Cách Nga khai thác lỗ hổng từ mạng lưới Starlink của Mỹ để áp đảo Ukraine

Cách Nga khai thác lỗ hổng từ mạng lưới Starlink của Mỹ để áp đảo Ukraine
21 phút trướcBài gốc
Cách Nga khai thác lỗ hổng của mạng lưới Starlink
Những thiết bị đầu cuối của Starlink, cung cấp cho các chỉ huy chế độ quan sát trực tiếp diễn biến trên chiến trường bằng máy bay không người lái và đảm bảo sự liên lạc an toàn giữa các binh sỹ, đã nằm trong lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ sang Nga. Tuy nhiên, có một thị trường chợ đen Starlink đang phát triển mạnh mẽ đưa các thiết bị đầu cuối đến tay người Nga ở tiền tuyến và sự phổ biến của chúng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Nga gặt hái được nhiều thành quả trong thời gian gần đây, các binh sỹ Ukraine cho biết.
Lính Ukraine sử dụng thiết bị vệ tinh Starlink ở Kreminna ngày 6/1/2023. Ảnh: Reuters
Hàng chục nghìn thiết bị Starlink đã tạo thành xương sống của mạng lưới quân sự Ukraine, cung cấp internet cho các thiết bị quan trọng mà Kiev sử dụng để chiến đấu trong một cuộc chiến kỹ thuật số. Đây cũng là một trong số ít lợi thế về công nghệ mà Ukraine có được so với lực lượng Nga.
Việc tiếp cận mạng internet mạnh mẽ và đáng tin cậy trên chiến trường thông qua vệ tinh Starlink đã hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động của Ukraine. Thay vì mất vài phút liên lạc như trước đây, các lực lượng nước này chỉ cần mất vài giây với thao tác vuốt máy tính bảng chứa bản đồ chi tiết và chương trình trò chuyện. Khả năng kết nối tốt cho phép các chỉ huy chiến trường chỉ đạo các cuộc tấn công bằng nguồn cấp dữ liệu trực tiếp từ máy bay không người lái, điều chỉnh tọa độ pháo binh bằng cách xem các tác động và đánh giá nơi đối phương dễ bị tấn công nhất.
Nhưng một số binh sỹ và sĩ quan Ukraine từ các đơn vị khác nhau trên khắp khu vực Donetsk nói với Washington Post rằng, Nga đã thu hẹp khoảng cách công nghệ, giúp lực lượng của họ gắn kết hơn và tăng cường số lượng cũng như độ chính xác của các cuộc tấn công.
Vấn đề này đã làm dấy lên sự thất vọng của Ukraine đối với ông Elon Musk, giám đốc điều hành của SpaceX chuyên cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink. Một số binh lính Ukraine đã chỉ trích SpaceX, cho rằng công ty này không hành động quyết liệt để trấn áp việc sử dụng thiết bị đầu cuối Starlink bất hợp pháp đồng thời cho rằng ông Elon Musk dường như có quan điểm nghiêng về phía Nga.
SpaceX đã cung cấp dịch vụ intetnet Starlink miễn phí cho Ukraine sau khi xung đột nổ ra vào năm 2022 nhưng sau đó đe dọa sẽ cắt dịch vụ sau do những cuộc cãi vã với các nhà ngoại giao về vấn đề chi phí. Ông Elon Musk đã nhượng bộ dưới áp lực của công chúng và sau đó gửi hóa đơn tới Lầu Năm Góc, gần đây nhất là hóa đơn thanh toán tổng cộng 14,1 triệu USD cho dịch vụ kéo dài 6 tháng, dự kiến hết hạn vào tháng 11/2024.
Ông Elon Musk cũng bị Ukraine chỉ trích sau những báo cáo rằng ông đã từ chối yêu cầu của Kiev cho phép máy bay không người lái trên biển tiếp cận Starlink để thực hiện một cuộc tấn công được lên kế hoạch vào năm 2022 nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga.
Nếu như trước đây, quân đội Nga chủ yếu dựa vào radio để truyền đạt thông tin và hành động trong các trận chiến – một quá trình trao đổi chậm chạp hơn nhiều so với việc sử dụng internet vệ tinh, thì giờ đây, Nga cũng dùng thiết bị Starlink tương tự như cách thức của Ukraine, các binh sỹ Ukraine cho biết.
“Họ đang áp đảo chúng tôi”, một sĩ quan thuộc Lữ đoàn cơ giới số 72 cho biết. Lữ đoàn 72 từng bảo vệ Ugledar từ năm 2022 nhưng đã phải rút lui trong thời gian gần đây do các đợt tấn công dữ dội của Nga. Sỹ quan này cho rằng, việc Nga sử dụng internet vệ tinh Starlink cùng với việc Ukraine thiếu hụt nhân lực và vũ khí nghiêm trọng đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ phòng tuyến tại Ugledar.
Thiết bị đầu cuối của Starlink bị mua bán tràn lan
Ukraine và Mỹ đang gặp khó khăn trong việc ngăn chặn Nga sử dụng Starlink, đặc biệt là khi xét đến thành công của Moscow nhằm né tránh các lệnh trừng phạt và những thách thức kỹ thuật trong việc từ chối quyền truy cập vào mạng Starlink mà không gây ảnh hưởng đến quân đội Ukraine.
