Cần liên kết chuỗi cung ứng con nuôi thủy sản, giúp nông dân an tâm sản xuất

Cần liên kết chuỗi cung ứng con nuôi thủy sản, giúp nông dân an tâm sản xuất
12 giờ trướcBài gốc
Ao nuôi thủy sản của gia đình ông Nguyễn Thanh Nhân.
Theo thông tin khảo sát từ Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Trà Vinh và đơn vị tư vấn (Công ty TNHH tư vấn Hiệp Chí): nhu cầu giống tôm sú của Trà Vinh hiện nay khoảng 02 tỷ con/năm. Nguồn tôm giống của Trà Vinh chỉ cung cấp được 25%/nhu cầu địa phương; 75% tôm giống nhập từ các tỉnh khác: Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang.
Trà Vinh hiện có 03 cơ sở sản xuất giống tôm chất lượng: Công ty TNHH MTV XNK CN BIO BLUE Việt Nam - chi nhánh tỉnh Trà Vinh; Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận - Trà Vinh và Trung tâm Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Đại học Trà Vinh chủ yếu sản xuất giống tôm thẻ và một phần nhỏ giống tôm sú. Các công ty mua tôm sú bố mẹ chất lượng từ Công ty TNHH Moana Việt Nam đóng tại Ninh Thuận cho sinh sản và ương nuôi thành giống chất lượng, có giá bán khá cao từ 130 - 180 đồng/con. Gần đây các doanh nghiệp giảm và dừng sản xuất giống tôm sú, hiện chỉ còn Trung tâm Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Đại học Trà Vinh sản xuất khoảng 02 triệu giống tôm sú/năm.
Ngoài 03 cơ sở trên, Trà Vinh có khoảng 50 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm có quy mô nhỏ, trung bình 10 triệu giống/trại. Các cơ sở này thường mua tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, hoặc mua ấu trùng tôm từ các tỉnh khác (Ninh Thuận, Bến Tre, Cà Mau..) về ương dưỡng lên thành tôm giống, bán với giá từ 30 - 50 đồng/con. Các cơ sở sản xuất và ương dưỡng tôm giống trong tỉnh Trà Vinh đáp ứng khoảng 25% nhu cầu tôm giống của địa phương, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh khác (40% từ Ninh Thuận; 35% từ các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long). Vì vậy, chất lượng tôm giống không thể kiểm soát và đảm bảo.
Hiện nay, các cơ sở tôm giống ở Trà Vinh chủ yếu sản xuất và ương dưỡng tôm thẻ, sản lượng tôm sú giống giảm 30 - 40% so với các năm trước đây, do các hộ nuôi rừng ngập mặn tăng cường thả cua và diện tích nuôi tôm sú đang được chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ. Các cơ sở tôm giống chỉ lấy ấu trùng tôm sú về ương khi có hộ nuôi đặt trước với lượng tối thiểu 20.000 con và phải đặt trước từ 07 - 10 ngày.
Trao đổi với chúng tôi, nông dân Nguyễn Thanh Nhân, ấp Sơn Lang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, một trong những hộ vừa nuôi thủy sản vừa liên kết cung ứng con giống cũng như thuốc, thức ăn thủy sản cho nông dân.
Theo ông Nhân, hàng năm, ông liên kết với doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận cung ứng tôm giống cho nông dân. Trong năm 2025, ông liên kết cung ứng 300.000 con giống cá rô phi cho 10 hộ dân. Trong quá trình nuôi, ông hỗ trợ một phần kinh phí về thuốc, thức ăn thủy sản và sẽ thu hồi sau thu hoạch. Đối với mô hình nuôi cá rô phi, ngoài liên kết đầu vào, ông còn đảm bảo đầu ra cho nông dân. Do đây là mô hình mới nên nông dân thực hiện nuôi xen canh cá rô phi với tôm thẻ chân trắng, sau thời gian nuôi 135 ngày thu hoạch cá, sau đó đến thu hoạch tôm. Nuôi hình thức này cải thiện môi trường nước, phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như diện tích của từng hộ dân.
