Cần cụ thể hơn việc số hóa quy trình hoạt động thanh tra

Cần cụ thể hơn việc số hóa quy trình hoạt động thanh tra
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Đề xuất số hóa quy trình hoạt động thanh tra
Cho ý kiến về Luật Thanh tra (sửa đổi), Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng; trong đó có các Nghị quyết của Bộ Chính trị gần đây, đặc biệt là Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ, Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội .
Nghị quyết 57 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, cần quản lý nhà nước trên môi trường số; đồng thời hoàn thành kết nối, đồng bộ về chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đây cũng là một trong những điểm mà ngành Thanh tra cần phải tập trung. “Do đó, nội dung này cần phải được cụ thể hóa trong dự thảo luật Thanh tra sửa đổi”, đại biểu Thi nhấn mạnh.
Đại biểu nêu quan điểm, dự án luật lần này cần tập trung nhiều vào việc số hóa các quy trình và dữ liệu thanh tra. “Riêng đối với cơ sở dữ liệu, luật cần bổ sung một điều riêng quy định về quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra. Đồng thời bảo đảm tính liên thông, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu khác”, đại biểu Thi nêu ý kiến. Đại biểu cũng đưa ví dụ về dữ liệu kiểm toán, hiện mới chỉ có Điều 60 trong dự thảo luật là thể hiện điều này, nhưng cũng chưa thể hiện rõ.
Phân rõ trách nhiệm của thanh tra
Sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, thì có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bên cạnh đó cũng có thể chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Do đó, đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra. “Phải phân rõ trách nhiệm nào là của thanh tra, trách nhiệm nào là của kiểm tra chuyên ngành, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”. Đồng thời, cũng cần tránh việc chồng chéo giữa thanh tra và giám sát”, đại biểu Thành nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm cần phân quyền và nhiệm vụ rõ ràng, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà và đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, quan tâm về việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành. Ông Hà cho biết, đa số thành viên của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành với quy định trên. Tuy nhiên ông và một số ý kiến còn băn khoăn về sự phù hợp và tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục đối với hoạt động thanh tra. “Về bản chất, quy định này bao gồm hai loại là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, hiện đang được luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau. Do đó, đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện luật”, đại biểu Hồng Hà nêu quan điểm.
Phân quyền nhiều hơn cho tòa án nhân dân cấp tỉnh và khu vực
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Tờ trình Chính phủ nêu rõ, không tổ chức cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 3 TAND cấp cao), không tổ chức TAND cấp huyện mà thay thế bằng mô hình TAND khu vực, tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử gồm 3 cấp: TAND tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp Tòa án, số lượng Thẩm phán TAND tối cao.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đều đồng tình ban hành các dự án luật tại một kỳ họp để bảo đảm thực hiện tinh gọn bộ máy. Một số đại biểu đề nghị tăng thẩm quyền cho Tòa án khu vực vì đó là nơi gần với người dân nhất.
Chủ tịch nước Lương Cường - Đoàn đại biểu TP.HCM cho rằng, cần phân cấp, phân nhiệm vụ rõ ràng trong hoạt động Tòa án và Viện kiểm sát.
Phát biểu tại Tổ TP.HCM, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ đồng tình với tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, Chủ tịch nước đề nghị các Đại biểu Quốc hội phân tích kỹ để đóng góp, hoàn thiện các dự án luật, đạt được mục đích đề ra, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu hiện nay và sự phát triển sắp tới, còn "sửa xong lại sửa thì không ổn".
"Số lượng, chất lượng, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn… của cán bộ, công chức những cơ quan này phải đảm bảo. Đặc biệt, mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án khi bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp xã, cần nghiên cứu kỹ", Chủ tịch nước nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, cần phân định rõ nhiệm vụ của tòa án cấp khu vực.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.
Theo đại biểu Thủy, nếu theo sự sắp xếp hiện nay, Hà Nội chỉ còn 12 tòa án khu vực. “Vậy cần có nguyên tắc xác định vai trò, chức năng của các tòa án khu vực này. Dự án luật cần thể hiện rõ nguyên tắc phân chia, giao quyền thế nào cho tòa án khu vực để tránh chồng chéo, tránh trùng lắp về thẩm quyền”, đại biểu Thủy nêu ý kiến. Đại biểu cũng đồng thời nêu quan điểm, cần phân quyền và nhiệm vụ nhiều hơn cho tòa án cấp tỉnh, điều này vừa giúp giảm tải cho tòa án tối cao, vừa đảm bảo đúng nguyên tắc về tăng phân cấp phân quyền cho các địa phương.
Lệ Cẩm
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/can-cu-the-hon-viec-so-hoa-quy-trinh-hoat-dong-thanh-tra-328105.htm