TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)
PV: Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao EVN và Petrovietnam triển khai 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận, đồng thời yêu cầu phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2030, ông nhận định thế nào về kế hoạch này?
TS. Ngô Đức Lâm: Theo tôi, Thủ tướng giao EVN và Petrovietnam đảm nhận đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận là hợp lý và chuẩn xác, vì cả 2 đều là những tập đoàn lớn nhất về xây dựng và quản lý vận hành điện lực. Cả EVN và Petrovietnam đều là tập đoàn Nhà nước, có năng lực về tài chính, kinh nghiệm và nhân lực có chuyên môn về nghề nghiệp. Trong khi đó, điện hạt nhân thuộc diện độc quyền của Nhà nước, không một tổ chức tư nhân nào được quản lý. Vì vậy, giao cho EVN và Petrovietnam đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân là hợp lý. Hơn nữa, 2 tập đoàn này lại có kinh nghiệm tìm kiếm và giao dịch với các đối tác tham gia xây dựng, nhất là các đối tác nước ngoài và cũng được họ tin tưởng.
Về thời gian, dự kiến tới cuối tháng 12/2030 sẽ hoàn thành. Theo tôi, kế hoạch này thực sự khó. Bởi vì, đây không phải là công trình đường cao tốc, không phải công trình đường truyền tải điện, mà đây là công trình điện hạt nhân đầu tiên, bên cạnh việc chưa có kinh nghiệm triển khai thì còn liên quan tới nhiều quy định ràng buộc khắt khe của trong nước và quốc tế, đặc biệt là vấn đề an toàn.
Ngoài ra, công tác chuyên môn còn hạn chế, mà chuyên môn phải do kỹ sư trưởng quyết định. Hơn nữa, để vận hành 2 nhà máy phải cần khoảng 2.400 người gồm cả kỹ sư và công nhân nên chưa thể khẳng định việc có thể tuyển chọn và đào tạo trong 5 năm hay không? Do vậy, để có thể đưa vào vận hành nhà máy vào cuối năm 2030 phải có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp đồng bộ rất chặt chẽ của cả hệ thống chính trị cho dự án này.
Theo tôi, mốc thời gian 31/12/ 2030 là mốc phấn đấu, còn thực tế nên có thời gian dự phòng khoảng 1-2 năm để dự án hoàn thành toàn bộ.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 có những điều kiện thuận lợi gì, thưa ông?
TS Ngô Đức Lâm: Theo tôi, thứ nhất, dự án này có sự đồng thuận và quyết tâm cao từ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ cùng toàn bộ hệ thống chính trị. Các cơ quan chuyên môn đã được thành lập để hỗ trợ, tham mưu cho Ban Chỉ đạo, với đội ngũ có trình độ và kinh nghiệm. Cùng với đó, dự án này còn có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, giúp giảm phát thải và đảm bảo phát triển kinh tế, góp phần vào việc tăng trưởng GDP. Chính vì vậy, dự án nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội.
Điểm thuận lợi thứ hai là địa điểm cho nhà máy đã được xác định, không cần phải tìm kiếm thêm. Bởi việc tìm kiếm địa điểm cho một nhà máy điện hạt nhân là công việc rất khó khăn, phức tạp và tốn kém.
Thứ ba, dự án này được tái khởi động sau khi bị tạm dừng do quyết định của Quốc hội nên có thể giảm bớt được khá nhiều thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí truyền thông, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân.
Thứ tư, nếu các đối tác tham gia là các nước có kinh nghiệm lâu năm, việc triển khai sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ sự quan hệ và hiểu biết lẫn nhau.
PV: Bên cạnh những thuận lợi đó, việc triển khai dự án này còn có những khó khăn, thách thức như thế nào, thưa ông?
TS. Ngô Đức Lâm: Đây là dự án đặc biệt quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương và là dự án đầu tiên liên quan đến năng lượng hạt nhân, không chỉ đòi hỏi kinh phí lớn mà còn cần đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, đặc biệt là trong việc vận hành lâu dài. Trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Do vậy, theo tôi, thách thức đầu tiên là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế như cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ, dự án có thể gặp phải vi phạm quy chuẩn chuyên môn hoặc không hoàn thành đúng tiến độ.
Thứ hai, hiện nay chúng ta vẫn thiếu nhiều cơ sở pháp lý cần thiết để bắt tay vào thực hiện, ví dụ như thiếu luật về năng lượng nguyên tử, các sửa đổi trong Luật Điện lực, hay thiếu kế hoạch tổng thể về sơ đồ điện VIII, cũng như đánh giá tác động môi trường trong luật bảo vệ môi trường.
Thách thức thứ ba là vấn đề vốn. Đây là công trình đặc thù, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và không thể xã hội hóa. Vốn đầu tư cho dự án là rất lớn, cần phải có kế hoạch huy động các nguồn khác nhau...
Thách thức thứ tư là nguồn nhân lực. Chúng ta cần đào tạo một đội ngũ kỹ sư và công nhân có tay nghề để quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân đặc biệt này trong thời gian ngắn. Điện hạt nhân là ngành công nghệ cao, đòi hỏi đội ngũ chuyên gia có trình độ sâu rộng về thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì và an toàn hạt nhân. Hiện tại, Việt Nam chưa có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu này.
