Cần Thơ: Sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân

Cần Thơ: Sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân
2 giờ trướcBài gốc
Đối với lực lượng phòng hóa, công tác chuẩn bị chu đáo trước mỗi cuộc diễn tập là một trong những yêu cầu bắt buộc được đặt lên hàng đầu. Bởi các tình huống ứng phó sự cố hóa học có tính đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đòi hỏi từng chiến sĩ và phân đội tập trung phối hợp xử lý, khắc phục sự cố hiệu quả, bảo đảm an toàn.
Trung tá Nguyễn Quang Năm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phòng hóa 893 (Bộ Tham mưu Quân khu 9) cho biết: “Được tăng cường diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân TP Cần Thơ năm nay, chúng tôi lựa chọn những đồng chí năng lực khá, thành thạo kỹ thuật chuyên ngành thành lập phân đội. Tuy nhiên, đa phần anh em lần đầu tham gia xử lý chất phóng xạ không để tán phát ra môi trường, do đó quá trình luyện tập các bộ phận đã nỗ lực hoàn thiện từng kỹ thuật, động tác; thường xuyên hiệp đồng lực lượng của địa phương luyện tập đúng ý định”.
Lực lượng phòng hóa Quân khu 9 xử trí tình huống trong diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân của TP Cần Thơ.
Để luyện tập hiệu quả, Tiểu đoàn Phòng hóa 893 đã nghiên cứu, chuẩn bị mô hình mô phỏng khu nhiễm bẩn phóng xạ y tế giúp các bộ phận trinh sát, thu hồi nguồn phóng xạ, tẩy xạ địa hình dễ hình dung, luyện tập sát thực tế, yêu cầu diễn tập. “Ngoài ra, trong các buổi tập huấn, huấn luyện trước diễn tập do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức, chúng tôi cập nhật kiến thức mới như nguyên lý ứng dụng hạt nhân, quy tắc bảo đảm an toàn, quy trình ứng phó sự cố phóng xạ… để bồi dưỡng thêm giúp nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ thuật, động tác của cán bộ, chiến sĩ trong phân đội”, Trung tá Nguyễn Quang Năm chia sẻ.
Về biện pháp rèn luyện thể lực, đơn vị duy trì vận động khí tài 3km vào thứ sáu hằng tuần và chạy bộ thêm vào buổi chiều giúp rèn luyện thể lực và sức chịu đựng ở trong khí tài, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài.
Đại úy Lê Vũ Linh, Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát phóng xạ hóa học, Tiểu đoàn Phòng hóa 893, trực tiếp chỉ huy phân đội tham gia diễn tập trao đổi thêm: “Trên cơ sở bảo đảm thể lực tốt, đơn vị tổ chức luyện tập theo phân đoạn từ triển khai khí tài đến cơ động đội hình tiếp cận hiện trường; trong đó chú trọng bồi dưỡng phương pháp khai thác phương tiện, khí tài chuyên dụng để xác định rõ vị trí, khoanh vùng khu vực nhiễm xạ, nhanh chóng thu gom nguồn phóng xạ và vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ”.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân được TP Cần Thơ tổ chức hai năm một lần. Nếu như năm 2022, các lực lượng tập trung xử lý nguồn phóng xạ công nghiệp tại Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ thì năm nay Sở Khoa học và Công nghệ thành phố chủ động phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng kịch bản, kết cấu tình huống giả định mất an toàn phóng xạ trong lĩnh vực y tế.
Phát biểu chỉ đạo cuộc diễn tập, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: “Bên cạnh lợi ích ứng dụng năng lượng hạt nhân mang lại thì chúng ta cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức liên quan đến an toàn bức xạ. Các sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, đòi hỏi các ngành, các cấp đặc biệt là ngành khoa học phải luôn sẵn sàng và có kế hoạch ứng phó hiệu quả”.
Lực lượng phòng hóa Quân khu mang mặc trang bị phòng hộ.
Ông Dương Hồng Nhật, Chuyên viên Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân bày tỏ: “Tùy vào loại hình sử dụng, mức độ, cường độ chất phóng xạ sẽ gây ảnh hưởng khác nhau. Nếu xảy ra sự cố trong y tế có thể gây nhiễm bẩn phóng xạ bên trong và bên ngoài đối với con người, ảnh hưởng đến sức khỏe ngắn hạn và dài hạn”.
Với sự chuẩn bị chu đáo, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng xử lý tốt tình huống giả định sự cố bức xạ tại phòng hotlab, Khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ”, lực lượng Phòng hóa của Quân khu 9 hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng cường, hỗ trợ thu hồi, tẩy xạ khu vực nhiễm bẩn, thu gom chất thải phóng xạ bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Lực lượng Phòng hóa Quân khu 9 xử trí tình huống trong diễn tập.
Trung úy Trần Tuấn Anh, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội Trinh sát Phóng xạ hóa học, Tiểu đoàn Phòng hóa 893 cho biết: “Quá trình thực binh, phân đội vận dụng thành thạo kỹ thuật động tác sử dụng máy đo phóng xạ, máy BM4104K3M để trinh sát toàn bộ khu vực có hàm lượng phóng xạ cao; đồng thời, phối hợp nhịp nhàng với bộ phận tiêu tẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua diễn tập giúp anh em có thêm nhiều kinh nghiệm trong tổ chức huấn luyện, chỉ huy hiệp đồng ứng phó sự cố hóa học sát thực tế”.
TP Cần Thơ có hơn 100 cơ sở bức xạ; riêng lĩnh vực y tế, mỗi năm thực hiện hơn 1,2 triệu lượt ca chụp X-quang phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh lợi ích và hiệu quả của ứng dụng năng lượng hạt nhân mang lại thì chúng ta cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức liên quan đến an toàn bức xạ.
Việc đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết và quan trọng. Các sự cố bức xạ và hạt nhân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, đòi hỏi các ngành, các cấp đặc biệt là ngành khoa học phải luôn sẵn sàng và có kế hoạch ứng phó hiệu quả.
Bài, ảnh: KHANH ĐỨC
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/can-tho-san-sang-ung-pho-su-co-buc-xa-hat-nhan-797428