Chiều 12/7, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Nội dung bao quát nhiều lĩnh vực nhưng chỉ đạo “loại bỏ xe máy xăng” ngay trong 1 năm tới tại Hà Nội gây sự chú ý lớn nhất.
Theo đó, từ tháng 7/2026, xe máy chạy xăng sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Đây chắc chắn là một “cú hích lớn” cho giấc mơ về giao thông sạch với những “con đường xanh” của Hà Nội - điều tưởng chừng đã nằm mãi trên giấy.
Bất ngờ nhưng… thấu hiểu
Ông Lê Thế Thuận, 65 tuổi, sống ở ngõ 35, Cát Linh, quận Đống Đa kể, ông mới mua chiếc xe máy Honda Vision vào sáng thứ 7 vừa qua để đưa đón, chở cháu đi học. Tuyến đường quen thuộc của ông thuộc Vành đai 1.
Nhận xe buổi sáng thì buổi chiều, Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng được công bố với thông tin “loại bỏ xe máy xăng” ngay trong năm tới.
“Lúc mua, tôi chưa nghe gì cụ thể về cấm xe máy xăng nhưng thấy việc này nói mãi từ mấy năm rồi. Thông tin đưa ra khá bất ngờ, nhưng nếu thành phố làm thật, tôi ủng hộ. Thành phố có lộ trình rõ ràng và có chính sách hỗ trợ tốt, tôi sẵn sàng đổi sang xe điện”, ông Thuận nói.
Xe máy xăng vẫn đang là phương tiện đi lại phổ biến của người dân Hà Nội. Ảnh: Phạm Huyền
Sống ở ngõ Văn Hương, phố Tôn Đức Thắng, chị Nguyễn Thị Liên, 50 tuổi, hàng ngày phải đi làm qua phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Lê Duẩn. Công việc của chị là làm giúp việc theo giờ với mức thu nhập chỉ khoảng 10 triệu/tháng. Chiếc xe máy gắn bó với chị nhiều năm nay là một chiếc Honda Lead cũ đã 13 năm tuổi.
Chị nói, giọng lo lắng: “Tháng nào làm thì biết tháng đó chứ không dư dả gì. Giờ thành phố quyết tâm siết lại việc sử dụng xe xăng thì tôi chắc chắn phải đổi sang xe điện. Nhưng giờ, giá xe máy điện vẫn còn cao, trong khi chiếc xe Lead vẫn đang sử dụng tốt. Tôi chỉ mong thành phố sớm công bố chính sách hỗ trợ cho người dân yên tâm”.
Tâm sự của những người như chị Liên, ông Thuận không đơn độc. Trên các diễn đàn, mạng xã hội hai ngày qua, nhiều người dân thể hiện tâm trạng vừa ngỡ ngàng, vừa mong mỏi và không ít băn khoăn. Ai cũng hiểu vì sao Hà Nội phải cấm xe xăng. Không chỉ Hà Nội, TP.HCM cũng đang lấy ý kiến nhân dân về phương án hạn chế xe xăng tương tự như Hà Nội. Phần lớn, người dân đều ủng hộ. Nhưng đồng thời, họ cũng chờ đợi một kế hoạch chuẩn bị rõ ràng hơn để không ai bị “bỏ rơi giữa cuộc cách mạng xanh”.
Không thể trì hoãn
Thật ra, Hà Nội đã nhiều lần lên kế hoạch cho việc này. Nghị quyết hạn chế xe máy đã được HĐND thành phố thông qua từ năm 2017 (Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”). Từ đó đến nay, đã gần 10 năm, không ít lần kế hoạch bị trì hoãn, điều chỉnh, thậm chí gần như rơi vào quên lãng.
Chúng ta có thể cảm thông vì đây là một bài toán phức tạp, liên quan trực tiếp đến sinh kế, tài sản, quyền di chuyển, và năng lực quản trị đô thị. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, mỗi năm trì hoãn là một năm thành phố chìm sâu hơn vào khói bụi, tiếng ồn và hệ lụy môi trường không thể đo đếm.
Các nghiên cứu đầu tiên của nhiều nhà khoa học, như GS Phạm Duy Hiển và GS Nguyễn Thị Kim Oanh, đã cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 tại Hà Nội trong giai đoạn 2002–2005 ở mức rất cao, vượt cả nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia… trong khi PM10 lại nằm top đầu khu vực. Một khảo sát tại 96 điểm đo trong năm 2007 chỉ ra lượng NO₂, PM2.5, PM10 tại nội thành có dấu hiệu vượt ngưỡng và đặc biệt, PM10 tại Hà Nội lên đến 80 µg/m³, gấp đôi mức đo được tại Bangkok cùng thời điểm.
Trong thập kỷ 2010-2020, mức trung bình hàng năm chất ô nhiễm bụi như PM2.5 và PM10 vẫn vượt Quy chuẩn quốc gia (QCVN 05). Sự tăng trưởng dân số, đô thị hóa, giao thông quá tải và các hoạt động công nghiệp - xây dựng là nguyên nhân chính. Năm 2022-2023, PM2.5 của Hà Nội trung bình dao động từ 26–52 µg/m³, vượt chuẩn quốc gia 1,1–2,1 lần.
