Bốc dỡ, phân loại hải sản tại cảng Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi.
Ngư dân Nguyễn Văn Leo, chủ tàu cá QNg 9055TS (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cho biết, ông tham gia Tổ đoàn kết sản xuất lưới vây thôn Định Tân 2 từ năm 2017. Tổ của ông có 5 tàu cá chuyên hành nghề lưới vây tại vùng biển Trường Sa. Việc khai thác theo tổ giúp ngư dân gắn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau nên những năm qua, các tàu cá luôn có lợi nhuận cao, thu nhập của các bạn tàu đạt khoảng 170 triệu đồng/người/năm.
“Trước đây chúng tôi đánh bắt riêng lẻ, thuyền nào biết thuyền đó nên nhiều khi gặp rủi ro phải tự giải quyết. Từ ngày tham gia tổ đoàn kết sản xuất trên biển, chúng tôi cùng nhau khai thác thủy sản, cùng hưởng lợi, nếu không may gặp sự cố trên biển, anh em cũng luôn giúp đỡ nhau”, ông Leo cho biết.
Tham gia vào tổ đoàn kết giúp ngư dân có thêm tự tin khi ra khơi, bám biển. Từ đó, họ mạnh dạn cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản. Ngoài ra, nhiều tổ còn phối hợp trong đánh bắt và dịch vụ hậu cần. Các tàu thường đi theo nhóm nên khi gặp ngư trường có sản lượng thấp, các chủ tàu có thể dồn sản phẩm cho một tàu vận chuyển về tiêu thụ. Do đó, chất lượng sản phẩm đảm bảo tươi, ngon và bán được giá, hiệu quả từng chuyến đi biển tăng lên.
Ông Nguyễn Tạo, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi chia sẻ: "Anh em chúng tôi hành nghề lưới vây, chuyên đánh bắt xa bờ. Để giảm bớt rủi ro, bất trắc khi vươn khơi, cả tổ thường vươn khơi cùng một ngày. Không chỉ hỗ trợ nhau trong sản xuất, mọi người nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật, nhất là các quy định về chống khai thác IUU. Do vậy, những năm qua chưa có tàu cá nào trong tổ bị phạt do tắt thiết bị giám sát hành trình hoặc vượt ranh giới vùng biển".
Khi về đất liền, các tổ đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ngư dân Ngô Thanh Phong, chủ tàu QNg 94888TS, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ cho hay, Tổ đoàn kết lưới vây Phổ Quang của ông có 12 tàu chuyên hành nghề lưới vây rút chì và lưới rê, bình thường sau mỗi phiên biển, mỗi tàu góp quỹ 300.000 đồng, những phiên biển thắng lớn, lợi nhuận cao thì có thể đóng 1-2 triệu đồng. Nhờ đó, sau 9 năm thành lập, tổ của ông đã có nguồn quỹ gần 250 triệu đồng. Nguồn quỹ này được dùng để thăm hỏi anh em khi đau ốm, gặp hoạn nạn hoặc hỗ trợ vốn để các thành viên trong hoặc ngoài tổ phát triển kinh tế bền vững.
Ngư dân Nguyễn Văn Lâm, phường Phổ Quang cho hay, từ năm 2022, thu nhập từ nghề biển của ông sụt giảm nhiều do làm ăn không thuận lợi. Dù không phải thành viên Tổ đoàn kết lưới vây Phổ Quang, nhưng khi biết được khó khăn của ông, cuối năm 2023, các thành viên trong tổ đã cho ông mượn 30 triệu đồng để mua sắm thêm ngư lưới cụ. “Số tiền này tuy không quá lớn nhưng rất ý nghĩa, giúp gia đình tôi có kinh phí mua sắm thiết bị để vươn khơi, là tấm lòng, sự sẻ chia của các anh em Tổ đoàn kết lưới vây Phổ Quang”, ông Lâm chia sẻ.
Tàu thuyền một tổ hợp tác sau chuyến vươn khơi tại Phổ Quang, thị xã Đức Phổ.
Quảng Ngãi có hơn 4.900 tàu cá tham gia khai thác hải sản trên biển, trong đó có 3.077 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Đến nay, địa phương đã hình thành hơn 300 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, với khoảng 2.000 tàu cá tham gia.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi Võ Văn Hải cho hay, các tổ đoàn kết sản xuất trên biển luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình vươn khơi bám biển khai thác hải sản, từ đó góp phần tăng sản lượng khai thác hằng năm, nâng cao thu nhập; tạo hiệu ứng tốt trong việc tuân thủ các quy định chống khai thác IUU, giúp ngư dân vững tin vươn khơi bám biển. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp cùng các địa phương nhân rộng các tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp tổ chức cho các chủ tàu, ngư dân thực hiện ký cam kết tuân thủ quy định trong hoạt động khai thác thủy sản.
Tin, ảnh: Đinh Hương (TTXVN)