Không quân Israel lâu nay được đánh giá là phi đội hàng đầu Trung Đông nhờ được trang bị phần lớn máy bay quân sự và đạn dược do Mỹ sản xuất. Năm 2024, Israel đã chứng minh dàn máy bay quân sự có thể tấn công bất kỳ đối thủ nào, đồng thời thiết lập ưu thế trên không chưa từng có ở khu vực.
Cụ thể, Israel đã tấn công các hệ thống phòng không do Nga và Iran sản xuất tại Iran, phá hủy các kho vũ khí tên lửa của nhóm vũ trang Hezbollah ở miền nam Lebanon, và tiêu diệt thủ lĩnh hàng đầu của Hezbollah bằng cuộc không kích chính xác nhằm vào trụ sở ngầm của ông này.
Tiêm kích F-15 của Không quân Israel. Ảnh: The Warzone
Đáng nói, sau sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar Assad vào tháng 12/2024, Israel đã nắm bắt cơ hội để liên tiếp không kích phá hủy phần lớn hệ thống phòng không và kho dự trữ quân sự của Syria.
Trong suốt 15 tháng giao tranh bắt đầu từ sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel vào tháng 10/2023, Không quân Israel đã nổi lên như một thế lực tối cao.
Trên thực tế, Israel từ lâu đã sở hữu lực lượng không quân hùng mạnh nhất ở Trung Đông. Đây là một trong những lực lượng mạnh nhất và tiên tiến nhất về mặt công nghệ trên thế giới. Nước này có hơn 600 máy bay và hơn 30.000 quân nhân đang hoạt động, cùng khoảng 50.000 quân dự bị. Vận hành đội bay F-16 lớn thứ 2 trên thế giới, Israel là quốc gia Trung Đông duy nhất đang sử dụng tiêm kích tàng hình F-35.
Không quân Israel chủ yếu dùng các máy bay do Mỹ sản xuất bao gồm trực thăng Apache và Black Hawk. Israel cũng sở hữu một phi đội lớn F-15 và gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá 5,2 tỷ USD để mua 25 biến thể F-15IA tiên tiến.
Mở đường tiếp cận không phận Iran
Israel đã không kích tầm xa quy mô lớn bằng máy bay quân sự và máy bay không người lái (UAV) vào Iran đêm 26/10/2024 nhằm trả đũa cho vụ phóng tên lửa trước đó của Tehran. Trước khi tấn công Iran, Không quân Israel đã nhắm mục tiêu vào một số hệ thống phòng không của Syria.
Cũng trong tháng 10 cùng năm, Không quân Israel đã tấn công các radar và cảm biến cảnh báo sớm ở Syria và Iraq, vốn là một phần trong mạng lưới mà Tehran thiết lập ở khu vực để phát hiện các cuộc tấn công sắp tới của Israel. Trong vụ việc, Không quân Israel đã sử dụng các loại đạn tầm xa bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ trên không. Thậm chí, một số máy bay của Israel được cho là đã xâm nhập vào không phận Iran.
Tiêm kích F-35 của Israel. Ảnh: IDF
"Theo những gì chúng tôi biết hiện tại, một số máy bay Israel đã tiến vào không phận Iran, nhưng không quá xa. Một phần là để chứng minh năng lực, một phần thể hiện khả năng tác chiến cần thiết để tấn công hiệu quả vào những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ ", ông Ryan Bohl tại công ty tình báo rủi ro RANE chia sẻ với Business Insider.
Israel cũng cho biết một số máy bay đã xâm nhập không phận Iran như tiêm kích tàng hình Lockheed Martin F-35 Lightning II, và các UAV tầm xa mới nhất.
Theo ông Sebastien Roblin, một nhà báo quân sự - hàng không, không rõ F-35 có thả vũ khí xuống Iran hay không. Nhưng việc F-35 xâm nhập không phận Iran có thể giúp Không quân Israel "xác định chính xác các mục tiêu quan trọng", và dẫn đường cho vũ khí được các máy bay khác phóng ở khoảng cách xa.
"Cuộc tấn công chắc chắn đã có tác dụng làm mất đi lợi thế răn đe của các hệ thống phòng không tiên tiến hơn của Iran như S-300 do Nga sản xuất”, ông Roblin cho biết.
Việc Israel phá hủy các thiết bị quân sự của quân đội Syria sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ được đánh giá có tác động lớn với Iran. Bởi nếu không phận Syria trở nên an toàn hơn, Israel có thể điều máy bay tiếp dầu tới gần không phận Iran hơn so với trước đây.
"Nếu hệ thống phòng không tầm trung/cao thực sự bị phá hủy hoàn toàn, về mặt lý thuyết, máy bay tiếp dầu của Israel có thể tiếp cận không phận Syria, và tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ, từ đó có thể thực hiện các cuộc tấn công lớn hơn vào Iran", ông Roblin nhận định.
Ông Bohl nói thêm, khi các hệ thống phòng không Syria bị phá hủy, "Israel hiện có bầu trời mở để tới Iran".
Trong khi đó, chính quyền mới ở Syria có thể phải mất nhiều năm nữa mới tái lập được các hệ thống phòng không. Theo ông Roblin, điều này có nghĩa “khả năng tấn công các mục tiêu theo ý muốn của Israel đã được cải thiện, mặc dù hiện đã quá đủ".
Với ảnh hưởng đang giảm của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẽ trở thành nước hậu thuẫn quân sự cho chính phủ mới ở Syria. Chính Ankara cũng đã đề nghị giúp Damascus tái thiết quân đội Syria.
"Hiện tại, Israel có thể bỏ qua Syria như một lớp phòng thủ cho Iran. Nhưng về lâu dài, các hệ thống phòng không của Syria sẽ được tái lập ở một mức độ nào đó. Và nếu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các hệ thống này, điều đó có thể làm phức tạp chiến lược của Israel trong khu vực theo một cách mới", ông Bohl nhận định.
Minh Thu