'Cách mạng' giao thông từ công nghệ số Bài 2: Sử dụng nhiều app hỗ trợ giao thông

'Cách mạng' giao thông từ công nghệ số Bài 2: Sử dụng nhiều app hỗ trợ giao thông
3 giờ trướcBài gốc
Để kiểm soát các hoạt động trên lĩnh vực giao thông, cũng như xóa dần “khoảng trống” từ hệ thống camera giám sát giao thông, thời gian qua, hàng loạt app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh dùng cho cả người dân và cơ quan chức năng đã được triển khai rộng rãi.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra giấy phép lái xe của người dân sau khi được tích hợp vào VNeID. Ảnh: Đ.Tùng
Đưa vào sử dụng nhiều app giao thông
Thời gian qua, quốc lộ 51 đoạn qua thành phố Biên Hòa thường xảy ra ùn tắc giao thông do đơn vị thi công tiến hành sửa chữa mặt đường nên mỗi khi có việc lưu thông trên tuyến đường này, anh Nguyễn Hữu Tài (ngụ phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa) lại mở app Đồng Nai-S để xem trực tiếp tình hình giao thông từ camera tại các giao lộ chính trên quốc lộ 51. Qua đó, anh xác định được các tuyến đường có ùn tắc hay không để chọn lộ trình di chuyển thích hợp.
Anh Tài cho hay, với điện thoại di động trên tay, người dân hiện nay có thể dùng nhiều app (do cơ quan nhà nước và các tổ chức tư nhân tạo ra) để thuận lợi khi có nhu cầu, công việc trong lĩnh vực giao thông. Điển hình như: app Buýt Đồng Nai (nắm bắt lộ trình hoạt động của hệ thống xe buýt trong tỉnh), app TTDK - đặt lịch đăng kiểm (đặt lịch đăng kiểm cho xe ô tô), app Đồng Nai-S (xem tình hình giao thông thông qua camera tại một số giao lộ lớn), app Google Maps (xem bản đồ giao thông hoặc tình trạng, mật độ phương tiện lưu thông trên đường)…
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuận (ngụ phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) đề xuất các cơ quan chức năng nên lập danh sách các app cần thiết, hỗ trợ người dân trong quá trình tham gia giao thông hoặc thực hiện dịch vụ trên lĩnh vực giao thông vận tải. Các danh sách này nên được đăng tải thường xuyên trước các dịp lễ, Tết, kỳ nghỉ dài ngày và làm thành pa-nô đặt trên các giao lộ lớn để người dân có thể nghiên cứu cài đặt.
Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đánh giá, thông qua các app theo dõi bản đồ, camera trên điện thoại di động, người dân có thể theo dõi, đánh giá tương đối tình trạng phương tiện đang lưu thông trên đường. Qua đó chủ động chọn lộ trình thích hợp để di chuyển, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và đảm bảo lộ trình di chuyển thông suốt.
Cùng với các app được người dân dùng rộng rãi, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đang sử dụng app VNeID chuyên dụng trên điện thoại để có thể kiểm tra tình trạng giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe… khi kiểm soát giao thông trên đường. Đồng thời, có thể tạm giữ giấy phép lái xe của người vi phạm trên môi trường điện tử.
Đặc biệt, riêng trên tuyến quốc lộ 1, trong năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc áp dụng app VNeCSGT để kiểm soát trật tự ATGT liên tuyến. Cụ thể, việc áp dụng công nghệ này giúp tránh chồng chéo trong việc kiểm soát phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông. Thông qua app VNeCSGT, các tổ cảnh sát giao thông sẽ nhanh chóng xác định phương tiện đã được kiểm tra trước đó hay chưa, thời gian, địa điểm kiểm tra để quyết định có thực hiện dừng phương tiện kiểm soát hay không (trừ các trường hợp phát hiện vi phạm trực tiếp).
