Căn cốt để xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững

Căn cốt để xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững
7 giờ trướcBài gốc
Giáo dục gia đình đối mặt với nhiều thách thức
Vai trò giáo dục của gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ, niềm tin, hành vi và giá trị của con trẻ, bởi giáo dục gia đình bắt đầu từ khi trẻ chào đời và kéo dài suốt cuộc đời. Giáo dục gia đình không chỉ tập trung vào đạo đức mà còn bao gồm giáo dục văn hóa, kỹ năng sống, thái độ với lao động và thẩm mỹ.
Gia đình là nền tảng giáo dục quan trọng, góp phần định hướng nhân cách và năng lực của thế hệ trẻ. Ảnh: Quốc Việt
Yếu tố nổi bật của giáo dục gia đình là sự gắn kết tình cảm, tạo nên nền tảng để thế hệ trẻ tiếp thu và phát triển nhân cách. Cha mẹ luôn là những người quan trọng nhất, dành nhiều thời gian nhất trong cả cuộc đời, là người cam kết và “nhà đầu tư” không hoàn lại cho sự nghiệp và tương lai của đứa trẻ. Vì vậy, tấm gương hành vi ứng xử hàng ngày của cha mẹ, sự tận tình chỉ bảo và quan tâm động viên sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc đến thói quen hành vi và nếp sống, nếp nghĩ của đứa trẻ khi lớn lên. Bằng sự yêu thương vô điều kiện, những giá trị văn hóa của gia đình được thẩm thấu một cách tự nhiên đến thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, giáo dục gia đình hiện phải đối mặt với nhiều thách thức. Một bộ phận thế hệ trẻ đang có những biểu hiện đáng lo ngại, không còn giữ được sự ngoan ngoãn, lễ phép như các thế hệ trước. Nhiều bạn trẻ tỏ ra thiếu tôn trọng với cha mẹ, thầy cô. Tệ hơn, một số còn sa vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, đua xe trái phép... Tình cảm gia đình cũng trở nên nhạt nhòa, các mối quan hệ anh chị em thường xuyên xảy ra xích mích, ghen tị.
Lý do của những biểu hiện trên có phần từ sự giảm sút vai trò giáo dục đạo đức, hành vi ứng xử văn hóa của gia đình. Cùng với sự gia tăng của các gia đình hạt nhân, bố mẹ bận rộn với công việc, ít có thời gian dành cho con cái, dẫn đến việc giáo dục con cái thường bị phó thác cho nhà trường và các tổ chức xã hội.
Sự thiếu gương mẫu của một số phụ huynh trong cuộc sống hàng ngày, từ cách ứng xử với vợ/chồng, quan hệ với họ hàng đến lối sống xã hội đã làm giảm sút đáng kể hiệu quả giáo dục trong gia đình. Thêm vào đó, tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình ngày càng gia tăng gây ra những tổn thương sâu sắc về tâm lý cho trẻ, khiến nhiều em chán nản, buông thả và dễ sa vào con đường phạm pháp. Một số gia đình lại áp dụng phương pháp giáo dục quá khắt khe, kiểm soát con cái một cách thái quá, khiến trẻ trở nên nhút nhát, sợ hãi hoặc nổi loạn. Điều này cũng góp phần làm giảm sút hiệu quả giáo dục đạo đức trong gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc đặt kỳ vọng quá cao, áp dụng phương pháp giáo dục quá khắc nghiệt cũng gây ra những hậu quả không mong muốn, khiến không ít trẻ em cảm thấy áp lực, căng thẳng. Một số điều kiện hạn chế về nhận thức, trình độ học vấn của phụ huynh hay sự sẵn sàng của các dịch vụ giáo dục tại chỗ cũng khiến cho khoảng cách chất lượng giáo dục gia đình giữa các vùng miền và nhóm kinh tế xã hội ngày càng chênh lệch.
Giải pháp nào để phát huy vai trò giáo dục của gia đình?
Để phát huy vai trò giáo dục của gia đình, căn cốt là phải xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững. Cần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa và tạo môi trường gia đình lành mạnh, gìn giữ và trao truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh đó, kết nối gia đình, nhà trường và xã hội, tăng cường phối hợp giữa các bên để hỗ trợ giáo dục toàn diện. Trong đó, cha mẹ cần tích cực tham gia các hoạt động ở trường học và cộng đồng.
Một giải pháp quan trọng khác là nâng cao tri thức, năng lực giáo dục và kỹ năng làm cha mẹ thông qua việc tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn, giúp cha mẹ nắm vững phương pháp giáo dục phù hợp với tâm lý trẻ. Ứng dụng kỷ luật tích cực trong giáo dục thái độ và hành vi cho con. Phát huy vai trò nêu gương của người lớn: ông bà, cha mẹ cần làm gương trong ứng xử và sống chuẩn mực, tạo ảnh hưởng tích cực đến trẻ.
Đồng thời, phát triển các nghiên cứu hệ giá trị gia đình, mô hình giáo dục gia đình để từ đó phát triển các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục gia đình, cũng như định hướng chính sách, chiến lược giáo dục phù hợp với bối cảnh mới.
Những giải pháp toàn diện sẽ đảm bảo sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/can-cot-de-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc-va-ben-vung-post399985.html