Lọc máu được hình thành trong y khoa như thế nào?
Thực ra, công nghệ lọc máu hiện đại nhất hiện nay là “trao đổi huyết tương kép – DFPP”, có bản chất như chạy thận nhân tạo.
Trong điều trị lâm sàng, DFPP chủ yếu được chỉ định ở một số bệnh nhân nặng, do các globulin miễn dịch phân tử lớn hoặc phức hợp miễn dịch, lipoprotein gây ra.
- Bệnh nhược cơ
- Hội chứng Guillain-Barré
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
- Viêm khớp dạng thấp
- Tăng lipid máu
- Viêm tụy cấp tính nặng
- Nhiễm trùng huyết
- Suy gan cấp nặng… và một số bệnh khác.
Hiện tại, ở các bệnh viện lớn trong nước, đã trang bị các thế hệ máy siêu lọc DFPP, có thể được thực hiện tại giường để làm giảm tình trạng bệnh.
Chống chỉ định tương đối của DFPP bao gồm: bệnh nhân có tiền sử dị ứng với màng hoặc ống của máy tách huyết tương hoặc máy tách thành phần huyết tương, chảy máu nghiêm trọng, đông máu nội mạch rải rác, xuất huyết nội sọ hoặc phù não nghiêm trọng kèm theo thoát vị não, suy tuần hoàn toàn thân khó điều chỉnh bằng thuốc, nhồi máu cơ tim không ổn định,...
Lọc máu cho bệnh nhân viêm tụy cấp - Ảnh minh họa
DFPP hay chạy thận nhân tạo chỉ là giải pháp tình thế
Nhìn chung, các công nghệ lọc máu khác nhau, từ lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc), cho đến chạy thận nhân tạo, rồi đến siêu lọc máu như DFPP, thường được sử dụng ở những bệnh nhân rối loạn chức năng thận và chức năng gan, đóng vai trò phương pháp điều trị phụ trợ.
Cho dù công nghệ thay thế y tế hiện tại có tốt đến đâu, thì nó vẫn kém hiệu quả hơn nhiều so với các cơ quan của chính cơ thể con người, chưa kể nhiều vấn đề lợi bất cập hại.
Hơn nữa, ngay cả khi những công nghệ DFPP được sử dụng trên bệnh nhân lâm sàng, tác dụng của chúng vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng y tế. Ví dụ, nếu công nghệ DFPP được sử dụng ở bệnh nhân nhiễm trùng huyết, bằng chứng y tế vẫn chưa thể chứng minh rằng nó có thể cải thiện tiên lượng bệnh nhân.
Việc sử dụng những công nghệ này lên người khỏe mạnh và cho rằng chúng có tác dụng chăm sóc sức khỏe và có thể làm đẹp, tăng cường sức khỏe, hay kéo dài tuổi thọ là một hành vi được các bác sĩ chân chính coi là “lừa đảo” ở thời điểm hiện tại.
Không có tài liệu y khoa nghiêm ngặt nào xác nhận hoặc thậm chí đề cập rằng DFPP và các công nghệ lâm sàng khác có tác dụng chăm sóc sức khỏe. Việc lừa những người khỏe mạnh sử dụng DFPP và các công nghệ lâm sàng khác để "chăm sóc sức khỏe" không chỉ là lừa đảo và gây hiểu nhầm, mà còn bất hợp pháp.
Tôi lấy ví dụ cho dễ hiểu, với một người bị cholesterol máu tăng, nguyên nhân bao gồm 80% cholesterol nội sinh do rối loạn chuyển hóa, 20% do ăn uống hàng ngày. Nếu người đó sử dụng công nghệ DFPP chỉ 30 phút sau cholesterol máu trở về bình thường. Nhưng sau 3 – 7 ngày, lượng cholesterol máu trở lại như cũ, vì đây là bệnh lí của rối loạn chuyển hóa cùng với chế độ ăn uống, nên DFPP không giải quyết được vấn đề.