Chính phủ Mỹ và Ukraine đang hợp tác với SpaceX để "ngăn chặn việc Nga sử dụng trái phép các thiết bị đầu cuối Starlink ở Ukraine. Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ đặc biệt tập trung vào "các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt tiềm tàng liên quan đến nỗ lực buôn lậu xuyên quốc gia", Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Charlie Dietz cho biết.
Trong thông điệp đăng tải vào tháng 2/20224, SpaceX tuyên bố sẽ vô hiệu hóa các thiết bị đầu cuối của Stralink nếu “bên bị trừng phạt sử dụng trái phép các thiết bị này”.
Theo Starlink, hiện tại, người dùng có thể mua thiết bị đầu cuối với giá vài trăm USD và trả phí hàng tháng cho dịch vụ tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, không bao gồm Nga. Người dùng hướng thiết bị đầu cuối lên bầu trời và kết nối với internet băng thông rộng từ một trong hơn 7.000 vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất thấp.
Chính phủ Mỹ ngày càng sử dụng nhiều thiết bị Stralink để thực hiện các hoạt động quân sự của nước này. Ông Clare Hopper, người đứng đầu Văn phòng Truyền thông Vệ tinh Thương mại của Lực lượng Không gian Mỹ cho biết: "Điều đó mang tính cách mạng đối với chúng tôi".
Các thiết bị đầu cuối Starlink được cho là giúp Nga mở rộng vị trí trong suốt thời gian dài, nhưng chỉ trong vài tháng qua, tác động của chúng mới thực sự thể hiện rõ, vì quân đội Nga sử dụng chúng để phối hợp các cuộc tấn công. Lực lượng Ukraine điều khiển máy bay không người lái trinh sát gần Novohrodivka, phía đông nam thành phố chiến lược Pokrovsk ở Donetsk, cho biết, họ đã nhìn thấy thiết bị Starlink trên chiến tuyến của Nga từ tháng 9/2024.
“Trước đây, Nga gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát một số hoạt động di chuyển, diễn tập, pháo binh, bộ binh”, một chỉ huy trung đội máy bay không người lái thuộc Lữ đoàn cơ giới số 93 của Ukraine có biệt danh Eugene cho biết. Binh sỹ này nói rằng, sau khi xâm nhập hoặc phá tín hiệu vô tuyến của Nga họ thấy binh sỹ Nga đôi khi báo cáo thông tin không đầy đủ hoặc thông tin sai cho chỉ huy. Nhưng điều này đã thay đổi, ông Eugene lưu ý.
“Bây giờ họ đã cải thiện được thông tin liên lạc và thật không may với Ukraine, điều này đã xảy ra”, chỉ huy Eugene nhấn mạnh.
Mỹ và Ukraine bất lực?
Starlink có thể vô hiệu hóa các thiết bị đầu cuối riêng lẻ dựa trên số ID của chúng và chặn tín hiệu các khu vực không nhận được chấp nhận - một hoạt động được gọi là "rào địa lý", Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) của Mỹ cho biết.
Một nguồn thạo tin lưu ý, công ty SpaceX có khả năng xác định vị trí của các thiết bị đầu cuối dựa trên tiếng ping của chúng trên vệ tinh, nhưng rất khó phân biệt người dùng ở vùng chiến sự - nơi quân đội Ukraine và Nga đang giao tranh.
Stacie Pettyjohn, giám đốc chương trình quốc phòng của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cho biết nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Nga sử dụng thiết bị Starlink "có vẻ như không hiệu quả", một phần là do các tuyến đầu đang thay đổi.
"Nga vẫn đang tiến công tại Ukraine, trong khi các lực lượng Kiev giờ đã hiện diện trên lãnh thổ Nga. Vậy tuyến đầu chính xác ở đâu? Nếu có một ranh giới được vạch ra về nơi nào lực lượng Ukraine hoạt động và nơi nào họ không hoạt động thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn”, bà Stacie Pettyjohn lưu ý.
Về phần mình, quân đội Ukraine cho biết, họ cũng lo ngại việc bị từ chối quyền truy cập internet vệ tinh ở các khu vực địa lý vì điều này có thể khiến thiết bị đầu cuối của họ dừng hoạt động. Trên thực tế, sau khi xâm nhập tỉnh Kursk của Nga vào tháng 8/2024, quân Ukraine nhận thấy các thiết bị đầu cuối của họ không hoạt động. Đáng chú ý là họ đã sớm tìm ra giải pháp thay thế để đưa tiếp tục đưa chúng hoạt động trở lại - có lẽ là phương pháp tương tự mà Nga đã triển khai. Một phi công vận hành UAV của Ukraine tại Kursk cho biết, việc ngắt quá trình cập nhật phần mềm và điều chỉnh cài đặt GPS có thể khiến thiết bị của họ hoạt động ở Nga.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Washington Post
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cach-nga-khai-thac-lo-hong-tu-mang-luoi-starlink-cua-my-de-ap-dao-ukraine-post1128238.vov