Năm 2024, Hà Nội xuất hiện 4 đợt ô nhiễm nghiêm trọng tập trung vào mùa đông – xuân. Thậm chí có ngày đầu 2025, chỉ số PM2.5 của Hà Nội được xếp là “nguy hại”, lên đến 266 µg/m³, cao nhất toàn cầu.
Hà Nội thường xuyên ùn tắc giao thông với mật độ xe máy dày đặc kín đường. Đây là nguyên nhân chính gây ra bụi mịn cao ở thành phố. Ảnh: Hoàng Hà
“Không thể trì hoãn quá lâu”, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) hôm 9/6 về giải pháp chuyển đổi xe máy chạy bằng xăng, dầu diesel… sang xe máy điện.
Khẳng định quyết tâm triển khai kế hoạch hạn chế xe máy tại 4 quận nội đô, ông Trần Sỹ Thanh nói: “Nếu không quyết tâm thì không biết khi nào Hà Nội mới phát triển đô thị văn minh, sạch đẹp được như các thành phố lớn của Nhật Bản cũng như các nước trên thế giới”.
Người dân chưa sẵn sàng – phải làm sao?
Nỗi lo lớn nhất hiện nay không nằm ở quyết tâm chính trị, mà ở sự chuẩn bị thực tế.
Hàng trăm nghìn lao động nhập cư, người làm nghề tự do vẫn sống nhờ vào chiếc xe máy xăng. Xe điện không rẻ, trạm sạc còn hiếm, và vận tải công cộng thì vẫn chưa thực sự “kéo” được người dân từ bỏ hoàn toàn xe máy. Một chính sách cứng rắn đưa ra, nhưng nếu thiếu đi sự hỗ trợ thiết thực, có thể biến chủ trương nhân văn thành rào cản sinh kế.
Chuyển đổi xanh là cần thiết, nhưng không được phép để ai bị bỏ lại phía sau. Thực tế, Chỉ thị 20 của Thủ tướng cũng đã nêu rõ Hà Nội cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng trong chuyển đổi xanh và đặc biệt là chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe xăng, dầu sang xe điện.
Rõ ràng, Hà Nội cần không chỉ một lộ trình cấm xe máy xăng mà cần một kế hoạch thiết thực đi kèm ngay lập tức, đó là trợ giá xe điện, đầu tư hạ tầng sạc điện, mở rộng mạng lưới xe buýt sạch, có phương án hỗ trợ người thu nhập thấp chuyển đổi phương tiện. May mắn là, hiện cũng đã có những doanh nghiệp sẵn sàng trợ giá cho người dân trong việc đổi xe xăng, sang xe điện, thu cũ đổi mới như VinFast. Chúng ta sẽ cần nhiều hơn nữa những động thái tích cực này từ các hãng xe máy còn lại như Honda, Yamaha...
Cấm xe máy xăng là xu thế, là điều phải làm nếu Hà Nội muốn trở thành một đô thị đáng sống. Nhưng cách làm sẽ quyết định liệu chính sách ấy có đi vào đời sống hay chỉ thêm một lần nữa nằm trong ngăn kéo văn phòng.
Chúng ta ủng hộ vì tương lai xanh, cũng chính là vì cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn cho chính người dân ở hiện tại. Và sự đồng thuận, chấp hành của người dân chính là thước đo thành công thật sự của một chính sách.
Kết thúc để bắt đầu.
Từ nay cho đến 1 năm tới, sẽ còn nhiều ý kiến và rào cản được nêu ra. Nhưng nếu không chấp nhận bắt đầu hôm nay, Hà Nội sẽ lặp lại bài học quá khứ, sẽ lại trì hoãn một cuộc thay đổi mà lẽ ra phải được khởi động từ thập niên trước.
Giấc mơ xanh không phải của riêng Hà Nội, mà là của tất cả chúng ta. Chỉ thị 20 của Thủ tướng ban hành hôm 12/7/2025 là dấu mốc quan trọng, không chỉ đối với Hà Nội mà cho toàn bộ quá trình “xanh hóa” phương tiện giao thông của Việt Nam. Việc cấm xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại nội đô không chỉ nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường đô thị, mà còn khẳng định cam kết quốc gia trong việc thực thi lộ trình cắt giảm khí phát thải nhà kính theo COP26.
Thành phố có tới 8 triệu phương tiện lưu thông, trong đó, 6,4 triệu là xe máy. Trong số này, chỉ có gần 200 nghìn xe là xe máy điện, phần lớn vẫn chạy bằng xăng. Rõ ràng, sự chuyển đổi là không dễ dàng. Nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ, câu hỏi đặt ra là: còn chờ đến bao giờ?
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề này? Hãy gửi bình luận dưới bài viết hoặc gửi ý kiến về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Phạm Huyền