Cảng cá Cửa Nhượng tại xã Thiên Cầm (tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 280 tỷ đồng.
Xã Thiên Cầm hiện có gần 400 tàu cá hoạt động thường xuyên. Vì vậy, kể từ khi dự án được triển khai xây dựng, ngư dân ở đây đã đặt nhiều kỳ vọng vào cảng cá Cửa Nhượng. Đây được xem là một trong những công trình hạ tầng nghề cá trọng điểm của địa phương, nhằm phục vụ neo đậu, bán hải sản, tiếp nhiên liệu và cung ứng nhu yếu phẩm cho tàu thuyền sau mỗi chuyến biển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy tình trạng luồng lạch bị bồi lấp đã cản trở đáng kể hoạt động cập cảng.
Trước kỳ vọng về một cảng cá hiện đại giúp thuận lợi neo đậu, vận chuyển, tiêu thụ hải sản, nhiều ngư dân nay lại phải “than trời” vì công trình đầu tư lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả thực tế.
Ông Tôn Đức Vinh ở thôn Chùa có gần 40 năm gắn bó với nghề đi biển. Ông từng kỳ vọng khi cảng cá Cửa Nhượng hoàn thành thì việc cập cảng để bán hải sản hay vận chuyển nhu yếu phẩm sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thực tế luồng lạch bồi lắng lại khiến sự kỳ vọng đó trở thành thất vọng.
“Trước chưa có cảng, tàu thuyền của bà con dựa vào con nước để ra vào bến. Giờ có cảng cá hiện đại nhưng nước cạn, tàu lớn của chúng tôi không vào được. Cát từ biển và từ thượng nguồn dồn về tạo thành những cồn lớn, việc nạo vét cục bộ giữa luồng không giúp ích gì. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng xem xét để có thể cải thiện tình trạng này trong thời gian tới”, ông Vinh cho hay.
Tình trạng này khiến việc vận chuyển, tiêu thụ hải sản sau mỗi chuyến biển trở nên khó khăn và tốn kém hơn nhiều. Các tàu đánh bắt phải neo đậu cách bờ khá xa, sau đó sử dụng các phương tiện nhỏ để trung chuyển cá vào cảng, vừa mất thời gian, công sức, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Tình trạng bồi lắng tạo nên các cồn cát lớn trên luồng lạch ra vào của tàu thuyền ở cảng cá Cửa Nhượng.
“Có khi tàu chúng tôi đánh bắt được hàng tấn cá nhưng không thể cập cảng để bán ngay. Chúng tôi phải chuyển dần từng chuyến nhỏ, mất hàng giờ đồng hồ để vận chuyển và bán hàng. Nếu tàu vào được cảng thì chỉ mất khoảng 30 phút là xong”, ông Võ Tá Sơn, ngư dân thôn Xuân Bắc, nói.
Việc một dự án đầu tư hàng trăm tỷ đồng chưa kịp phát huy hiệu quả đã bộc lộ bất cập là điều khiến người dân không khỏi hoài nghi về công tác quy hoạch, thiết kế và phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện. Dù hiện tượng bồi lắng ở cửa biển là phổ biến, nhưng việc không có giải pháp đồng bộ, đặc biệt với luồng lạch dẫn vào cảng – đang khiến công trình đứng trước nguy cơ “kẹt cứng” ngay từ khi chưa vận hành. Một công trình hàng trăm tỷ đồng, nếu không thể khai thác hiệu quả ngay từ đầu, sẽ gây lãng phí lớn và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm ngư dân.
Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Cầm, địa phương đã tiếp nhận phản ánh từ người dân và đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm vào cuộc để kiểm tra, có giải pháp nạo vét luồng lạch nhằm đảm bảo hoạt động tàu thuyền.
“Việc bồi lấp luồng lạch đã gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động của ngư dân. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông tuyến luồng để đảm bảo tàu thuyền ra vào thuận lợi”, Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Cầm nói.
Dự án cảng cá Cửa Nhượng do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Dân dụng Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, cảng đạt chuẩn cảng cá cấp II, có khả năng tiếp nhận tàu công suất lên tới 400 CV, với năng lực đón khoảng 100 lượt tàu mỗi ngày. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 280 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển năm 2016.
Tình trạng bồi lắng tạo nên các cồn cát lớn trên luồng lạch ra vào của tàu thuyền tại cảng cá Cửa Nhượng.
Theo lý giải của chủ đầu tư, phạm vi nạo vét của dự án chỉ giới hạn ở khu vực trước cảng, bởi toàn bộ luồng dẫn ra vào thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Rào Cái – Gia Hội, hiện do Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý. Do vậy, Ban Quản lý Dự án không có thẩm quyền can thiệp nạo vét ở phần luồng lạch chính.
Ông Hà Huy Thành, Giám đốc Dự án cảng cá Cửa Nhượng cho biết: “Luồng lạch và khu nước bị bồi lắng là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt với khu vực gần cửa biển. Trong thiết kế, chúng tôi đã tính toán thủy lực và xây dựng đê chắn cát phía Đông Bắc để hạn chế cát từ biển dạt vào. Tuy nhiên, về mặt thực tế, biện pháp này cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề.”
Ông Hà Huy Thành cho biết thêm, để chuẩn bị đưa cảng cá Cửa Nhượng đi vào hoạt động, thời gian qua đơn vị đã có trao đổi với Cục Hàng hải và đường thủy nội địa Việt Nam lấy ý kiến thỏa thuận về giải pháp kỹ thuật đối với tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Rào Cái - Gia Hội nhằm tháo gỡ vướng mắc, sớm đề xuất chủ trương nạo vét luồng lạch tạo thuận lợi cho tàu thuyền ngư dân vào cảng cá Cửa Nhượng.
Tin, ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)