điều kiện khắc nghiệt như vậy”, ông Niemeyer chia sẻ. “Còn với Ballymore, điểm thuận lợi là khu vực phát hiện dầu nằm gần hạ tầng sẵn có, nên chúng tôi tận dụng được giàn khoan hiện có, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí”, ông nói thêm.
Tái sử dụng hạ tầng – lựa chọn hiệu quả
Theo ông Miles Sasser – chuyên gia cấp cao tại hãng nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, việc tái sử dụng giàn khoan Blind Faith chính là chìa khóa giúp Chevron biến phát hiện Ballymore thành dự án thương mại hóa nhanh chóng và hiệu quả.
“Ban đầu giàn khoan này chỉ được thiết kế để xử lý dầu từ tầng đá thời kỳ Pliocene và Miocene, nhưng Chevron đã nâng cấp để xử lý được cả dầu từ tầng đá kỷ Jura (Norphlet). Nhờ đó, Chevron trở thành nhà khai thác thứ hai tại khu vực Norphlet, sau Shell”, ông Sasser nhận xét.
Không chỉ có Ballymore, gần đây Shell cũng vận hành dự án Whale, trong đó Chevron sở hữu 40%. Whale là ví dụ điển hình cho hiệu quả tiết kiệm chi phí nhờ áp dụng lại thiết kế từ dự án Vito trước đó, đưa vào khai thác hồi năm 2023.
Tuần trước, BP và Chevron cũng thông báo phát hiện thêm một mỏ dầu mới ở khu vực Far South thuộc Vịnh Mexico – cho thấy tiềm năng khu vực này vẫn còn rất lớn.
Bên cạnh đó, thương vụ Chevron mua lại Hess trị giá 53 tỷ USD (dự kiến hoàn tất trong quý III năm nay) sẽ giúp Chevron tăng thêm khoảng 30.000 thùng dầu tương đương/ngày tại Vịnh, củng cố vị thế của hãng tại đây.
Công nghệ và AI: Chìa khóa cho tương lai
Theo ông Niemeyer, Chevron đang áp dụng các công nghệ hình ảnh địa chất hiện đại kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả phân tích dữ liệu thăm dò dưới lòng đất. “Nhờ AI, chúng tôi phân tích dữ liệu nhanh và chính xác hơn. Mỗi khi có công nghệ mới được áp dụng thành công tại Vịnh, số lượng phát hiện dầu khí mới lại tăng rõ rệt”, ông chia sẻ.
Nh.Thạch
AFP