Quản lý giao thông thuận tiện hơn
Các cơ quan chức năng đánh giá, khi sử dụng các app nói trên đã tiết kiệm thời gian, công sức cho cả người dân lẫn lực lượng chức năng, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số được các cơ quan chức năng tích cực thực hiện để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong mọi lĩnh vực, trong đó có ATGT.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc kiểm soát giao thông qua app VNeID, VNeCSGT giúp phát hiện các loại giấy tờ giả hoặc hành vi né tránh của người vi phạm khi đã bị tạm giữ các loại giấy tờ xe (bản chính) nhưng vẫn xuất trình bản đã tích hợp vào app VNeID. Cùng với đó, thông qua việc cập nhật và tích hợp thông tin liên tục, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc có thể dễ dàng truy xuất lịch sử vi phạm, tình trạng đăng ký của phương tiện, từ đó nâng cao khả năng giám sát và xử lý vi phạm.
Cục Cảnh sát giao thông đánh giá, việc này sẽ hạn chế việc dừng một phương tiện nhiều lần, liên tục, gây phiền hà cho người điều khiển phương tiện và người ngồi trên xe. Qua đó, giúp rút ngắn thời gian kiểm soát, kiểm tra của lực lượng chức năng, của doanh nghiệp và người điều khiển phương tiện; tiết kiệm vật tư tiêu hao phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát.
Người dân xem tình hình giao thông trực tuyến tại các giao lộ lớn thông qua app Đồng Nai-S.
Tại Đồng Nai, trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh từ ngày 31-8 đến hết ngày 3-9-2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã ứng dụng app VNeCSGT trong tuần tra kiểm soát liên tuyến, tập trung trên tuyến quốc lộ 1. Qua đó, đã dừng hơn 1,4 ngàn phương tiện để kiểm soát, lập biên bản vi phạm với 493 phương tiện; xử phạt số tiền ước tính 438 triệu đồng, tước 49 giấy phép lái xe, tạm giữ 69 phương tiện.
Cùng với đó, nhờ sự tiện lợi của các app mà hiện nay đã hình thành thói quen thường xuyên kiểm tra, cập nhật thông tin, hình ảnh từ các app trước khi tham gia giao thông ở nhiều người dân, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, khi tình trạng ùn tắc giao thông có thể xuất hiện đột ngột tại các nút giao trọng điểm.
Tài xế Vũ Tiến Dũng (ngụ huyện Cẩm Mỹ) cho biết, mỗi khi có việc đi chở hàng xa, dù đã quen đường nhưng anh vẫn mở Google Maps ra xem hoặc một app tương tự có thể xem tình hình giao thông trên đường. Điều này giúp anh chủ động phát hiện điểm ùn tắc giao thông để chọn tuyến đường phù hợp.
Đáng nói, với tiêu chí tiết kiệm thời gian, công sức, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, một số app đã được cơ quan chức năng bổ sung tính năng mới hoặc ra mắt vào thời điểm “nóng”. Như trong giai đoạn đầu năm 2023, khi tình trạng ùn tắc tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới xuất hiện trên cả nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã đưa vào sử dụng app TTDK - đặt lịch đăng kiểm giúp người dân chủ động chọn thời gian, đơn vị đăng kiểm phù hợp. Hay từ ngày 1-8, chủ xe là công dân Việt Nam có thể bấm biển số trên app VNeID khi đăng ký xe lần đầu đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước thay vì tới cơ quan chức năng như trước đây.
Để các app trên hoạt động hiệu quả hơn, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh đã liên tục có các văn bản hướng dẫn, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng, thao tác trên app. Các cơ quan chức năng kỳ vọng người dân sẽ dần quen với việc thao tác trên môi trường điện tử, từ đó tiết kiệm thời gian và minh bạch hóa các thủ tục, hoạt động trong lĩnh vực giao thông.
Đăng Tùng
>>> Bài 3: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tạo đột phá trong giao thông
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/cach-mang-giao-thong-tu-cong-nghe-so-bai-2-su-dung-nhieu-app-ho-tro-giao-thong-8890898/