Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.
Đảm bảo tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, người dân đang mong đợi việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng một số luật liên quan tới sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Giữa tháng 6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đồng thời trình Quốc hội việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh vào ngày 24/6/2025. Các nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 và tới ngày 15/8/2025, các địa phương phải sắp xếp xong tổ chức, bộ máy.
Khẳng định đây là những nội dung hết sức quan trọng, liên quan tới việc quản lý, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại các địa phương, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, phải đảm bảo tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề đạt tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030.
Về công tác xây dựng thể chế, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ, tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Chỉ trong thời gian ngắn, hai dự thảo nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được xây dựng và sau đó được thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao.
Điều này cho thấy tinh thần làm việc hết sức tích cực, khẩn trương của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết này để phấn đấu đạt tăng trưởng trên 8% trong năm 2025.
Đưa ra các giải pháp căn cơ để tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế
Cũng nhấn mạnh về công tác xây dựng thể chế, pháp luật, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) dẫn đánh giá của Chính phủ chỉ rõ một số tồn tại như hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu, chưa đầy đủ theo đúng quy định… chưa đúng thời gian theo quy định…, hay sửa đổi cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính được quan tâm nhưng còn chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Một số thủ tục mới ban hành có nguy cơ tăng thủ tục hành chính…
Từ đó, Đại biểu đề nghị, cần tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, từ đó làm cho thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà là “đột phá của đột phá”.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quốc hội đã, đang và sẽ ban hành nhiều luật theo hình thức một luật sửa nhiều luật; một luật được sửa đổi, bổ sung ở nhiều luật có liên quan. Theo đó, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được sửa đổi, bổ sung, nhưng tình trạng “nợ” các văn bản hướng dẫn vẫn còn.
Vì vậy, cần quyết liệt, cương quyết hơn nữa trong việc bảo đảm trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành và hợp nhất văn bản để hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Trong khi đó, nhấn mạnh việc Quốc hội ngày 17/5/2025 vừa qua đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) đánh giá đây là một bước tiến quan trọng mang tính đột phá về tư duy quản lý và thiết kế thể chế nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phát huy hiệu quả ngay từ những tháng còn lại của năm 2025, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
Để biến mục tiêu cải cách từ khẩu hiệu thành hành động thực chất, Đại biểu cho rằng cần một cuộc “đại phẫu” thể chế để tạo môi trường thuận lợi thực chất cho kinh tế tư nhân.
Từ bài học “Khoán 10” trong nông nghiệp, đại biểu nhấn mạnh nền kinh tế cần một “Khoán 10 mới” cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục hành chính cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể.
Đồng thời, cần mạnh dạn thí điểm cơ chế “giấy phép im lặng” – nếu cơ quan nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai. Cơ chế này áp dụng trước cho các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án qui mô nhỏ... nhằm thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy từ “xin - cho” sang “cam kết - chịu trách nhiệm”.
Đặc biệt, Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”, chỉ xử lý hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, có lỗi cố ý và gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần giải phóng sức sản xuất của doanh nghiệp tư nhân.
Tường Minh