Mạng xã hội đang rộ lên trào lưu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra hình ảnh đang bị cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản xử phạt.
Những hình ảnh được tạo bởi AI tràn lan trên mạng. Ảnh: MXH
Trên TikTok, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác, không khó để bắt gặp những hình ảnh được tạo bằng AI với độ chân thực cao, mô tả người dùng đứng cạnh xe hơi sang trọng, tạo dáng chuyên nghiệp trong khi bị những người giống lực lượng CSGT (hình ảnh được tạo bởi AI) ghi biên bản.
Một số tài khoản còn lồng ghép nhạc, biểu tượng cảm xúc kèm caption như: “Làm gì cũng phải đẹp kể cả lúc bị phạt”, “Bị phạt mà vẫn phải thần thái”…
Dù được chia sẻ với mục đích giải trí, trào lưu này vẫn dấy lên nhiều lo ngại vì gây hiểu nhầm trong dư luận, người chia sẻ có thể vi phạm pháp luật nếu làm ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng chức năng.
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Thông tin trên mạng xã hội có thể bị cắt ghép, gán ghép; chỉ một chi tiết sai lệch hoặc lời chú thích thiếu thận trọng cùng tốc độ lan truyền nhanh chóng cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín lực lượng thi hành công vụ. Từ đó, người tạo ra hoặc chia sẻ nội dung đối mặt với các chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Luật sư Liên nhấn mạnh, giải trí trên mạng xã hội là nhu cầu chính đáng trong thời đại công nghệ số, nơi mỗi cá nhân đều có thể trở thành người sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, quyền tự do sáng tạo không đồng nghĩa với việc tự do đăng tải những nội dung sai lệch, xúc phạm người khác hoặc vượt khỏi giới hạn pháp luật.
Việc đùa vui, tham gia các trào lưu mạng cần đi kèm với sự tỉnh táo, tôn trọng pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là khi nội dung có thể ảnh hưởng đến hình ảnh cơ quan nhà nước và gây tác động đến xã hội.
Việc đăng tải hình ảnh, clip cắt ghép hoặc giả mạo lực lượng công an, quân đội... có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính tùy theo tính chất, mức độ.
Theo khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, hành vi đưa thông tin sai sự thật lên mạng gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
“Tin giả” được hiểu là thông tin sai lệch một phần hoặc toàn bộ so với sự thật, do một hay nhiều người tạo ra nhằm phục vụ mục đích, ý đồ riêng (theo khoản 18 Điều 3 Nghị định 147/2024).
Theo Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022), tổ chức có hành vi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xúc phạm uy tín cơ quan, danh dự cá nhân trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (Điều 101); mức phạt tiền đối với cá nhân là bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.
Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, dù đó chỉ là hành động chia sẻ lại mà không phải người trực tiếp tạo ra nội dung.
Trong trường hợp nghiêm trọng, người tung tin giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình. Một số tội danh liên quan gồm: làm nhục người khác (Điều 155 BLHS), vu khống (Điều 156), đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng (Điều 288), lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331), và tội tuyên truyền chống Nhà nước (Điều 117).
Ngoài ra, nếu sử dụng khuôn mặt hoặc danh tính người thật để ghép ảnh AI mà không được sự đồng ý, người thực hiện có thể bị xem là vi phạm quyền đối với hình ảnh cá nhân theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp sử dụng vì mục đích thương mại còn phải trả thù lao, trừ khi có thỏa thuận khác.
LS Liên lưu ý, ảnh AI hiện nay có độ chân thật rất cao, dễ khiến người xem tin rằng đó là sự kiện có thật. Nếu không kèm chú thích rõ ràng, việc phát tán hình ảnh như vậy có thể dẫn đến hiểu lầm, gây nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín lực lượng chức năng và tạo hệ lụy xã hội tiêu cực. Khi đó, người tạo và lan truyền nội dung không chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý, mà còn phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức thông tin trên không gian mạng.
THẢO HIỀN