Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, tham gia góp ý và nhấn mạnh một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần quy định rõ việc cấm các thành viên đoàn thanh tra tự ý tiếp xúc, liên lạc với đối tượng bị thanh tra nếu không có sự chứng kiến của bên thứ ba. Quy định này nhằm ngăn ngừa tiêu cực, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động thanh tra. Đại biểu dẫn chứng vụ việc xảy ra tại Vĩnh Phúc, trong đó một cán bộ thanh tra có hành vi "đi đêm" với doanh nghiệp và bị xử lý, cho thấy sự cần thiết phải có ràng buộc pháp lý nghiêm ngặt hơn để phòng ngừa vi phạm.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 8/5.
Thứ hai, góp ý về thời hạn thanh tra, đại biểu Minh cho rằng, quy định tại Điều 20 dự thảo luật về thời hạn 60 ngày cho một cuộc thanh tra là quá dài, đặc biệt nếu địa phương bị hai đoàn thanh tra trong một năm, sẽ ảnh hưởng lớn đến thời gian và nguồn lực phục vụ điều hành kinh tế - xã hội. Ông đề nghị nên rút ngắn thời gian thanh tra xuống còn 45 ngày và chỉ được gia hạn thêm tối đa 15 ngày, để giảm áp lực cho các địa phương.
Thứ ba, đại biểu kiến nghị cần quy định rõ giới hạn tần suất thanh tra, kiểm toán, theo đó mỗi địa phương trong một năm chỉ nên tiến hành tối đa một lần thanh tra hoặc kiểm toán. Việc chồng chéo giữa các hoạt động này không chỉ gây khó khăn trong quản lý điều hành mà còn "làm nản ý chí" của người dân và doanh nghiệp. Thanh tra và kiểm toán, theo đại biểu, đều là công cụ để phát hiện sai phạm, nên cần có sự điều phối hợp lý nhằm tránh trùng lắp, giảm thiểu phiền hà.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh khẳng định các góp ý được đưa ra xuất phát từ thực tiễn và mong muốn hệ thống thanh tra hoạt động hiệu quả, minh bạch, góp phần tích cực vào công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thúy Hằng