Căn bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới có những triệu chứng thường bị bỏ qua

Căn bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới có những triệu chứng thường bị bỏ qua
2 giờ trướcBài gốc
Riêng tại TPHCM, tổng số ca mới mắc ung thư đại trực tràng - hậu môn ở 2 giới và tất cả nhóm tuổi trong 2 năm gần đây được ghi nhận là 2626 ca.
Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về liệu pháp kháng EGFR – liệu pháp nhắm trúng đích đầu tiên trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn diễn ra hôm nay - 19/10.
Theo ước tính của Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, Việt Nam có đến hơn 180.000 ca mới mắc và khoảng hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Trong đó, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc mới.
Các chuyên gia cho hay, bệnh ung thư đại trực tràng có những triệu chứng không nghiêm trọng và thường bị bỏ qua, cho đến khi được chẩn đoán ung thư thì đã ở giai đoạn muộn với tỷ lệ tử vong cao.
Hợp tác đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, dựa trên dữ liệu thu thập từ Chương trình Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng (SEER) từ năm 2014 đến năm 2020 thì ung thư ở giai đoạn khu trú (chỉ phát triển ở đại tràng hoặc trực tràng), tỷ lệ sống trong 5 năm là 91%.
Thời gian sống giảm mạnh qua từng giai đoạn. Khi ung thư ở giai đoạn di căn xa (lan đến hạch bạch huyết ở xa hoặc lan đến cơ quan khác như gan, phổi), tỷ lệ sống trong 5 năm chỉ còn 15,7%.
Với sự tiến bộ của y học, các liệu pháp điều trị nhắm trúng đích đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trên lâm sàng, giúp cải thiện đáng kể kết cục điều trị cho bệnh nhân ung thư. Cụ thể, liệu pháp kháng EGFR đã được sử dụng trên lâm sàng 20 năm, kể từ khi liệu pháp này được Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu phê duyệt cho chỉ định điều trị ung thư đại trực tràng (năm 2004).
Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia đã phân tích những dữ liệu cho thấy liệu pháp kháng EGFR có thể giúp cải thiện đáng kể kết cục cho bệnh nhân ung thư trực tràng di căn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ở những bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn không còn khả năng phẫu thuật, cá thể hóa điều trị với liệu pháp kháng EGFR dựa trên tình trạng đột biến gen có thể giúp tăng thời gian sống trên 30 tháng.
Bên cạnh những hiệu quả đã được chứng minh, các chuyên gia cũng nhận định, sự ra đời và phát triển của liệu pháp kháng EGFR cũng đồng thời mở ra những triển vọng tương lai trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Cùng ngày, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM và Merck Healthcare Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị tập trung vào các nội dung chính như hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình hội nghị hội thảo khoa học, cập nhật thông tin y khoa, đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế chuyên ngành ung bướu và hỗ trợ người bệnh theo quy định...; Phối hợp và đồng hành trong các chương trình giáo dục bệnh nhân và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, năm 2023, bệnh viện tiếp nhận hơn 720 nghìn lượt khám chữa bệnh, với khoảng 82% bệnh nhân đến từ tuyến tỉnh ngoài TPHCM.
"Đứng trước áp lực liên tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phục vụ người bệnh, đi đầu trong công tác đổi mới, sáng tạo và phát triển y tế chuyên sâu, Bệnh viện Ung bướu TPHCM rất coi trọng các đối tác trong và ngoài nước trong việc đồng hành cùng bệnh viện để phát triển.
Không chỉ chú trọng đến việc hỗ trợ chuyên môn cho y bác sĩ của bệnh viện, các đối tác cùng góp phần trong việc đưa khoa học kỹ thuật và những thuốc điều trị mới đến với bệnh nhân, gia tăng khả năng tiếp cận điều trị chuyên sâu có hiệu quả cao cho bệnh nhân"- TS.BS Diệp Bảo Tuấn nói.
Nguyễn Hoàng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/can-benh-ung-thu-pho-bien-thu-4-o-nam-gioi-co-nhung-trieu-chung-thuong-bi-bo-qua-169241019162347053.htm