Trước chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, một số ý kiến cho rằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như các tiêu chí về tinh giản, tuyển chọn cán bộ xã cho đơn vị hành chính mới chưa thực sự quan tâm tới đối tượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Bộ Nội vụ cho biết, theo Nghị định 33, từ giữa năm 2023 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố được tăng phụ cấp trung bình từ 1,14 lần lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/người.
Theo Nghị định số 33 năm 2023 về cán bộ, công chức cấp xã, số lượng cán bộ không chuyên trách (KCT) được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, xã, phường loại 1 là 14 người, loại 2 là 12 người, loại 3 là 10 người.
Cán bộ KCT ở thôn, tổ dân phố không quá 3 chức danh (bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hàng tháng.
Điều 34 của Nghị định quy định, người hoạt động KCT ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động KCT ở cấp xã.
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Đơn vị hành chính cấp xã loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 21 lần mức lương cơ sở. Đơn vị hành chính cấp xã loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 18 lần mức lương cơ sở. Đơn vị hành chính cấp xã loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 15 lần mức lương cơ sở.
Tương tự, cán bộ KCT ở thôn, tổ dân phố được hỗ trợ phụ cấp với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên, thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6 lần mức lương cơ sở.
Có thể bị cắt giảm thẳng tay
Tuy nhiên, độc giả Lê V. phản ảnh với VietNamNet, trong khi các chính sách hiện hành đã quy định rõ ràng về chế độ hưu trí sớm cho cán bộ, công chức, viên chức, cũng như phương án sắp xếp lại lực lượng lao động còn lại thì những người hoạt động KCT ở cấp phường, xã, thị trấn, lại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng.
Trong quá trình tinh gọn bộ máy hành chính, đặc biệt là việc sáp nhập xã, cán bộ KCT phải đối mặt với nhiều thiệt thòi so với cán bộ chuyên trách.
Theo anh V., mặc dù đã có quy định nhưng cán bộ KCT thường không được hưởng các chế độ bảo hiểm và mức đóng BHXH cực kỳ thấp. Ngoài ra, mức phụ cấp của cán bộ KCT vốn đã thấp hơn nhiều so với lương của cán bộ chuyên trách trong khu vực công và người lao động trong khu vực tư.
Khi sáp nhập xã, đối tượng này cũng không được hưởng các chế độ hỗ trợ như cán bộ chuyên trách, ví dụ chế độ hưu trí sớm, trợ cấp thôi việc.
“Trong quá trình sáp nhập, số lượng cán bộ KCT có thể bị cắt giảm thẳng tay, dẫn đến nguy cơ mất việc cao hơn so với cán bộ chuyên trách”, độc giả này bày tỏ lo lắng.
Trong khi đó, về khối lượng công việc và trách nhiệm, mặc dù được gọi là "không chuyên trách" nhưng thực tế công việc của họ thường mang tính chất chuyên trách, đòi hỏi sự tận tâm và thời gian làm việc không kém cạnh.
Họ phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau, từ công tác quản lý hành chính đến các hoạt động đoàn thể, phong trào ở địa phương.
Nhưng trong các cuộc họp, hội nghị về sáp nhập, sắp xếp cán bộ, vai trò và đóng góp của cán bộ KCT thường không được đề cập một cách thỏa đáng. “Họ cảm thấy mình bị ‘bỏ lại phía sau’, không được quan tâm đúng mức”.
Theo anh, những thiệt thòi này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ KCT, mà còn tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở.
Do đó, anh đề xuất một số giải pháp để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho đội ngũ này.
Thứ nhất, về chế độ bảo hiểm xã hội, cần có quy định rõ ràng về việc tham gia bảo hiểm xã hội cho cán bộ KCT để đảm bảo quyền lợi của họ khi về hưu hoặc gặp rủi ro.
Thứ hai, về chế độ hỗ trợ khi sáp nhập, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề cho cán bộ KCT bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập.
Tình đến hết năm 2021, cả nước có 436.617 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Theo tính toán của Bộ Nội vụ, ước tính số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố dự kiến tăng thêm 7.418 người. Như vậy dự kiến cả nước có tổng số người hoạt động không chuyên trách khoảng hơn 444.000 người.
Ngoài ra, theo anh, cần nâng mức phụ cấp cho cán bộ KCT, đảm bảo tương xứng với khối lượng công việc và trách nhiệm của họ.
Quan trọng nhất, trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, cần đánh giá năng lực của cán bộ một cách minh bạch, công bằng. Với cán bộ KCT có năng lực phù hợp, cần ưu tiên sử dụng, đồng thời tận dụng và phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ KCT trẻ tuổi.
Là người hoạt động KCT cấp xã ở đã được 13 năm, anh Sơn Nguyễn cũng lo lắng hỏi: "Người hoạt động KCT cấp xã, phường có được hưởng chế độ khi nằm trong diện phải tinh giản do sáp nhập xã, phường hay không? Vì trong nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 không thấy nhắc gì tới chế độ cho người hoạt động KCT xã, phường khi tinh giảm do sáp nhập xã, phường".
Chị Như Hoa chia sẻ, những người hoạt động KCT cấp xã, phường thường có bằng đại học chính quy, học hành bài bản nhưng không xin được việc, về làm cấp phó tại các xã, phường. Nhưng họ lại không nằm trong đối tượng xem xét cân nhắc khi sáp nhập, tinh giản.
“Bằng cấp có, năng lực có, kinh nghiệm thực tiễn có, tham mưu tốt cho cấp trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng một lẽ đương nhiên ở địa phương, sống lâu mới lên lão làng. Trưởng chưa về hưu thì chưa có vị trí. Bộ phận này đang không được cân nhắc trong các đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã”.
Một số chức danh người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn:
1. Văn phòng Đảng ủy cấp xã
2. Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã
3. Phó Chỉ huy trưởng Quân sự
4. Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
5. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh
6 Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ
7. Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân)
8. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
9. Chủ tịch Hội Người cao tuổi
10 Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.
Các ý kiến góp ý, hiến kế trực tiếp comment vào phần bình luận phía dưới diễn đàn hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ email: nhomchinhtri@vietnamnet.vn. Những bài phân tích sâu, tập trung vào giải pháp sẽ được trích đăng riêng.
Trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Thảo