Cách giáo dục con thành công từ các gia đình

Cách giáo dục con thành công từ các gia đình
6 giờ trướcBài gốc
Cách đây một thập kỷ, Susan Dominus đã bắt đầu viết tác phẩm về những anh chị em thành đạt, bao gồm, người đồng sáng lập kỳ lân công nghệ sinh học 23andMe Anne Wojcicki và hai chị em gái thành công của bà là Susan và Janet.
Gần đây, cuốn sách đó vừa được xuất bản. Đáng chú ý, The Family Dynamic: A Journey Into the Mystery of Sibling Success ra mắt chỉ vài tháng sau khi Ann Wojcicki từ chức CEO của 23andMe, sau khi công ty tuyên bố phá sản.
Ann Wojcicki gặt hái thành công với 23andMe. Ảnh: Inc Magazine.
Dominus chia sẻ với Fortune: "Việc mọi người có lúc thăng lúc trầm không làm giảm đi thành tựu của họ. Nhưng đó cũng là sự thừa nhận rằng thành công là thứ rất phù du ở một mức độ nào đó".
Dominus, 54 tuổi, tất nhiên không xa lạ gì với thành công. Bà không chỉ là giáo sư báo chí của Đại học Yale mà còn là biên tập viên của Tạp chí New York Times.
Tuy nhiên, khi đứng từ bên ngoài nhìn vào câu chuyện thành công của các gia đình, như gia đình Wojcicki, bà nhận ra sự khác biệt trong cách nuôi dưỡng họ phía sau cánh cửa đóng kín.
"Tôi thấy trong ngôi nhà của những người bạn thời thơ ấu, văn hóa gia đình rất chú trọng đến việc mở rộng kiến thức, thảo luận, suy nghĩ nhanh nhạy và thử thách trí thông minh của bạn", bà nhớ lại gia đình của một người bạn, khi người cha thường đặt ra nhiều câu hỏi phức tạp về toán học và logic tại bàn ăn.
"Tôi nghĩ điều đó khiến tôi tò mò. Liệu tôi có giỏi toán hơn nếu đây là một phần trong văn hóa gia đình của chúng tôi không? …Liệu tôi có thông minh hơn, tự tin hơn không, nếu tôi lớn lên trong môi trường như vậy?”, Dominus tự hỏi.
Những câu hỏi đó là cốt lõi của The Family Dynamic, cuốn sách đi sâu vào cuộc sống gia đình thời thơ ấu của những người thành đạt, bao gồm chị em nhà Brontë, gia tộc luật sư kiêm nhà hoạt động huyền thoại Holifield, chị em thẩm phán kiêm nhà hoạt động Mary và Janet Murguía, gia đình của tiểu thuyết gia Lauren Groff và những người anh chị em thành đạt của bà và gia đình Wojcicki.
Trong khi chính thức đặt bút viết cuốn sách này khoảng 10 năm trước, Dominus từ lâu đã dành nhiều sự quan tâm tới những gia đình này. "Tôi chỉ muốn biết họ như thế nào khi còn nhỏ, và cách tương tác của cha mẹ họ với họ ra sao", bà chia sẻ. Từ đó bà đúc rút ra một số bài học trong cuốn sách.
Thành công và cái giá phải trả
Ngoài việc mang lại danh tiếng, thành công cũng có thể đi kèm với cái giá phải trả rất đắt. Khi viết về tiểu thuyết gia Lauren Groff, Dominus nhận định: "Tham vọng của Lauren thúc đẩy bà ấy tiến lên, nhưng cũng làm xói mòn sự bình yên trong tâm trí. Có những đêm, nhiều nỗi lo lắng lấn át cả cảm giác của bà ấy về bản thân, khi Lauren nằm thao thức, đau khổ, tim đập thình thịch, không thể ngủ được do phải vật lộn với nỗi sợ hãi rằng công việc của mình quá tầm thường...".