Điều này cũng giống như bạn đổ rác trong nhà, vài ngày sau thùng rác lại đầy và bạn phải tiếp tục đổ, bởi vì rác vẫn bị thải ra. Những ai phải chạy thận nhân tạo đều hiểu. Không thể chạy thận một lần là khỏi hẳn. Những bệnh nhân suy thận mãn, phải chạy thận cả đời, có người một tuần chạy thận đến hai lần để loại bỏ các chất dư thừa độc hại.
Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, lý do khiến những kẻ lừa đảo thích sử dụng DFPP để đánh lừa công chúng có thể là do công nghệ này còn khá mới, người dân bình thường và thậm chí một số nhân viên y tế không hiểu rõ về nó.
Tôi đọc trên Internet, thấy ở nhiều nước có rất nhiều bài viết giả khoa học về lọc máu, họ thường nói về kiến thức y học trước tiên để tạo ấn tượng rất chuyên nghiệp cho người đọc, sau đó lặng lẽ giới thiệu gói bán dưới dạng y khoa và đẩy đến tay độc giả có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Theo các gói quảng cáo ở các quốc gia, giá mỗi lần thực hiện DFPP dao động từ 200 triệu đến 2 tỉ đồng, giá tùy theo đó là Singapore, Nhật hay châu Âu nhưng luôn được khuyến mại vé máy bay, trên thực tế chi phí cho DFPP chỉ khoảng 35 triệu đồng.
Trên thế giới, không thiếu những kẻ lừa đảo lợi dụng sự quan tâm của mọi người đối với sức khỏe và dưới chiêu bài khoa học giả phổ biến, thực hiện các hành vi lừa đảo và gây hiểu lầm trong lĩnh vực y tế, quảng cáo nhiều "sản phẩm y tế" và "công nghệ y tế" không hiệu quả hoặc thậm chí có hại.
Nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, họ dễ tin vào những quảng cáo trá hình dưới dạng khoa học phổ thông hơn là nghe theo lời khuyên của các bác sĩ có chuyên môn thực sự.
Lọc máu - Ảnh minh họa
3 hậu quả nghiêm trọng có thể gây tử vong
Hãy nhớ, lọc máu nói chung và DEPP nói riêng, có ba hậu quả nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Rủi ro của phương pháp thanh lọc máu như thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo, siêu lọc máu cho đến DFPP, tất cả rủi ro đều như nhau, trong đó hội chứng mất cân bằng là phổ biến nhất, đông máu trong lòng mạch là di chứng dễ gây ra nhất, thuyên tắc khí là nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.
Đầu tiên là hội chứng mất cân bằng, đây là biến chứng mà hầu hết bệnh nhân sẽ gặp phải sau khi lọc máu. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có nồng độ nitơ urê trong máu cao, họ có thể gặp một số triệu chứng khó chịu ở giai đoạn đầu của quá trình thanh lọc, chẳng hạn như buồn nôn, đau đầu, co giật, huyết áp cao, thậm chí hôn mê.
Thứ hai là đông máu nội mạch, có thể xảy ra sau khi lọc máu và là nguy cơ có khả năng xảy ra cao nhất. Về mặt lâm sàng, các yếu tố như hạ huyết áp, tuổi thọ của máy lọc máu, liều lượng heparin không đủ, là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đông máu.
Ví dụ, những ai bị huyết khối tĩnh mạch chi dưới, thì chân sẽ sưng nóng đỏ và rất đau, dần dần lở loét hoại tử. Nếu huyết khối gây tắc động mạch chi dưới, thì sẽ làm cho chân lạnh toát, rồi hoại tử phải cắt cụt. Nhồi máu phổi, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim đều là thảm họa. Đó là chưa kể tắc mạch thận, tắc mạch gan, tắc mạch mạc treo tràng.
Thứ ba là tắc mạch do bóng khí, xảy ra trong quá trình lọc máu nhân viên y tế thao tác để xảy ra sơ xuất, không khí có thể xâm nhập vào mạch máu gây ra thuyên tắc khí, có thể dẫn đến suy tim hoặc thậm chí tử vong ở bệnh nhân.
BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn)/ VietnamDaily