Với ông Nhân, ông thực hiện mô hình nuôi cá rô phi thâm canh và tôm thâm canh. Nuôi theo quy trình này dễ chăm sóc, đảm bảo diện tích con nuôi thủy sản còn đạt sản lượng. Đối với con tôm, trong quá trình nuôi đòi hỏi kỹ thuật cũng như môi trường nước cao hơn con cá. Vì thế, trong quá trình nuôi, ông lấy nước trực tiếp từ ao nuôi cá, xử lý đưa vào ao nuôi tôm. Đối với con cá, xử lý nước ao lắng có thể đưa vào ao nuôi cá. Áp dụng nuôi quy trình này giúp tôm nuôi hạn chế dịch bệnh. Mô hình nuôi xen canh, diện tích bình quân thả nuôi từ 200.000 - 300.000 con tôm giống/ha; 600.000 - 700.000 con cá giống/ha, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận từ tôm khoảng 150 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi cá thâm canh, lợi nhuận cao gấp đôi so với mô hình nuôi xen canh. Vụ nuôi này ông đang thả nuôi 600.000 con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 02 ao; 03 ao còn lại ông áp dụng nuôi xoay vòng rải vụ tôm hoặc cá. Nuôi theo hình thức rải vụ vừa nhẹ chi phí đầu tư vừa hạn chế rủi ro.
Gần 04 tháng đầu năm 2025, tiến độ thả nuôi tôm thẻ còn chậm, nhất là nuôi thâm canh mật độ cao, thấp hơn cùng kỳ 285ha, do thời tiết nắng nóng, môi trường ao nuôi chưa ổn định. diện tích thả nuôi thủy sản trong tháng 4/2025 đạt 8.851ha, nâng 04 tháng thả nuôi 33.057ha chủ yếu nuôi mặn, lợ, trong đó, diện tích nuôi tôm sú 14.717ha, cua 14.019ha, tôm thẻ chân trắng 3.464ha, đạt 54,62% kế hoạch. Tuy nhiên, môi trường nước thiếu ổn định, thời tiết nắng nóng, mầm bệnh phát triển gây thiệt hại 38 triệu con tôm sú với diện tích 207ha và 281 triệu con tôm thẻ chân trắng với diện tích 360ha. Tổng sản lượng thủy hải sản trong tháng đạt 18.485 tấn, nâng 04 tháng đầu năm đạt 51.096 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 36.513 tấn, cao hơn cùng kỳ 2.528 tấn.
Theo đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường mặc dù giá tôm hiện nay giảm so với tháng 3/2025, nhưng giá tôm sú vẫn cao hơn 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, tôm thẻ chân trắng tăng từ 2.000 - 8.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Về môi trường nước, thời tiết thời điểm hiện nay cơ bản ổn định, dịch bệnh trên con nuôi thủy sản được theo dõi kiểm sót thường xuyên nên mức độ thiệt hại không cao, nông dân vùng nước lợ hiện nay đang tập trung thả nuôi tôm đạt 58% so với kế hoạch. Sản lượng thu hoạch đạt 20,41% kế hoạch, tăng 5,85% so với cùng kỳ.
Theo dự báo, sắp tới giá thủy sản sẽ giảm, do cạnh tranh thị trường với các nước trong thời điểm thu hoạch tôm, về thuế,... tuy nhiên, tỉnh nghiên cứu tập trung các giải pháp chế biến sâu về lĩnh vực thủy sản, tạo liên kết mở rộng, tìm kiếm thị trường.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Nguồn Trà Vinh : https://www.baotravinh.vn/kinh-te/can-lien-ket-chuoi-cung-ung-con-nuoi-thuy-san-giup-nong-dan-an-tam-san-xuat-45669.html