"Sự thành công đi kèm rất nhiều thứ. Nó có thể khiến bạn tự phụ và bạn có thể mất liên lạc với những điều bạn quan tâm. Rất nhiều người bị trầm cảm ngay khi họ đạt được mục tiêu mà họ đã đấu tranh cả đời", Dominus nói về những cá nhân rất thành công.
Thước đo thành công không nói lên toàn bộ câu chuyện
Dominus cũng viết về một cặp chị em mà trong đó một “người làm việc năng nổ” và luôn chỉ trích người kia vì quá "mơ mộng". Nhưng đến khi trưởng thành, người làm việc năng nổ đó mới nhận ra người chị mơ mộng của mình lại trở thành một người sáng tạo rất thành công trong thế giới sân khấu. Họ có tài năng riêng phù hợp với thế giới của mình.
Cuốn sách ra mắt ngày 4/3. Ảnh: Amazon.
Đó là vì có xu hướng chỉ công nhận "một số thước đo thành công nhất định, chẳng hạn như phải thuộc về một tổ chức uy tín nào đó hoặc có "những chức vụ quan trọng được gắn với tên của bạn, chẳng hạn như CEO", Dominus viết.
"Có rất nhiều người tôi coi là rất thành công nhưng lại không có những thước đo kinh điển đó", Dominus nói.
Gần đây, khi được yêu cầu nêu tên người thành công nhất mà bà biết, bà đã nói đó là giáo viên mẫu giáo của con bà.
Tác giả chia sẻ: "Cô giáo ấy là người đã làm rất nhiều điều cho trẻ em và biến trường học thành niềm vui... Mọi người đều muốn cô ấy làm giáo viên mẫu giáo của con mình. Và tôi chỉ nghĩ, thật tuyệt".
Tinh thần lạc quan
Dominus đã tìm thấy một số điểm chung giữa những người mà bà phỏng vấn, trong đó có "tinh thần lạc quan trong gia đình", điều thường được truyền lại cho trẻ em. Ví dụ, Marilyn Holifield từng tuyên bố: "Mọi điều đều có thể" hay mẹ của chị em nhà Murgiás thường nói: "Với sự giúp đỡ của Chúa, mọi điều đều có thể".
Và thông thường, những bậc cha mẹ này đều đã trải qua rất nhiều khó khăn nên họ thực sự tin mọi điều đều có thể và họ truyền lại chính niềm tin đó cho con mình.
Dominus cho biết: "Patrick Brontë lớn lên trong một gia đình rất nghèo ở Ireland. Ông theo học tại Cambridge bằng học bổng và nỗ lực giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc rất mạnh đối với người Ireland vào thời điểm đó. Toàn bộ trải nghiệm sống của ông là 'mọi điều đều có thể'. Thế nên các con gái của ông cũng có suy nghĩ: Chúng ta sẽ viết một số tác phẩm văn học mang tính đột phá và khiến mọi người phải kinh ngạc”.
Điều này rất khác với cách tư duy trong các gia đình thông thường, ngay cả nhà của tác giả. Dominus bày tỏ: "Tôi luôn nói đùa rằng điều duy nhất tôi nhớ cha mình đã nói là: 'Nếu điều gì đó có vẻ quá tốt thì có lẽ chúng không có thật'. Nên giờ đây, tôi là một nhà báo với tâm lý rất hoài nghi".
Với những quan sát và trải nghiệm của mình, bà cho rằng môi trường nuôi dưỡng trẻ rất quan trọng. "Chúng ta biết có rất nhiều tài năng trên thế giới này không được công nhận tại nơi họ sống. Nên nếu trời phú cho bạn khả năng và môi trường sống cũng giúp nuôi dưỡng bạn thì bạn có nhiều cơ hội hơn để thành công”.
Minh Hoa
Nguồn Znews : https://znews.vn/cach-giao-duc-con-thanh-cong-tu-cac-gia-dinh-post1552870.html