Ngày mai (5/5), Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽ xem xét 14 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, như: xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025...
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu trả lời báo chí. Ảnh: Quốc hội
Tại họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 9 diễn ra chiều 4/5, phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan nguồn kinh phí cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cụ thể là việc thực hiện chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn.
Làm rõ vấn đề này, Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu cho biết, dự toán NSNN năm 2025 gồm nhiều khoản, nhưng ngoài khoản thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động thì còn hai khoản quan trọng là miễn học phí cho học sinh và nguồn kinh phí 3% thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
"Thẩm tra chi ngân sách càng ngày càng khó, tuy nhiên nguyên tắc chung là theo thẩm quyền và sự cần thiết. Sự cần thiết rất quan trọng, cái gì buộc phải chi. Việc chi trả chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động có cần thiết không? Chắc chắn là cần phải chi rồi. Vậy có ngân sách không, lấy từ nguồn nào, tức tính khả thi", ông Phan Đức Hiếu đặt vấn đề.
Theo Chính phủ báo cáo, sẽ sử dụng từ 2 nguồn là nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2024 còn dư, chuyển nguồn sang năm 2025; dự toán ngân sách năm 2025, dự kiến lấy từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương năm 2025. Nếu cần thiết, có nguồn rồi mà ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô thì phải xem xét, điều chỉnh.
"Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy vấn đề gì cần điều chỉnh. Nhưng năm nay là năm có nhiều diễn biến khó lường, nên các chính sách tài khóa, tiền tệ luôn được xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Trước câu hỏi liên quan kinh tế tư nhân và dự kiến đề án sẽ được sớm trình cấp có thẩm quyền, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, sức khỏe của kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra, nên rất cần một nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt,cần giải pháp tổng thể, liên ngành, trong đó cải cách thể chế là giải pháp quan trọng nhất.
Vân Hồng/VOV.VN