Cảng Quy Nhơn chuyển mình theo hướng cảng xanh

Cảng Quy Nhơn chuyển mình theo hướng cảng xanh
7 giờ trướcBài gốc
Để hiểu rõ hơn về lộ trình và nỗ lực chuyển đổi này, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Văn Hòa-Phó Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn.
Cảng Quy Nhơn đã chuyển đổi 2 cẩu gottwald vận hành bằng dầu diesel sang sử dụng điện và sắp tới sẽ tiếp tục áp dụng với các cẩu RTG. Ảnh: Hải Yến
* Thưa ông, việc xây dựng cảng xanh đang được thực hiện như thế nào tại Cảng Quy Nhơn?
- Chúng tôi xác định rõ, chuyển đổi sang mô hình cảng xanh không chỉ là thực hiện nhiệm vụ Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu, mà còn là xu thế phát triển bền vững tất yếu vì chính lợi ích của DN. Cảng Quy Nhơn đã xây dựng 3 định hướng chiến lược: Thứ nhất là chuyển từ “tăng trưởng theo chiều rộng” sang “tăng trưởng xanh và bền vững”; thứ hai là tăng hiệu suất thiết bị, giảm phát thải; thứ ba là ứng dụng công nghệ hiện đại, hướng tới “cảng số - cảng xanh”.
Chúng tôi đang đầu tư xây dựng hệ thống quản lý cảng thông minh (Smart Port), bao gồm việc đầu tư vào hệ thống quản lý cảng thông minh (Smart Port Management System), trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo và tối ưu hóa hoạt động, áp dụng internet vạn vật (IoT) để giám sát con người, thiết bị và môi trường; từng bước có các giải pháp tự động hóa toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu lỗi do yếu tố con người; điều hành an ninh bằng AI với hơn 400 camera giám sát.
* Trong quá trình thực hiện, tiêu chí “hành động và thực hiện” chiếm tỷ lệ lớn nhất (50%), Cảng đã cụ thể hóa tiêu chí này ra sao?
- Chúng tôi triển khai nhiều hạng mục đồng bộ: Sử dụng đèn led năng lượng mặt trời cho tuyến nội bộ, lắp pin mặt trời trên xe nâng; cung cấp nguồn điện bờ cho thiết bị và tàu cập cảng. Cảng đã chuyển đổi 2 cẩu gottwald từ dùng nhiên liệu diesel sang điện và sắp tới sẽ tiếp tục áp dụng với các cẩu RTG. Đặc biệt, trong năm nay, chúng tôi sẽ đưa vào sử dụng 2 cẩu trục quay sử dụng hoàn toàn điện bờ.
Về tiết kiệm năng lượng, Cảng đã lắp đặt biến tần, hệ thống khởi động mềm, tối ưu hóa vận hành thông qua hệ thống dữ liệu thời gian thực. Chúng tôi đang đẩy mạnh áp dụng “văn phòng không giấy”, tích hợp phần mềm điều hành TOS, Eport và thanh toán online trên toàn hệ thống.
Về tự động hóa, Cảng đã áp dụng hệ thống EDI, kết nối hải quan điện tử VASSCM, báo cáo số hóa, mobile app hỗ trợ khách hàng, lái xe, dịch vụ vận chuyển và hãng tàu.
* Vậy còn tiêu chí “hiệu lực và hiệu quả”, Cảng Quy Nhơn đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
- Chúng tôi đã triển khai một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả vận hành. Ví dụ, thay thế toàn bộ hệ thống đèn cao áp bằng đèn led tại bãi container, trồng cây xanh tạo vành đai cách ly, thay đổi phương pháp vận chuyển hàng nhằm hạn chế bụi, rơi vãi hàng.
Cảng Quy Nhơn cũng yêu cầu tàu vào Cảng sử dụng nhiên liệu LSFO 0,5%, vận động khách hàng sử dụng phương tiện điện. Chúng tôi đang lắp thử nghiệm điện mặt trời áp mái cho khu văn phòng, đồng thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và khu chứa chất thải đúng quy chuẩn.
Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng nâng cao chất lượng dịch vụ. Ảnh: Hải Yến
* Cảng Quy Nhơn có những thuận lợi và gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai mô hình cảng xanh?
- Lãnh đạo Cảng luôn coi trọng phát triển xanh, nên đã chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình và phân bổ ngân sách rõ ràng trong đầu tư cho hạ tầng giao thông và thiết bị theo hướng xanh: Năm 2023 đầu tư 335 tỷ đồng; năm 2024 là 251 tỷ đồng; dự kiến năm 2025 khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra, Cảng có sẵn nền tảng công nghệ, hạ tầng, đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin vững vàng, cùng hệ thống quản lý ISO và SOP của VIMC, nên việc triển khai thuận tiện hơn.
Ý thức của người lao động về môi trường cũng được nâng cao thông qua truyền thông nội bộ, tập huấn thường xuyên. Hơn nữa, sức ép từ khách hàng, hãng tàu quốc tế về các tiêu chuẩn môi trường cũng là động lực thúc đẩy chuyển đổi nhanh hơn.
Về khó khăn, nguồn kinh phí để đầu tư chuyển đổi rất lớn, trong khi DN vẫn chịu áp lực duy trì sản lượng, lợi nhuận. Diện tích mặt đất của Cảng nhỏ và vuông vức nên cũng bị hạn chế việc triển khai các dịch vụ vận tải không phát thải như xe điện hay robot.
Một vấn đề nữa là thiếu nhân sự chuyên trách am hiểu chuyên sâu về tiêu chuẩn, công nghệ xanh. Ngoài ra, việc tự động hóa đồng nghĩa với cắt giảm lao động phổ thông, ảnh hưởng đến chính sách an sinh.
* Với những bước đi hiện nay, ông đánh giá khả năng đạt chứng nhận cảng xanh của Cảng Quy Nhơn trong thời gian tới như thế nào?
- Tôi tin rằng nếu tiếp tục giữ vững tốc độ đầu tư và đổi mới công nghệ như hiện tại, Cảng Quy Nhơn sẽ đáp ứng được các tiêu chí để được công nhận là cảng xanh trong giai đoạn tới. Chúng tôi không chỉ hướng đến chứng nhận, mà còn xây dựng hình ảnh Cảng thân thiện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI YẾN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/cang-quy-nhon-chuyen-minh-theo-huong-cang-xanh-post560388.html