Ghi nhận thực tế tại các địa phương trong ngày đầu vận hành cho thấy lượng người dân đến làm thủ tục tăng cao; đội ngũ công chức làm việc theo phương châm phục vụ tận nơi, và minh bạch trong từng khâu xử lý.
Ngay từ sáng sớm 1/7, ông Nguyễn Đức Quốc, cư trú tại D5 – khu thu nhập thấp phường An Phú – cùng gần hai chục người dân đã có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Phú để thực hiện các thủ tục hành chính. Người dân đến để làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, xác nhận hộ khẩu, tách thửa, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Riêng ông Quốc đến để đăng ký quyền sử dụng lần đầu cho lô đất của mình. Ông Nguyễn Đức Quốc, cho biết: “Trung tâm phục vụ hành chính công rất sạch sẽ. Cán bộ làm việc cũng chu đáo, trang phục tươm tất. Khi tôi giao dịch không kịp thì cũng có nhờ cán bộ hướng dẫn. Nói chung tôi rất tán thành tinh thần phục vụ này. Người già yếu, mắt kém như tôi thì được công chức hướng dẫn và ghi giúp để làm thủ tục cấp sổ đỏ (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)”.
Ông Nguyễn Đức Quốc (áo đen) đang được công chức phường An Phú hỗ trợ điền thông tin vào tờ khai, vì thị lực của ông đã kém. (ảnh: Nguyễn Thảo)
Không gian giao dịch tại trung tâm phục vụ hành chính công cũng được cải thiện rõ rệt, với dãy ghế cho người dân ngồi chờ làm thủ tục, quầy tiếp nhận hồ sơ được bố trí gọn gàng. Công chức cũng sẵn sàng giải thích quy trình và hỗ trợ số hóa hồ sơ để cập nhật vào hệ thống chính quyền điện tử.
Những thủ tục đơn giản được tiếp nhận và xử lý ngay tại chỗ. Đối với các thủ tục phức tạp, như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trung tâm bố trí bàn tiếp dân riêng, có cán bộ chuyên trách hướng dẫn.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, kiêm Giám đốc Trung tâm Hành chính công phường, cho biết: “Sáng nay, người dân đến trung tâm hành chính công tương đối đông. Đây là tín hiệu vui. Cán bộ công chức của phường đã được quán triệt từ đầu, phải có tinh thần phục vụ nhân dân hết mình, cho nên đã sát xao, nhiệt tình và hướng dẫn một cách cụ thể với từng trường hợp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt cán bộ công chức, tăng cường hơn nữa tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đảm bảo giải quyết nhanh, đúng để tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền”.
Để đảm bảo cho các trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động suôn sẻ, không bị gián đoạn, từ ngày 20 đến 25/6, toàn bộ 135 trung tâm tại 135 xã, phường trên toàn tỉnh Gia Lai đã được vận hành thử nghiệm. Cuộc vận hành thử nghiệm này đã xử lý hàng trăm hồ sơ mà không phát sinh ách tắc hay chậm trễ.
Một trong những điểm đột phá là các thủ tục phi địa giới cho phép người dân nộp hồ sơ trực tiếp ở bất kỳ trung tâm nào gần nhất, để yêu cầu một trung tâm khác trong tỉnh thực hiện thủ tục; hoặc người dân cũng có thể gửi hồ sơ online trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Mô hình hành chính mới tạo điều kiện thuận lợi, nhất là với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. (ảnh: Nguyễn Thảo)
Bà Rcom H’Myư, người dân làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, tỉnh Gia Lai đánh giá, điều này mang lại thuận tiện nhất đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số: “Cơ chế mới, cải cách hành chính thì rất thuận tiện cho bà con ở chỗ không cần đi đến cấp tỉnh, mà trực tiếp làm tại chính quyền cấp xã. Thủ tục cũng được làm bằng công nghệ thông tin, tại đây có kết quả, điều đó mang lại thuận lợi cho bà con”.
Ông Lê Dũng Linh – Trưởng phòng Cải cách và Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai – cho biết, các sở ngành của tỉnh đã phân công cán bộ chuyên trách về hỗ trợ thủ tục đất đai tại 135 xã, phường, trong thời gian từ 2/7 đến hết 30/8.
Theo đó, cán bộ sẽ trực tiếp làm việc tại trung tâm phục vụ hành chính công, vừa hướng dẫn công chức thực hiện các thủ tục và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ đúng quy trình, giải thích quy định pháp luật mới, để các trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động hiệu quả.
Ông Linh cho biết, về phía tỉnh đã có cơ chế giám sát toàn diện hoạt động hành chính ở cấp cơ sở bằng công nghệ: “Chúng tôi giám sát bằng hệ thống điện tử đến từng cá nhân có tham gia giải quyết hồ sơ như: người tiếp nhận, lãnh đạo phân công, chuyên viên xử lý, lãnh đạo UBND xã, phường đến lãnh đạo sở, ngành phê duyệt. Tất cả đều có thể giám sát được, biết được ai làm chậm trễ, trễ bao nhiêu thời gian".
Trong ngày đầu trung tâm phục vụ hành chính công vận hành, người dân tỉnh Gia Lai tới làm thủ tục đông hơn ngày thường. (ảnh: Nguyễn Thảo)
Ông Linh cho biết thêm, kinh nghiệm mà tỉnh Bình Định (cũ) đã áp dụng là hàng tháng, UBND tỉnh đều công khai danh sách những cá nhân giải quyết trễ hạn hồ sơ cho người dân. Thời gian tới, dự kiến, tỉnh sẽ giám sát qua hệ thống camera ở trung tâm hành chính, sử dụng AI để phân tích hình ảnh dữ liệu việc công chức giao tiếp người dân.
Sự chuẩn bị kỹ lượng và mục tiêu rõ ràng của tỉnh Gia Lai mới, khi các trung tâm phục vụ hành chính công xã phường đi vào vận hành ổn định, hứa hẹn người dân sẽ không còn phải “gõ cửa nhiều nơi” để giải quyết một thủ tục. Điều này đi đúng với tinh thần phục vụ nhân dân, đảm bảo nền hành chính minh bạch hơn và hiệu quả hơn.
Tỉnh Gia Lai sẽ giams sát hiệu quả của công chức và lãnh đạo của các trung tâm hành chính công qua ứng công nghệ. (ảnh: Nguyễn Thảo)
Nguyễn Thảo/ VOV-Tây Ngyên