Cải tạo chung cư cũ chờ thay đổi từ cơ chế mới

Cải tạo chung cư cũ chờ thay đổi từ cơ chế mới
3 giờ trướcBài gốc
Công tác cải tạo chung cư cũ thời gian qua vẫn còn chậm. Ảnh:VA
Vào cuối năm 2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định về “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”, tuy nhiên đến nay các chung cư cũ vẫn ngổn ngang chưa có thời hạn cải tạo.
Tiến độ còn chậm
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đang tổng hợp để hoàn thiện báo cáo 3 năm thực hiện Đề án cải tạo chung cư cũ để gửi UBND TP. Hà Nội, nhưng tiến độ chung đang chậm. Hiện các quận, huyện đang tập trung vào kiểm định và lập quy hoạch chi tiết.
Có thể thấy, vấn đề cải tạo chung cư cũ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm trong suốt thời gian qua. Riêng tại Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, trong đó gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, thành phố còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960 - 1994 và trước năm 1954.
Từ năm 2005, Hà Nội đã bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.
Để tìm ra giải pháp hiệu quả thực hiện lại là một “bài toán” khó, thậm chí còn khó hơn phát triển nhà ở xã hội, theo các chuyên gia.
Bà Tô Thị Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã từng chia sẻ rằng, việc cải tạo chung cư cũ gặp nhiều thách thức bởi nó ảnh hưởng tới hàng ngàn, hàng vạn người dân đã sống nhiều năm tại các chung cư cũ. Cơ chế phù hợp để người dân đồng thuận di dân và tạo điều kiện giải phóng mặt bằng vẫn chưa được xác định.
Một trong những nút thắt lớn là người dân luôn mong muốn một hệ số đền bù cao thì mới đồng thuận di dời. Trái ngược với điều đó, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia lại cần một cơ chế hấp dẫn để có thể thu hồi nguồn vốn. Khoảng cách để hài hòa các lợi ích được cho là nguyên nhân khiến chủ trương này còn chậm được đẩy mạnh.
"Doanh nghiệp không được thoải mái xây dựng, không được đưa cư dân mới vào ở sau khi dự án được cải tạo. Như vậy, doanh nghiệp không thể đủ chi phí vốn để cải tạo. Hai nút thắt này khiến doanh nghiệp không thể cân đối trong việc thu hồi vốn, trong khi Nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong điều tiết những vấn đề này", bà Tô Thị Hạnh nhận định.
Thay đổi từ cơ chế mới
Sau khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Trong đó có quy định Nhà nước bố trí kinh phí kiểm định nhà chung cư, lập quy hoạch; bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện dự án, cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư.
Đánh giá về cơ chế cải tạo chung cư cũ, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết cơ chế đã hấp dẫn hơn trước rất nhiều. Theo đó, chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư cũ được hưởng lợi nhuận từ 10 - 15%, không cố định 10% như trước đây. Doanh nghiệp được chọn làm chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ được đề xuất điều chỉnh dự án như tăng thêm số tầng dự án.
Một điểm đáng lưu ý nữa trong chính sách cải tạo chung cư cũ thời gian tới, ông Châu cho là cơ chế quy gom các nhà tập thể nhỏ lẻ, không thể xây dựng lại tại chỗ, tạo điều kiện cho cư dân tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, địa bàn quận.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS đánh giá, những quy định mới tại Luật Nhà ở năm 2023 liên quan đến công tác cải tạo chung cư đã có tính thực tế và rõ ràng hơn nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải tạo, tạo bộ mặt đô thị khang trang trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu hội nhập phát triển.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, LS Quách Minh Trí - Công ty Luật TNHH Passio Lawyers cho rằng, nhìn chung các quy định mới đã có những điều chỉnh thích hợp để đảm bảo được sự hài hòa lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên trên thực tế mức độ hài hòa lợi ích của các bên không chỉ dừng lại ở các quy định pháp luật mà còn phụ thuộc vào tinh thần, thái độ và sự hợp tác của các bên trong quá trình thực thi các quy định mới để thúc đẩy tiến trình cải tạo chung cư cũ được diễn ra một cách nghiêm túc, nhanh chóng, hiệu quả và chất lượng”.
“Dù vậy vẫn cần lưu ý một số vấn đề như sau: Thứ nhất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung tích hợp thông tin về các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vào một cơ sở dữ liệu chung để quản lý, theo dõi và công khai, tạo sự minh bạch. Thứ hai, nên xem xét xây dựng các tiêu chí đánh giá rõ ràng về chất lượng công trình, tiến độ dự án và các chế độ báo cáo về cơ quan quản lý nhà ở nơi có nhà ở chung cư cần cải tạo, xây dựng lại” – theo vị luật sư.
Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/cai-tao-chung-cu-cu-cho-thay-doi-tu-co-che-moi.html