Thứ năm là về công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Đây là một vấn đề phổ biến trong các dự án quy mô lớn và ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Riêng đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chúng ta cần có chiến lược tuyên truyền tốt và tạo sự đồng thuận xã hội, tránh những phản đối từ cộng đồng trong và ngoài nước.
PV: Như ông vừa nói, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một dự án quy mô lớn, đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn và kế hoạch tài chính rõ ràng. Vậy theo ông, việc thu xếp vốn cho dự án này nên thực hiện theo phương thức nào?
TS. Ngô Đức Lâm: Việc thu xếp vốn cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân quả thật là một vấn đề quan trọng, bởi đây là dự án quy mô lớn và đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ. Theo tôi, việc thu xếp vốn cho dự án này cần được thực hiện theo phương thức kết hợp giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế, cụ thể như sau:
Nhà nước có thể sử dụng các nguồn vốn dự phòng từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt là từ quỹ dự trữ, cùng với các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào dự án. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cũng là một lựa chọn hợp lý.
Đối với các dự án lớn như thế này, việc hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay các tổ chức tài chính khác là rất cần thiết. Các khoản vay này có thể được cung cấp với lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu của dự án.
Bên cạnh đó, việc thu hút các đối tác chiến lược từ các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân như Nga, Pháp hoặc Nhật Bản là một phương thức quan trọng. Những đối tác này không chỉ cung cấp vốn mà còn có thể cung cấp công nghệ, kỹ thuật và hỗ trợ đào tạo nhân lực cho dự án.
Với một dự án lớn như điện hạt nhân, cần có sự kết hợp linh hoạt giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế, đồng thời cần một kế hoạch tài chính chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án.
Để dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 hoàn thành theo kế hoạch thì cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù (Ảnh minh họa/Nguồn: Internet)
PV: Để dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 hoàn thành theo kế hoạch thì cần phải có những cơ chế, chính sách như thế nào, thưa ông?
TS. Ngô Đức Lâm: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy, cần phải có cơ chế đặc thù để đảm bảo thực hiện thành công cả về chuyên môn và thời gian. Cụ thể, dự án này cần phải có những ưu tiên mà các dự án khác không có, bao gồm: Thứ nhất, dự án phải được quản lý bởi một Ban Chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng làm Trưởng ban, để đảm bảo sự chỉ đạo và điều phối hiệu quả. Thứ hai, các cơ quan chính trị phải phối hợp một cách chặt chẽ, Quốc hội cần theo dõi sát sao và giải quyết kịp thời những vướng mắc về mặt pháp lý, với các cuộc họp đặc biệt khi cần thiết.
Thứ ba, dự án phải có đội ngũ chuyên gia dưới sự điều hành của kỹ sư trưởng. Đặc biệt, đội ngũ này cần được huy động từ những người có chuyên môn giỏi trong nước và nước ngoài, như là từ Nga và Pháp. Thứ tư, cần sử dụng nguồn vốn dự phòng từ năm 2025 để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện dự án. Thứ năm, cần có cơ chế phân quyền mạnh mẽ để giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, ưu tiên tìm đất tái định cư và các công tác hỗ trợ địa phương.
Thứ sáu, cần đào tạo nhân lực mới, bên cạnh việc duy trì các khóa đào tạo đã có trước đây. Có thể tuyển sinh các sinh viên đang học ở nước ngoài, như ở Nga và Pháp, các quốc gia có kinh nghiệm về điện hạt nhân. Thứ bảy, cần có chiến lược tuyên truyền hiệu quả để đảm bảo sự đồng thuận xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần phải điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển. Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia thành công như Nhật Bản, Nga, Pháp, cũng như tham gia vào IAEA để cập nhật công nghệ và tiêu chuẩn an toàn.
Ngoài ra, chính sách giá điện cần cải cách để phù hợp với thị trường, hỗ trợ hiệu quả việc điều phối nguồn điện. Công tác quy hoạch phải tránh sự chồng chéo trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển. Chính phủ cần giao Bộ Công Thương bổ sung điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII và triển khai chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời thiết lập chính sách đãi ngộ cho cán bộ và chuyên gia nước ngoài.
PV: Vậy theo ông, khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đi vào hoạt động sẽ có đóng góp như thế nào về vấn đề năng lượng của Việt Nam?
TS. Ngô Đức Lâm: Điện hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải. Bởi vì, điện hạt nhân không chỉ là nguồn điện ổn định, nguồn điện sạch, tin cậy nhất để đảm bảo công suất chạy nền cho cả một hệ thống điện quốc gia mà còn là bài toán mở về tiềm lực quốc gia, là ngành công nghiệp quan trọng.
Hiện tại, tổng công suất điện của Việt Nam là khoảng 85.000 MW và dự báo đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 150.000 MW. Nếu đưa 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành, tổng công suất chỉ tăng thêm khoảng 4.800 MW, con số không lớn. Tuy nhiên, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay và "2 con số" trong các năm tiếp theo. Tức là, nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. Do đó, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc sử dụng năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, vốn không ổn định, đặc biệt vào các giờ cao điểm. Đồng thời, giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, phát triển điện hạt nhân là một phần không thể thiếu trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng và thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Tưởng (Thực hiện)