Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TPHCM
Không thể cứ "thả gà ra đuổi"
Chiều 6/5, tại phiên thảo luận tổ, góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn TPHCM - cho rằng, những vướng mắc của luật hiện hành chưa được sửa trong dự thảo luật như việc Công bố tiêu chuẩn đang được quy định "người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa".
Thực tế, đa phần doanh nghiệp chỉ ghi số đăng ký, số chứng nhận công bố hợp chuẩn - hợp quy… Như vậy, có tới 90% doanh nghiệp đang không tuân thủ theo luật vì luật chưa có quy định để áp dụng được. Đề nghị điều này cần được sửa trong luật mới.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: "Chúng ta nói học tập mô hình các nước: giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm. Điều đó là đúng. Nhưng muốn làm vậy thì hậu kiểm phải thực sự mạnh. Hiện nay, nhiều sản phẩm chỉ cần tự công bố mà không có hậu kiểm hiệu quả thì vẫn là "thả gà ra đuổi".
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn Bắc Ninh - cho rằng, vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả được sản xuất và lưu hành công khai trong suốt 4 năm qua đã phơi bày rõ nét sự buông lỏng và thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn Bắc Ninh
"Rõ ràng, cơ chế hậu kiểm vốn là định hướng đúng đắn phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao tính chủ động trách nhiệm của doanh nghiệp, thế nhưng khi thiếu năng lực hậu kiểm, thiếu cơ chế phối hợp, thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước thì cơ chế này trở thành kẽ hở để lợi dụng, né tránh trách nhiệm pháp lý và kiểm soát chất lượng" - đại biểu Nguyễn Như So phân tích.
Đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh quy định về trách nhiệm quản lý nhà nuớc về chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng tăng tính minh bạch, phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công; tránh chồng chéo, buông lỏng quản lý hoặc bỏ trống trách nhiệm. Đồng thời, cần quy định rõ vai trò chủ trì và cơ chế phối hợp liên ngành một cách hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
"Khi con heo đã bị "xẻ thịt" thì chẳng ai biết nguồn gốc của nó"
Về công nghệ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, TPHCM đã thử nghiệm công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc - từ "trang trại đến bàn ăn". Nhưng thực tế, vẫn rất khó vì hệ thống sản xuất manh mún, chợ truyền thống vẫn tồn tại song song với siêu thị, chưa kể "chợ trời". Một khi con heo đã bị "xẻ thịt", thì chẳng ai biết trước đó nó từ đâu ra. Tuy vậy, có công nghệ vẫn tốt hơn là kiểm tra bằng mắt thường, đóng mộc mực tím như xưa.
Cho nên, theo nữ đại biểu, luật nên có định hướng rõ ràng: bao nhiêu phần trăm sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc và tiến tới là 100% sản phẩm, chứ không thể chỉ nói khơi khơi là "phải truy xuất nguồn gốc", rồi bằng cách nào cũng được, đại biểu Phong Lan đề xuất.
Tiếp đó, bà Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi: Tại sao trong luật không làm rõ khái niệm "hàng giả" và "hàng kém chất lượng"? Nếu một sản phẩm bị doanh nghiệp cắt xén chất lượng thì đó là hàng kém chất lượng hay hàng giả? Hai khái niệm này khác nhau, xử lý pháp lý khác nhau, vậy mà hiện nay chưa được làm rõ.
Đại biểu Trần Kim Yến góp ý, với hàng hóa nhóm 2 (là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn), dự thảo đưa ra tiêu chí một cách mù mờ, không xác định được. Ở Mỹ và EU, họ quy định các loại chất nổ, khí nén, chất lỏng dễ cháy, khí rắn dễ cháy… là hàng hóa thuộc nhóm 2, còn đối với Việt Nam, gạo, ngô, khoai sắn… đều cho vào nhóm 2. Đại biểu đề nghị, cần phải quy định danh mục và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 để áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro theo mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa.
Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn TPHCM. Ảnh: Đỗ Trung
Đại biểu Trần Kim Yến cũng cho rằng, vẫn còn tồn tại việc áp dụng chồng chéo giữa các luật khác nhau như Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y, Luật Thương mại,…
Nữ đại biểu này đề nghị cần tách bạch rõ khi nào áp dụng theo quy định của Luật này, khi nào áp dụng theo luật kia, để bảo đảm tính nhất quán, không chồng chéo, không trùng lắp, không bỏ sót, để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là chất lượng và an toàn.
Hải Yến